Chế độ bồi dưỡng đêm diễn và luyện tập của sân khấu truyền thống đã trở nên quá lạc hậu so với hoàn cảnh thực tế. Thu nhập thấp, diễn viên khó lòng chuyên tâm với nghề.
* Mức bồi dưỡng lạc hậu
|
Một vở diễn của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định |
Sau một đêm diễn ướt đẫm mồ hôi, các diễn viên của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định chỉ được hưởng mức bồi dưỡng 30.000 đồng với diễn viên chính, 20.000 đồng với diễn viên chính thứ và 10.000 đồng với diễn viên phụ. Tương ứng với mức thù lao cho diễn viên, mức thù lao nhạc công nhạc hơi là 30.000 đồng và nhạc công nhạc cụ dây là 20.000 đồng. Mức thù lao biểu diễn của các diễn viên tuồng cũng tương tự như vậy. "Nhiều đêm, diễn xong thở không ra hơi nhưng khi nhìn vào tiền bồi dưỡng lại muốn rơi nước mắt "- một diễn viên tâm sự. Một bất hợp lý khác là mức bồi dưỡng của đoàn trưởng lại tương ứng như diễn viên phụ, trong khi anh ta là người quán xuyến toàn bộ đêm diễn. Nghệ sĩ Trần Văn Tới, Trưởng Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, cho biết: "Mức bồi dưỡng này quả thật là quá lạc hậu so với đời sống hiện nay". Mức bồi dưỡng cho việc tập luyện khi dựng vở lại càng ít ỏi hơn. 10.000 đồng, 7.000 đồng và 5.000 đồng trong một ngày tập luyện tương ứng với ba loại diễn viên trên. Ông Nguyễn An Pha, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin nhận xét: "Thấp đến mức không thể tưởng tượng nổi".
Được biết, chế độ bồi dưỡng này thực hiện theo Quyết định 174 ra ngày 23-8-1999 của Thủ tướng Chính phủ. Từ khi ban hành đến nay, tiền lương đã nhiều lần tăng, mức trượt giá cũng lớn nên đã rất lạc hậu so với thực tế. Theo NSƯT Hòa Bình, Giám đốc Nhà hát Tuồng Đào Tấn, trên thực tế, tại các Nhà hát, các đoàn nghệ thuật truyền thống khác, người ta đã phá rào từ lâu. Mức bồi dưỡng một đêm diễn ít nhất là 70.000 đồng. "Chúng tôi cũng rất muốn phá rào. Tuy nhiên, với hợp đồng biểu diễn trong tỉnh của Nhà hát là 1,5 triệu đồng/đêm thì chỉ vừa đủ chi với mức quy định" - NSƯT Hòa Bình nói.
Mỗi năm, trừ 6 tháng mùa mưa cũng là mùa dựng vở, hai đoàn sân khấu truyền thống của tỉnh chỉ có thể đi lưu diễn trong 6 tháng đầu năm. Tính ra, trung bình một năm, ngoài lương và tiền thanh sắc (15% với diễn viên dân ca và 20% với diễn viên tuồng), mỗi nghệ sĩ còn có thêm khoảng 400.000 đến 500.000 đồng/người từ tiền bồi dưỡng biểu diễn và tập vở. Do vậy, thu nhập các nghệ sĩ sân khấu truyền thống khá thấp so với mặt bằng chung hiện nay. Trong khi, ai cũng biết, đời của một người nghệ sĩ trên sân khấu là khá ngắn ngủi.
* Khó chuyên tâm với nghề
Sau thời gian 36 tháng học trung cấp ở trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh, để trở thành một diễn viên gọi là có đủ điều kiện để trụ lại với sân khấu truyền thống, chí ít cũng mất thêm từ 3 đến 5 năm làm việc tại các đoàn. Nhưng mức thu nhập thấp là một nguyên nhân làm các nghệ sĩ trẻ khó chuyên tâm với nghề. Một nghệ sĩ sân khấu truyền thống tâm sự: "Với một diễn viên, nhất là diễn viên sân khấu truyền thống, để có thể đứng vững bằng vai diễn trên sân khấu, ngoài kinh nghiệm biểu diễn, sức biểu cảm tích tụ từ những năm tháng trải trên sàn diễn, còn là vốn tri thức và trên hết vẫn là niềm say nghề. Đây là những điều các bạn trẻ đang thiếu".
Diễn viên trẻ ít chuyên tâm vào việc tập luyện, rèn nghề - đây là một sự thật. Có những bạn vốn là học sinh giỏi, tốt nghiệp lớp tuồng từ năm 1998 đến nay nhưng chỉ mới trụ được qua các trích đoạn chứ chưa đủ khả năng quán xuyến một vở. NSƯT Hòa Bình kể: "Hồi đó, tụi mình tranh thủ với thầy từng phút, từng giây. Làm cái nghề này thì phải biết "ăn cắp" từ cuộc đời đưa vào sân khấu, biết "ăn cắp" của thầy nữa. Nhưng bạn trẻ bây giờ, mặc dù rất yêu nghề, nhưng do còn chịu nhiều áp lực từ đời sống, nên dạy còn chưa hết, lấy đâu "ăn cắp" nghề. Băn khoăn lắm. Đã gắn bó với nghề này từ máu thịt, ai không cảm thấy trăn trở trước thực trạng này".
Khác với các loại hình sân khấu khác, diễn viên sân khấu truyền thống lại ít có điều kiện kiếm thêm từ thu nhập khác. NSƯT Hòa Bình cho biết: "Nếu diễn viên tuồng mà đi hát nhạc mới thì sẽ hỏng giọng ngay. Bởi khác với nhạc mới thường là hát cộng minh, hát tuồng phải hát bằng chính hơi ruột, giọng thật của mình. Do vậy, chúng tôi xác định bằng mọi cách phải tăng thời gian biểu diễn để tăng thêm thu nhập cho anh em, dẫu là rất ít ỏi. Có những năm chỉ tiêu giao 80 đêm nhưng chúng tôi diễn đến 118 đêm. Còn Nhà hát không cấm nhưng cũng không khuyến khích anh em đi biểu diễn thêm ở ngoài".
. Lê Viết Thọ |