Các tháp Chăm ở Bình Định: Trùng tu theo kiểu nào?
16:25', 7/4/ 2004 (GMT+7)

Một cán bộ ngành văn hóa nói về các tháp Chăm ở Bình một cách "hình ảnh": "Nếu 7 tháp và cụm tháp Chăm ở Bình Định mà "gom" lại cạnh nhau thì chúng đã là "di sản văn hóa thế giới" từ lâu rồi". Tuy nhiên, cái "di sản văn hóa thế giới" trong… mơ ấy, đã và đang bị xuống cấp từng ngày. Ngành văn hóa cũng đã vào cuộc để vừa chống xuống cấp, vừa trùng tu từ nhiều năm qua, song vấn đề đã và đang đặt ra chung quanh việc trùng tu này là: Trùng tu theo kiểu nào?

* Xuống cấp từng ngày

Tháp Dương Long chuẩn bị trùng tu

Bình Định đang sở hữu một di sản văn hóa vô giá của người Chăm với 7 Định tháp và cụm tháp. Những ngọn tháp này nằm rải rác trên địa bàn của các huyện Phù Cát, Tuy Phước, An Nhơn, Tây Sơn và thành phố Quy Nhơn. Gần như từ ngày chúng được xây dựng (khoảng thế kỷ XII-XIII) đến cuối thế kỷ XX, các ngọn tháp này vẫn trường tồn cùng mưa nắng chứ chưa có sự can thiệp nào từ phía con người, ngoài việc người dân chung quanh tháp tiến hành lấy gạch về xây nhà và đào vào chân tháp để tìm vàng! Sự khắc nghiệt của vùng đất lắm mưa nhiều nắng cộng với việc bỏ mặc của con người khiến các tháp Chăm ở Bình Định phải đối mặt với sự diệt vong như chính những người làm ra nó. Phần lớn các tháp ở Bình Định, hoặc là sụp đổ hoặc là bị sứt mẻ từng phần. Đi qua các tháp sẽ dễ dàng nhận ra ở hầu khắp các cửa vòm đều bị đổ sụp, cây cối mọc um tùm trên thân tháp, các hiện vật trong tháp như bệ thờ, tượng bằng đá đều vắng mặt. Nhìn thấy nguy cơ này, từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, Sở Văn hóa Thông tin Bình Định đã phải vào cuộc.

* Chống xuống cấp

Thật khó cho những người làm công tác văn hóa khi phải đối mặt với các ngọn tháp mà mỗi viên gạch đều hàm chứa sự bí ẩn của nó: Chống xuống cấp và trùng tu theo kiểu gì đây? Tiến sĩ Đinh Bá Hòa, Phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định, người đã gắn đời mình với các ngọn tháp này, nhớ lại: "Đó là vào khoảng năm 1987, phía Ba Lan có đặt vấn đề với mình để trùng tu tháp Dương Long (tháp phía bắc trong 3 tháp của cụm tháp này). Họ làm ròng rã trong 3 năm, đến năm 1990 thì xong. Thực ra nói "trùng tu" thì cũng không chuẩn lắm, vì những gì mà phía Ba Lan đã làm ở tháp Dương Long cũng chỉ dừng lại ở việc chống cho tháp khỏi đổ mà thôi". Chúng tôi có dịp tiếp cận với cụm tháp này và thấy rằng, "dấu vết" của việc trùng tu rất dễ nhìn thấy. Họ đã đào sâu dưới móng tháp để xây các bức tường chênh nhau với tường cũ của tháp khoảng 10cm, nhằm chống sụp là chính. Vì rằng, nguyên liệu mà họ xây dựng đều bằng gạch giống gạch Chăm, các mạch hồ bằng xi măng. Tiến sĩ Hòa lý giải: "Các nhà khảo cổ học và kiến trúc Ba Lan quan niệm rằng: Cái gì biết thì xây, còn không biết thì để đó, tránh suy diễn, càng không được làm mới "theo ý mình" đối với tháp". Sau lần chống xuống cấp cho tháp Dương Long của Ba Lan, ngành văn hóa tiếp tục chống xuống cấp cho nhiều tháp còn lại ở Bình Định cũng theo cách này. Cạnh đó, họ cũng đã đệ trình lên Bộ văn hóa Thông tin cần nhanh chóng trùng tu chứ không chỉ dừng lại ở "chống xuống cấp".

* Trùng tu theo kiểu nào?

