Là một huyện trung du, Hoài Ân có 13 xã và một thị trấn. Trong đó, 5 xã miền núi và 3 xã vùng cao. Một số xã miền núi và vùng cao chưa có điện lưới quốc gia, đồng bào dân tộc ngoài chiếc radio ra, chưa có phương tiện nghe nhìn nào khác; các đoàn nghệ thuật thì không mấy khi đến, chỉ có đội chiếu bóng lưu động Hoài Ân là thường xuyên mang phim ảnh phục vụ đồng bào.
Ông Đinh Văn Biên, Tập đoàn trưởng làng T5, xã Bok Tới chân tình bày tỏ: "Đồng bào muốn no cái bụng thì phải tích cực trồng nhiều ngô, nhiều lúa nhưng muốn no con mắt thì chỉ còn trông vào các anh chiếu bóng thôi". Vì thế, hoạt động của đội chiếu bóng lưu động trở thành một bộ phận không thể thiếu trong cuộc sống của người dân làng miền núi.
|
Đội chiếu bóng huyện Hoài Ân trên đường đi phục vụ đồng bào vùng cao |
Mùa trăng. Chúng tôi cùng các trai làng khiêng máy móc đến làng T5. Làng có 45 hộ với 250 dân, hầu hết là người Ba na. Khi hoàng hôn buông xuống, hắt ráng chiều vàng nhạt ở cuối nguồn. Dãy Pom Chu và Lồ Ô Vàng ở cuối làng mờ hẳn cũng là lúc người dân tề tựu trên sân bãi cạnh nhà Rông. Tiếng máy nổ xình xịch, đèn điện sáng cả một vùng trời. Tiếng ồn ào bỗng nhiên im bặt, chỉ còn những cặp mắt hướng lên màn ảnh. Hình ảnh núi rừng, buôn rẫy quê hương, rồi giặc Pháp, giặc Mỹ đến cướp phá, bắn giết dân làng. Người Ba na, H'rê… đứng lên đánh Pháp, đánh Mỹ theo lời Bok Hồ (qua các bộ phim Đất nước đứng lên, Lửa rừng, Mùa săn máu, Vợ chồng A Phủ….). Những thông tin thời sự về giáo dục, văn hóa, y tế… của đất nước Việt Nam (Chương trình phim phục vụ đồng bào miền núi của Cục Điện ảnh). Và những trận đánh ác liệt của quân và dân ta khắp mọi miền đất nước (qua các bộ phim Chiến thắng Điện Biên Phủ, Tây Nguyên chiến thắng, Đại thắng mùa xuân năm 1975…).
Dân làng T5 đêm nay xem phim được thấy mặt Bok Hồ, thấy anh hùng Đinh Núp người Ba na, thấy tất cả các dân tộc anh em đoàn kết đứng lên giải phóng đất nước… nên họ dễ đồng cảm với các nhân vật và bối cảnh trong phim về đề tài chiến tranh. Vì những bộ phim đó, gợi nhớ lại những năm tháng hào hùng nhưng đầy gian khổ của người dân tộc miền núi tham gia cách mạng. Thỉnh thoảng, ánh lửa mồi thuốc lại lóe sáng, soi những khuôn mặt rạng rỡ, chất phác cùng với tiếng cười thỏa thích bật lên, lan ra át cả tiếng nước chảy bên bờ suối mà mọi đêm tiếng chày nện cối vẫn đều đều.
Ông Đinh Bá Hùng - cán bộ văn hóa làng T5 tâm sự: "Theo mình nghĩ bụng, bây giờ khác trước nhiều, ơn Đảng, ơn Chính phủ, mỗi năm làng lại được xem phim nhiều lần. Bọn trẻ trong làng thuộc tên phim và thuộc cả tên mấy anh em trong đội". Quả thật vậy, như vầng trăng mỗi tháng lại tròn, bước chân của đội chiếu bóng Hoài Ân qua mỗi tháng lại trở về địa điểm đã đến. Cứ thế quay vòng. Qua ba mùa trăng đầu năm 2004 đội đã tổ chức được 12 buổi chiếu, phục vụ 1.465 lượt người xem tại nhà Rông làng T5. Ngoài phim truyện, dân làng được xem phim tài liệu, khoa học đề cập đến nhiều lĩnh vực thiết thực với đồng bào như về kỹ thuật nông nghiệp, kinh tế VAC, bảo vệ rừng, vệ sinh cộng đồng, bài trừ mê tín dị đoan và xóa bỏ các tệ nạn xã hội…
. Võ Văn Tiễn |