Xây dựng Khu Di tích cách mạng Núi Bà: Niềm mong ước của nhân dân Bình Định
10:19', 4/5/ 2004 (GMT+7)

Núi Bà (huyện Phù Cát) là căn cứ địa cách mạng của tỉnh, là nơi ghi dấu nhiều chiến công của quân và dân Bình Định trong kháng chiến chống Mỹ. Xây dựng Khu Di tích Cách mạng (DTCM) này là mong ước của người dân Bình Định từ nhiều năm nay. Tháng 12-2003, dự án xây dựng Khu DTCM Núi Bà chính thức được phê duyệt.

Chùa Ông Núi trên ngọn núi Bà (Đào Tiến Đạt)

Với địa thế nằm trọn trong vùng đồng bằng, núi Bà có một vị trí chiến lược khá quan trọng của tỉnh. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, núi Bà vừa là nơi ấp ôm chở che, bảo vệ các cơ quan chỉ đạo khu Đông của tỉnh, là nơi nuôi dưỡng những đoàn quân giải phóng. Ngày 25-1-1994, núi Bà được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích lịch sử - văn hóa.

Xây dựng Khu DTCM núi Bà là việc làm hợp lòng dân, đáp ứng mong muốn được tưởng nhớ, được thờ phụng, được tự hào với những anh hùng, liệt sĩ, với đồng bào đã hy sinh xương máu giành độc lập dân tộc. DT cũng sẽ là một thực thể sống động để giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh anh dũng chống giặc ngoại xâm cho các thế hệ mai sau.

KTS Hoàng Ngọc Tùng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Xây dựng dân dụng và công nghiệp (cơ quan quản lý dự án) cho biết: "Thật ra, núi Bà là một quần thể DT với 22 điểm DT nằm rải rác trên diện tích tự nhiên gần 100 km2. Do vậy, việc xác định địa điểm để xây dựng công trình này đã được lựa chọn, cân nhắc kỹ". Công trình sẽ được xây dựng dưới chân núi Bà, thuộc thôn Phương Phi, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, nằm gần DT chùa Linh Phong (chùa Ông Núi), với ba mặt giáp núi, phía Đông giáp với tuyến đường từ Cát Tiến đi Cát Hải. Trong chiến tranh, địa điểm này vừa là tuyến liên lạc chính nối với khu Đông để chỉ huy hoạt động, vừa là mũi tiến đánh của quân và dân ta tiêu diệt sinh lực địch. Nhiều cuộc bám trụ, đánh trả những đợt càn quét địch, tiêu diệt sinh lực địch đã diễn ra ngay trên mảnh đất này.

Hơn nữa, địa điểm xây dựng chỉ cách thành phố Quy Nhơn chừng 30km, nằm ngay trên tuyến đường ven biển đang được tỉnh đầu tư xây dựng, nên rất thuận lợi cho du khách tổ chức thăm viếng, hành hương. Sau khi dâng hương tưởng niệm và tham quan nhà lưu niệm, du khách có thể đến thăm các DT khác trong tổng thể khu DT Núi Bà cũng rất thuận lợi. Một lợi thế khác là công trình này được xây dựng trong tổng thể quy hoạch tuyến du lịch Phương Mai - Núi Bà, rất thuận lợi về đất đai và cảnh quan để có thể tổ chức thành một quần thể bao gồm di tích lịch sử với du lịch tham quan, nghỉ ngơi. Cách vị trí xây dựng hơn 200m là một bãi tắm lý tưởng trải dài, với môi trường trong sạch gần như còn giữ được nguyên dáng vẻ tự nhiên, sẽ là điểm thu hút khách thăm viếng trong và ngoài tỉnh. Thông qua đó, DT sẽ phát huy giá trị rất lớn trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ tiếp nối.

Công trình sẽ được xây dựng với các hạng mục chính: đài chiến thắng, nhà lưu niệm, nhà quản lý và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật như: cổng, đường nội bộ, điện cấp thoát nước, cây xanh.... Đài chiến thắng là biểu tượng của sự hy sinh anh dũng lớn lao của các anh hùng liệt sĩ đối với sự nghiệp cách mạng, ghi tạc chiến công vẻ vang của quân và dân Bình Định. Đài được xây dựng với chiều cao tối thiểu 15m so với vị trí công trình, với tổ hợp nhóm tượng 3 hoặc 5 người trên thân đài, sẽ tạo cho công trình một dáng vẻ hoành tráng. Cùng với đài, nhà lưu niệm là một tổ hợp kiến trúc gắn bó với nhau và là hạng mục chính thuộc khu DT. Nhà lưu niệm có tổng diện tích sàn khoảng 574m2, theo dự kiến sẽ gồm khu vực thờ các vị anh hùng, thờ Bác Hồ, các liệt sĩ, đồng bào hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ngoài ra, còn có phòng đặt sa bàn, mô hình tổng thể DT núi Bà, phòng trưng bày hiện vật, tranh ảnh. Nhà lưu niệm sẽ thiết kế theo dạng kiến trúc truyền thống dân tộc nhưng có hướng kiến trúc hiện đại.

Ngày 1-12-2003, Chủ tịch UBND tỉnh đã chính thức phê duyệt dự án khả thi công trình Khu DT Cách mạng Núi Bà với tổng số tiền đầu tư hơn 6,3 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2004 đến 2006. Tuy nhiên, theo Ban Quản lý Dự án Xây dựng dân dụng - công nghiệp tỉnh, mặc dù dự án nằm trong kế hoạch 2004, nhưng đến nay vẫn chưa được bố trí kế hoạch vốn. Để kịp tiến độ, công tác chuẩn bị cần triển khai sớm, Ban đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh cho phép được triển khai thực hiện đầu tư dự án và bố trí vốn kế hoạch năm 2004 cho dự án. Theo KTS Hoàng Ngọc Tùng, thì nếu được bố trí vốn, sẽ tổ chức thi thiết kế kiến trúc nhà lưu niệm để đảm bảo chất lượng và giá trị công trình, và cố gắng hoàn thành hạng mục này vào dịp kỷ niệm 30 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-2005). Riêng hạng mục đài chiến thắng có thể thi công sau.

. Lê Viết Thọ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đội Bình Định xếp cùng bảng với SLNA, Thừa Thiên Huế và An Giang   (03/05/2004)
Đội Bình Định: Từ top 5 đến... trụ hạng  (02/05/2004)
Một trận thắng ý nghĩa của đội Bình Định  (30/04/2004)
AFF hỗ trợ VN 200.000 USD tổ chức Tiger Cup 2004  (30/04/2004)
Một trận cầu đầy thử thách đối với đội Bình Định  (29/04/2004)
Địa chí Bình Định: mong đợi ngậm ngùi  (29/04/2004)
Tự ti  (28/04/2004)
Đoàn Bình Định đoạt 15 huy chương các loại tại Hội khỏe Phù Đổng Khu vực III  (27/04/2004)
Hoạt động chiếu bóng trong cơn bĩ cực   (26/04/2004)
Buồn, vui qua chuyến du đấu của đội Bình Định ở Indonesia   (26/04/2004)
Bình Định - Đồng Tháp 1-1: Trận cầu tẻ nhạt  (25/04/2004)
Bình Định tham dự giải bóng đá U.21 và Cúp Milo năm 2004  (25/04/2004)
Một trận đấu then chốt đối với Bình Định   (23/04/2004)
Cúp C1 châu Á: Bình Định vẫn chưa nếm mùi chiến thắng  (22/04/2004)
Những "hạt gạo" có thể rớt xuống "sàng V-League 2004"   (21/04/2004)