Tháp Đôi - Quy Nhơn đã thành tháp đầu tiên ở Bình Định để những người làm công việc trùng tu tháp cổ của Việt Nam làm thí điểm vào năm 1991. Vẫn theo một nguyên tắc như người Ba Lan đã làm: "Cái gì biết thì làm, không biết thì để đó". Ví như cửa tháp hình vòm bị sập một bên thì bên sập ấy sẽ được xây lại đúng như phía chưa sập. "Nguyên tắc" này đã được những người làm công tác trùng tu các tháp Chăm ở Bình Định một mực tuân thủ. Tuy nhiên, điều đang gây tranh cãi giữa các "nhà trùng tu" là sử dụng vật liệu gì để kết nối các viên gạch với nhau? Việc dùng vật liệu gì để làm vữa xây tháp của người Chăm vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đối với các nhà khoa học Việt Nam từ nhiều thập kỷ qua. Vì chưa tìm ra câu trả lời, những người làm công tác trùng tu đành chọn phương án dùng xi măng! Họ mài lõm hai viên gạch - loại gạch đặc biệt được một lò gạch ở Tây Sơn làm riêng dùng cho việc xây tháp - rồi cho xi măng vào giữa để gắn lại với nhau. Khi đặt hai viên gạch chồng lên nhau, sẽ không phát hiện là có lớp vữa bên trong. Tuy nhiên, theo một số công nhân đang trùng tu tháp Bánh Ít thì "công đoạn" này cũng chỉ làm ở bên ngoài, còn ở giữa bức tường (dày đến 2 m), các thợ xây vẫn dùng xi măng để gắn hai viên gạch (không mài lõm ở giữa) như xây nhà! Nghĩa là, bên trong thân tháp (những nơi trùng tu) là một bức tường đã chứa một lượng vôi vữa không nhỏ.

Việc xử lý móng ở các tháp cũng thật thiếu khoa học. Chẳng hạn như ở tháp Đôi, thay vì đào chừng nửa mét là gặp móng, người ta đào sâu 1,6 mét như trong thiết kế, lấy toàn bộ số đá cuội và cát lên (số cát và đá cuội này được người Chăm sử dụng khi xây tháp, nhằm giúp cho nước thoát nhanh vì tháp Đôi không xây trên các ngọn núi mà ở vùng trũng), sau đó khoét sâu vào chân tháp để đổ một lớp bê tông vào, kiềng móng cho… chắc! Sự can thiệp bằng xi măng để xây tường khiến cho nước không thoát nhanh được, gây rong rêu trên thân tháp. Dưới chân tháp thì kiềng bằng bê tông, nước lại càng không thoát được, sự nguy hiểm chẳng thể lường hết. Tiếp sau tháp Đôi là tháp Bánh Ít cũng được trùng tu như thế. Tiến sĩ Đinh Bá Hòa cảnh báo: "Sở dĩ các ngọn tháp Chăm đã trụ cả ngàn năm là do chúng được xây bằng một loại gạch đặc biệt (gạch Chăm nặng 2kg, trong khi gạch "đặc biệt" cùng kích cỡ của ta nặng đến gần 6kg!). Loại gạch này giúp cho việc thoát nước rất nhanh. Phần móng tháp được xử lý bằng đá cuội và cát cũng là cách để giải phóng nước đọng thật nhanh. Giờ mình "độn" xi măng, bê tông cốt thép vào, nước thoát không được, liệu phần trùng tu này chịu mưa nắng của miền Trung được bao nhiêu năm?".

Đó cũng là lý do để việc trùng thu tháp Dương Long đang còn đặt lên bàn của các nhà khoa học. Có người đề nghị là nên sử dụng dầu ô dước thay xi măng nhưng loại vật liệu này chưa có cơ quan chủ quản nào xác nhận dùng trong xây dựng nên còn phải chờ. Nghĩa là các tháp cổ ở Bình Định thì vẫn chờ từ các cơ quan trung ương đưa ra lời giải cuối cùng cho vấn đề sử dụng vật liệu nào, trùng tu theo kiểu gì, trong khi mưa nắng thì không ngừng tấn công các tháp.

. Trần Đăng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định - Persik, cuộc chơi của hai đội "bằng vai, phải lứa"   (06/04/2004)
Bình Định chưa có gì mới ?   (05/04/2004)
Bộ phim "Việt Nam" của Roman Carmen: Điện Biên Phủ, như vừa mới hôm qua...   (05/04/2004)
Kết thúc giai đoạn 1 V-League 2004: Gập ghềnh vó ngựa ô   (04/04/2004)
Em còn nhớ hay em đã quên - Bộ phim đậm nét nhạc Trịnh   (02/04/2004)
Quản lý, tôn tạo và phát huy di tích: Dấu xưa, xe ngựa...  (01/04/2004)
Báo động tình trạng xâm phạm di tích !  (01/04/2004)
V.League 2004 - Nhìn lại nửa chặng đường   (31/03/2004)
Huỳnh Phi Thanh, người gieo mầm võ Thiếu lâm ở Hoài Nhơn  (30/03/2004)
Lebanon - Một đối thủ khó chịu  (29/03/2004)
Vài thông tin trước trận Việt Nam - Libăng  (28/03/2004)
Sở Thể dục - Thể thao tổ chức kỷ niệm ngày Thể thao Việt Nam 27-3  (28/03/2004)
Âm nhạc truyền thống: Còn ai với ai?   (26/03/2004)
Căng thẳng và kịch tính  (25/03/2004)
Khó khăn cho chủ nhà?   (24/03/2004)