Nhìn lại lượt đi V.League 2004
2 thái cực và những nghịch lý
16:25', 8/4/ 2004 (GMT+7)

Giai đoạn (GĐ1) V.League 2004 đã kết thúc sau 11 lượt trận đấu. Tuy mới chỉ qua lượt đi song vị thứ của các đội bóng "2 cực âm - dương" gần như đã được phân định. Ba đội bóng hiện đang tạm dẫn đầu là HAGL, SĐNĐ và SLNA. Ba đội bóng đang tạm đứng ở vị trí "đội sổ" là Đồng Tháp (ĐT), NHĐA và cuối cùng là Thể Công (TC).

Issawa - "xương sống" của đội Bình Định

Trước ngày khai mạc V.League 2004, HAGL từng "bị" xem là đội khó có thể bảo vệ được ngôi vô địch mùa bóng 2003. Một trong những lý do dẫn đến nhận định trên là do những bất ổn trong nội bộ của HAGL và độ tuổi trung bình của các cầu thủ khá cao. Thế nhưng, đội quân phố núi đã làm cho các nhà chuyên môn và giới hâm mộ bóng đá ngày càng ngạc nhiên, thán phục. Liên tiếp 7 lượt trận đấu đầu tiên, HAGL lập kỷ lục với thành tích toàn thắng. Sau GĐ1, HAGL đã đứng đầu bảng với 9 trận thắng, 1 trận hòa và chỉ 1 trận thua, được 28 điểm. Họ cũng là đội có số bàn thua ít nhất (4 bàn). Cùng với thành tích của HAGL, cầu thủ trẻ Minh Hải của đội này cũng vươn lên dẫn đầu danh sách cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất (9 bàn).

Cùng với HAGL, SĐNĐ được xem là "hiện tượng" của V.League 2004 và được mệnh danh là "Vua sân khách" với kỷ lục 5/7 trận thắng trên sân đối phương. Kết thúc GĐ1, SĐNĐ vươn lên vị trí thứ nhì, sau HAGL, với 7 trận thắng, 2 trận hòa, 2 trận thua, được 23 điểm. SĐNĐ cũng là đội bóng để lọt lưới ít nhất (5 bàn). Đồng thời, cầu thủ Amaobi của SĐNĐ cũng là 1 trong 2 cầu thủ dẫn đầu danh sách cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất (9 bàn).

Ngoài HAGL và SĐNĐ, SLNA cũng lập kỳ tích đáng nể. Nếu như ở V.League 2003, SLNA thi đấu lận đận, thậm chí đứng sau cả ĐT, Bình Định, Nam Định… thì ở GĐ1 V.League năm nay họ đã thi đấu khá thành công. Mặc dù bị "chảy máu cầu thủ", phải thi đấu với đội hình gồm hầu hết những cầu thủ trẻ, hạn chế về kinh nghiệm, nhưng kết thúc GĐ1, SLNA cũng đã vươn lên tạm xếp ở vị trí thứ 3. Điều đáng nói, SLNA là đội bóng duy nhất trong số 12 đội ở V.League 2004 lập kỷ lục bất bại.

Ở thái cực bên kia (tạm gọi là cực âm), các đội ĐT, NHĐA và TC đã tạo nên những nghịch lý bóng đá. ĐT là một đội bóng có bề dày truyền thống. Người hâm mộ không bao giờ quên tên tuổi của những cầu thủ: Trần Công Minh, Nguyễn Tấn Thành, Trần Thanh Nhạc… Ở V.League 2004, ĐT cũng "chiêu mộ" được tới 4 ngoại binh, vậy mà, qua 11 lượt trận đấu, các cầu thủ ĐT chỉ giành được 2 trận thắng, 2 trận hòa và để thua tới 7 trận, chỉ được 8 điểm.

Cùng "chung số phận" như ĐT là đội TC. Giống như ĐT, TC cũng là một đội bóng có bề dày truyền thống. Là đội bóng từng đoạt chức vô địch quốc gia, TC còn sản sinh ra nhiều danh thủ với những tên tuổi từng "một thời vang bóng". Ngay tại V.League 2004, TC cũng có khá nhiều cầu thủ kỳ cựu từng là tuyển thủ quốc gia như: Đức Thắng, Bảo Khanh, Việt Hoàng, Phương Nam, Như Thuần… Thế nhưng, do không theo kịp với xu thế của bóng đá chuyên nghiệp, TC đã gặp vô vàn khó khăn và đối đầu với một bi kịch: Sau 11 lượt trận đấu, đội TC chỉ giành duy nhất được 1 trận thắng, 4 trận hòa và để thua tới 6 trận, được 7 điểm, tạm xếp ở vị trí cuối cùng. Đồng thời, trong 11 lượt trận đấu các cầu thủ mặc áo lính chỉ ghi được vỏn vẹn 5 bàn thắng (bằng gần ½ số bàn thắng của Minh Hải - HAGL) và để lủng lưới tới 14 bàn. Đây có thể coi là một trong những "thất bại lịch sử" của TC.

