Mối quan hệ giữa Đào Tấn và gia đình Bác
16:21', 17/5/ 2004 (GMT+7)

Nhân kỷ niệm 114 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 – 19.5.2004), Báo Bình Định xin giới thiệu bài viết của nhà văn Sơn Tùng, đề cập đến mối quan hệ giữa Đào Tấn và gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc. Bài viết này lược trích từ bài phát biểu trình bày tại Hội thảo "Hồ Chí Minh và nghệ thuật dân tộc" do Trung tâm Nghiên cứu và phát huy nghệ thuật dân tộc tổ chức năm 2000 tại Hà Nội.

...Tôi may mắn được sống nhiều năm với cụ Nguyễn Sinh Khiêm, trong nhiều câu chuyện hễ nói đến Đào Tấn, cụ Khiêm đều sùng kính khẳng định: Đào Tấn là một trong những ân nhân của gia đình Bác. Cụ Nguyễn Sinh Khiêm kể lại việc đầu tiên khi ra làm quan xứ Nghệ là Đào Tấn đi gặp những nhân sĩ. Xứ Nghệ là xứ chữ, ai ra làm quan Tổng đốc đều rất sợ. Những người nhiều chữ không dám ra làm mà ít chữ cũng không dám ra làm, phải thật sự có tài mới ra làm Tổng đốc Hà Tĩnh với Nghệ An. Làm quan xứ này khó lắm. Lê Quý Đôn từng một thời làm quan xứ Nghệ, xa xưa hơn có Lý Nhật Quang cho đến Đào Tấn là những người dám ra xứ này đồng thời họ cũng nổi tiếng vì để lại nhiều ân đức cho dân.

Cụ Đào Tấn

Nhân đây tôi cũng xin nhắc lại, sau khi ra đời thì tác phẩm Búp sen xanh bị phê phán hai điều: Tại sao lại dựng Thành Thái hiên ngang và ca ngợi Đào Tấn thế? Đơn giản đó là những con người mang nhân cách lớn, diện mạo lớn của thời kỳ ấy. Có những ông quan như Đào Tấn, những vị vua như Thành Thái và các chí sĩ yêu nước khác thì mới tạo nên diện mạo của Hồ Chí Minh buổi bình minh thế kỷ XX này.

Một ông vua thiếu niên thương dân chấp nhận đứng lên chống Tây để rồi phải chịu cảnh đi đày ra nước ngoài và 40 năm sau đó khi trở về lại xứ sở thì hai mắt đã bị mờ (1907-1947)...

Còn Đào Tấn, vì sao lại đề cao vị quan hiền tài này mà đặc biệt là trong mối quan hệ với cậu bé làng Sen Nguyễn Sinh Cung...

Vào một đêm tại nhà cậu Sinh Cung ở Huế, có một bữa rượu chia tay gồm cụ Nguyễn Thượng Hiền, Đào Tấn, Nguyễn Sinh Sắc, Phan Văn San.

Đó là đêm tiễn đưa Đào Tấn trở ra làm Tổng đốc An Tĩnh lần thứ 2 và tiễn Phan Văn San (tức Phan Bội Châu) trở về quê. Bên chén rượu sâu nặng ân tình, Phan Văn San đã đọc những câu thơ: Tiến biệt tửu ngôn nhất chín hiền/ Đăng tình đại dạo đỗ quyên quyên/ Quốc quốc cũ ai ai tư quốc/ Bằng hữu cổ kim nhất chí hiền. Cả 4 người cam kết với nhau cho cụ San lần này về đỗ cử nhân vì không có học vị ấy thì khó để tạo dựng ngọn cờ Đông Du trong khi cụ Phan tuy thực tài nhưng vì tính cách nghệ sĩ nên hay phạm lỗi mỗi lần đi thi...

Đêm hôm ấy, Sinh Cung và Sinh Khiêm được hầu cha và bạn cha. Một mái ấm có được cho gia đình Sinh Cung cũng nhờ cụ Đào Tấn. Có hai người giúp để gia đình ông Sắc có nhà là Đào Tấn và con trai trưởng cụ Cao Xuân Thưởng tức Cao Xuân Tiến. Đào Tấn và Cao Xuân Tiến đã mua lại của một người lính khố vàng trong thành nội Huế - chợ Đông Ba căn nhà về dựng lại giúp ông Sắc trong những tháng ngày sống ở Huế đầy khó khăn thiếu thốn ấy. Đặc biệt tình nghĩa của Đào Tấn và gia đình Nguyễn Sinh Sắc càng sâu nặng sau sự kiện đau lòng của gia đình ông Sắc năm 1900. Ngày ấy ông Sắc được bổ đi ra trường thi Thanh Hóa. Ông rời Huế cùng Sinh Khiêm còn để Sinh Cung lại Huế cùng người vợ chịu thương chịu khó và thảo hiền nết na đang trong kỳ sắp sinh nở.

