Năm 1954, tôi (NSND Võ Sỹ Thừa) theo Đoàn Tuồng Liên khu V tập kết ra Bắc. Dắt lưng cái vốn nghề mà tôi đã được học với các thầy bầu Bảy, bầu Thơm, Chánh ca Lục... trên đất Bắc, tôi lại được dìu dắt bởi thầy Nguyễn Nho Túy. Nhờ vậy, như cá gặp nước, tôi nhanh chóng trưởng thành, tạm gọi là có một chút danh tiếng trên sân khấu thủ đô lúc bấy giờ. Nhiều lần Bác Hồ và Trung ương Đảng tiếp khách đã gọi Đoàn Tuồng Liên khu V vào biểu diễn. Lần nào, tôi cũng được đóng vai chính: Đổng Kim Lân, Hoàng Phi Hổ...
|
NSND Võ Sỹ Thừa cầm chầu trong một đêm sinhhoạt CLB Tuồng truyền thống |
Năm nào cũng như năm nào, chiều mồng ba Tết Nguyên đán, Bác Hồ xuống thăm Khu Văn công. Lần nào, Người cũng mang theo rất nhiều kẹo để phân phát cho con cháu các nghệ sĩ. Một năm, tới trước sân Đoàn Tuồng Liên khu V, Bác hỏi: "Sỹ Thừa đâu?" Tôi vội vàng chạy ra chào Bác. Bác lại hỏi: "Sỹ Thừa ăn tết có vui không? Vợ con cháu đâu?". Tôi cho vợ con tôi đến chào Bác. Bác nói: "Cô này Bác đã xem cô đóng vai mẹ Trần Quốc Toản phải không?". Vợ tôi dạ. Bác nói: "Cả vợ chồng đều là nghệ sĩ có tài, giỏi lắm, cố gắng hát hay nghe cháu!". Rồi Bác bảo tôi: "Sỹ Thừa lấy kẹo phân phát cho các cháu ăn cho vui đi nào. Các cháu tập hợp thẳng hàng lãnh kẹo". Bác nói: "Vợ chồng nghệ sĩ, nuôi ba con, cuộc sống khó khăn lắm phải không? Sỹ Thừa ngoài biểu diễn còn tham gia công tác quản lý gì không?". Tôi thưa: "Cháu là thư ký công đoàn ạ". Bác lại hỏi: "Nhiệm vụ chủ yếu của thư ký công đoàn là gì vậy?". "Nhiệm vụ chủ yếu của thư ký công đoàn là chăm lo cải thiện đời sống tinh thần, vật chất cho nghệ sĩ và công nhân viên chức ạ" - tôi thưa. Bác cười và khen: "Khá! Khá lắm". Bác nói: "Đến đây, Bác đã thấy nơi ăn chốn ở cũng tạm được, nhưng các công trình phụ quá kém. Ông thư ký công đoàn phải chú ý, lần sau Bác đến, sinh hoạt phải tiến bộ hơn. Thôi Bác chơi đã lâu, Bác về đây". Mọi người trong Khu Văn công cùng đến tiễn Bác và hô to "Bác Hồ muôn năm...".
Mỗi năm, vào tối mùng 4 tết, Đoàn Tuồng Liên khu V lại biểu diễn phục vụ cho các gia đình ở các cơ quan trung ương. Vở diễn là Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản. Sau mỗi đêm diễn, Bác Hồ lại chiêu đãi tiệc ngọt. Mỗi người của Đoàn, Bác trao một gói kẹo, bảo mang về cho các cháu ăn. Đêm mùng 4 tết năm 1965, trước khi tôi tạm biệt miền Bắc vào Nam, tôi đóng vai Trần Khánh Dư trong vở Trần Quốc Toản. Bác cho tôi một túi kẹo và nói: "Sỹ Thừa sắp về quê phải không?". Tôi cúi đầu dạ. Bác nói: "Về quê, phải diễn thật hay. Ngày thống nhất đất nước, Bác sẽ vào gặp Sỹ Thừa ở quê hương cháu".
Tôi vào Trường Cán bộ đi B. Ngày 3-2-1966, tôi cùng đồng đội vượt Trường Sơn tròn 3 tháng về tới quê hương Bình Định. Ngày 1-9-1966, tôi được lệnh dẫn quân xuống diễn ở Hoài Ân. 6 giờ sáng, vừa đến Ân Tường bị địch bắt, giam giữ hết trại giam Pleiku, Cần Thơ rồi Phú Quốc. Một hôm, ngồi trong trại Phú Quốc nhìn ra, chúng tôi nghe bọn giám thị xôn xao: "Ông Hồ Chí Minh đã mất". Chúng tôi chưa tin cho đến khi một đồng chí của ta bị chúng bắt đưa vào trại giam, đồng chí khóc và nói: "Bác Hồ đã qua đời rồi!". Lúc ấy, tất cả chúng tôi đã bật khóc nức nở như đàn con mất mẹ. Bảy năm ở tù, tôi làm 80 bài thơ, có 10 bài tả phong thái của Bác, tình thương nghệ sĩ của Bác.
Trọn cuộc đời nghệ thuật của tôi, câu nói của Bác: "Tuồng tốt đấy nhưng phải cải tiến, không giậm chân tại chỗ, đừng có gieo vừng ra ngô" đã như một nguồn sáng soi đường.
Năm 1996, tôi lâm bệnh nặng phải ra Bệnh viện Việt - Đức chữa bệnh 3 tháng trời. Anh Tố Hữu đến thăm tôi, anh nói: "Cậu là sản phẩm phi vật thể vô hạn của dân tộc, đừng chết nghe".
Gần 10 năm nay, tôi không vào Lăng thăm Bác được. Nhưng những lời dặn của Bác tôi đã khắc ghi trong tâm khảm của mình.
. NSND Võ Sĩ Thừa |