Nhưng, trong số những đội "chiếu dưới", NHĐA là đội gặp bi kịch nhất. Sau khi đội Cảng Sài Gòn xuống hạng, NHĐA trở thành "con cưng" của bóng đá TPHCM. Vì thế, trước ngày khai mạc V.League 2004, NHĐA đã có cuộc chuẩn bị khá rầm rộ. Bên cạnh công tác củng cố, xây dựng lại đội bóng, Ban huấn luyện, NHĐA đã tiến hành cuộc "săn" ngoại binh thuộc loại "hàng chất lượng cao". Kết quả là 4 tuyển thủ kỳ cựu của Thái Lan đã về đầu quân cho NHĐA là Sakda, Pitipong, Chaman và Siriwong. Cuộc chuyển nhượng trên đã "ngốn" của NHĐA khoảng 2 tỉ đồng và tiền lương hàng tháng khoảng 200 triệu đồng. Với thế "mạnh gạo - bạo tiền", đại biểu của TP.HCM từng được coi là một trong những ứng cử viên của chức vô địch V.League 2004. Nhưng kết thúc GĐ1, NHĐA tụt xuống vị trí áp chót với vỏn vẹn 2 trận thắng, 2 trận hòa và thua tới 7 trận, được 8 điểm. Bên cạnh đó, trong số 3 đội chiếu dưới, NHĐA là đội để lọt lưới nhiều nhất (19 bàn). Thật là bi kịch và cũng thật là nghịch lý!

Những ngày qua, các đội bóng đã và đang khẩn trương chuẩn bị để bước vào giai đoạn 2 của V.League 2004. Bên cạnh công tác chuẩn bị về điều kiện cơ sở vật chất, các đội bóng đặc biệt chú trọng đến việc tìm kiếm, chuyển nhượng cầu thủ, nhất là ngoại binh chất lượng cao. Liệu các đội HAGL, SĐNĐ, SLNA có "yên vị ở chiếu trên" và các đội TC, NHĐA, ĐT có thoát khỏi "thân phận chiếu dưới"? Theo nhận định của nhiều nhà chuyên môn, trong 2 thái cực, ở phía cực dương, nhiều khả năng HAGL một lần nữa sẽ lại đoạt cúp vô địch. Ngược lại, ở phần cực âm, trong số 3 đội, mặc dù hiện đang ở vị trí "đội sổ" nhưng TC lại là đội có khả năng "vượt cạn" và thoát hiểm.

. Viết Hiền

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Diễn viên sân khấu truyền thống: yêu nghề đã khó   (08/04/2004)
Một trận đấu thiếu chuyên môn, thừa bạo lực   (07/04/2004)
Các tháp Chăm ở Bình Định: Trùng tu theo kiểu nào?  (07/04/2004)
Bình Định - Persik, cuộc chơi của hai đội "bằng vai, phải lứa"   (06/04/2004)
Bình Định chưa có gì mới ?   (05/04/2004)
Bộ phim "Việt Nam" của Roman Carmen: Điện Biên Phủ, như vừa mới hôm qua...   (05/04/2004)
Kết thúc giai đoạn 1 V-League 2004: Gập ghềnh vó ngựa ô   (04/04/2004)
Em còn nhớ hay em đã quên - Bộ phim đậm nét nhạc Trịnh   (02/04/2004)
Quản lý, tôn tạo và phát huy di tích: Dấu xưa, xe ngựa...  (01/04/2004)
Báo động tình trạng xâm phạm di tích !  (01/04/2004)
V.League 2004 - Nhìn lại nửa chặng đường   (31/03/2004)
Huỳnh Phi Thanh, người gieo mầm võ Thiếu lâm ở Hoài Nhơn  (30/03/2004)
Lebanon - Một đối thủ khó chịu  (29/03/2004)
Vài thông tin trước trận Việt Nam - Libăng  (28/03/2004)
Sở Thể dục - Thể thao tổ chức kỷ niệm ngày Thể thao Việt Nam 27-3  (28/03/2004)