Xa chồng xa con, xa quê hương làng xóm trong khi Tết Nguyên đán ngày một gần mà bà Loan lại lâm bệnh nặng sau khi sinh con. Ngày 23 tháng Chạp năm Canh Tý, khi trẻ con thành phố nô nức đi chợ Tết thì Sinh Cung chịu nỗi đau đớn tột cùng: mẹ mất, cha và anh đi vắng, em thơ khát sữa, xung quanh toàn người xa lạ... Lúc đó cụ Đào Tấn ở Nam An, ông Sắc ở Thanh Hóa. Hai người con của Đào Tấn là Đào Thụy Thạch và Đào Tuyên - đều là học trò ông Sắc đã đứng ra lo việc tang cho bà Loan thay ông Sắc và thân nhân ở xa. Hai người con của Đào Tấn đã đứng ra đi vay cỗ quan tài của một người quen đem đến cho vợ thầy mình. Ân tình ấy không phai mờ trong tâm cảm Sinh Cung. Lúc đó cậu mới 10 tuổi, pháo nổ, Tết đến, cha vẫn không về và Sinh Cung chỉ còn biết nhờ vào các con trai Đào Tấn để lo việc cho mẹ, lo xin bú cho em Sinh từng bữa. Điều đáng nói, để có những người học trò hiếu thảo này trong đó có hai con trai Đào Tấn là cũng nhờ Đào Tấn đứng ra tổ chức cho ông Sắc nơi dạy học ổn định bằng cách giao cho một vị quan thuộc hạ của mình ở làng Dương Nỗ về mở lớp học này. Tình thầy trò đã đưa đến những nghĩa cử cao đẹp khi vợ thầy mất, thầy đi vắng...

Với Sinh Cung, từ những lần được hầu nước, thuốc cho cha và cụ Đào Tấn cho đến sự đi lại giúp đỡ tận tâm của Đào Tấn suốt từ khi gia đình Sinh Cung vào Huế đến lúc mẹ mất, trở thành những dấu ấn tình cảm sâu đậm của cậu với ông quan này. Với Đào Tấn, Sinh Cung có cả sự cảm phục, kính nể và khắc ghi công ơn. Và với một nhân cách làm quan như Đào Tấn, ảnh hưởng sâu sắc đến việc hình thành nhân cách và những tư tưởng lớn của Nguyễn Sinh Cung trong những năm tháng ở tuổi trưởng thành.

Tình thân hữu của ông Sắc với Đào Tấn và gia đình Đào Tấn không chỉ sau cái đại tang vợ mà nó còn thể hiện khi chính gia đình Đào Tấn đã ba lần đón Sinh Cung và Sinh Khiêm về nhà mình ở để tránh bớt khó khăn sau khi mẹ mất.

Cho đến khi Đào Tấn về hưu, lúc ông đau bệnh thì cả ba cha con ông Sắc chính là những người đi lại ân cần chăm sóc Đào Tấn với tình nghĩa hết mực yêu thương kính trọng. Đến khi Đào Tấn qua đời, đứng trước mộ Đào Tấn, ông Sắc đã nói với Nguyễn Tất Thành và Nguyễn Tất Đạt (nhưng có lẽ người cha muốn nói với Bác nhiều hơn) rằng: Phải lấy tấm gương của Đào Tấn để mà lập thân, cứu nước. Điều đó làm sao cậu bé Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành quên được. Vì thế thật là tiếc bởi trong phim Hẹn gặp lại Sài Gòn, có đoạn Nguyễn Tất Thành đứng trước mộ Đào Tấn cùng ba điều dặn của cha đã bị cắt mất.

Rõ ràng bên cạnh những ảnh hưởng từ quê hương, gia đình, truyền thống... thì mối quan hệ giữa hai gia đình Đào Tấn và Nguyễn Sinh Sắc cùng hình ảnh ông quan thanh liêm, ông tổ nghệ thuật tuồng từng đã có những ảnh hưởng lớn góp phần hình thành nên, hun đúc nên nhân cách văn hóa Hồ Chí Minh, người anh hùng giải phóng dân tộc - danh nhân văn hóa thế giới.

. Sơn Tùng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nam Phi đăng cai World Cup 2010  (16/05/2004)
Một trận thua đáng tiếc của Bình Định  (14/05/2004)
Dính án tù treo, Phi Hùng bị treo giò đến hết giải  (14/05/2004)
Trương Tam Phong - Võ Đang lão tổ  (14/05/2004)
Bình Định với mục tiêu đòi lại nợ cũ  (13/05/2004)
Hoài Ân: Phim về với buôn làng  (13/05/2004)
Bóng ném Bình Định trong cuộc thử thách mới   (12/05/2004)
Cơ hội cuối cùng cho danh thủ Maradona  (12/05/2004)
Khởi công dự án bảo tồn khu di tích Kim Liên  (11/05/2004)
Trầu cau ở phố   (10/05/2004)
Hòa SĐNĐ 0-0: Kỳ tích mới của Bình Định trên sân khách   (10/05/2004)
Ngựa ô Bình Định khó lọt qua cửa Thành Nam  (07/05/2004)
Những mẫu tem về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ   (07/05/2004)
Có một "Tây Bắc" trên sàn diễn Nhà hát tuồng Đào Tấn   (06/05/2004)
Champions League châu Á 2004: Bình Định thua đậm Yokohama   (06/05/2004)