Giao lưu cùng tiền vệ Issawa của đội Bình Định
16:28', 20/5/ 2004 (GMT+7)

- Issawa rất thành công ở 2 mùa giải vừa qua với đội Bình Định. Người dân thành phố biển Quy Nhơn rất yêu mến bạn, luôn gọi tên mỗi khi bạn thi đấu cũng như khi xuất hiện trên đường phố Quy Nhơn. Nếu bạn có người yêu ở Quy Nhơn, nhưng có một CLB nào đó trả lương cao hơn so với đội Bình Định, bạn có rời xa miền đất võ, xa bạn gái để ra đi không? (LƯƠNG THỊ VÂN, Đại học Quy Nhơn).

Issawa và người hâm mộ bóng đá ở Bình Định (ảnh: Cát Hùng)

* Điều hạnh phúc cho các cầu thủ bóng đá là luôn được đông đảo người hâm mộ yêu mến và tôi đã có được điều may mắn đó khi đến thi đấu tại Bình Định. Tôi đang có rất nhiều bạn tại Bình Định, nhưng còn người yêu thì chưa. Điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, thi đấu… tại đây rất thích hợp với tôi nên tôi không có ý định rời khỏi đội này.

- Nếu bắt buộc phải chọn một trong hai - bóng đá hay tình yêu, sự nghiệp hay hạnh phúc gia đình, anh sẽ chọn thế nào? Anh đá bóng vì điều gì, niềm đam mê, mau nổi tiếng hay kiếm được nhiều tiền? (LÊ THIỆN KHIÊM, 184/12, Lý Chính Thắng, phường 9, quận 3 – TPHCM).

* Đối với tôi, bóng đá là ưu tiên hàng đầu bởi bóng đá đã và đang cho tôi rất nhiều thứ. Hiện tại, tôi vẫn chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình.

- Được xem như 50% sức mạnh của đội bóng, vậy khi đội bóng thi đấu không thành công thì hẳn nhiên anh cũng lãnh 50% trách nhiệm? Anh có đồng ý với nhận định đó? Anh nghĩ sao về những lời khen, chê của đồng đội và khán giả dành cho anh sau mỗi trận đấu? Một cầu thủ giỏi, xuất sắc và luôn được yêu mến, theo anh phải hội đủ những yếu tố nào? (ĐỖ THÙY DIỄM TRANG, 137/1, Lê Văn Thọ, phường 11-quận Gò Vấp, TPHCM).

* Đội bóng thi đấu không thành công dĩ nhiên ai cũng cảm thấy buồn cả nhưng lý do còn nằm ở phong độ thi đấu và cả việc kém may mắn nữa. Bình Định là một tập thể rất đoàn kết và hòa đồng nên theo nhận xét của tôi thì tiêu cực khó có thể chen vào một tập thể như vậy.

Bóng đá đôi khi có cả sự may mắn nữa, có thể hôm nay chúng tôi thi đấu hay hơn nhưng lại không giành được phần thắng. Và dĩ nhiên luôn có những lời khen chê từ khán giả. Tôi chủ yếu là tin ở Huấn luyện viên và các bạn bè bởi họ là những người hiểu tôi hơn. Tôi luôn xác định mỗi khi ra sân là thi đấu hết mình vì đội bóng, nếu khán giả yêu thích đội Bình Định thì coi như đã yêu thích Issawa rồi.

· Là một tuyển thủ quốc gia Thái Lan, anh có thể chơi bóng ở những câu lạc bộ của những quốc gia có nền bóng đá phát triển mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc, nhưng sao lại chọn Việt Nam? Kiatisak có ảnh hưởng gì tới chuyện này hay không? (HỒ ĐÌNH PHƯỚC, 19/44, Thoại Ngọc Hầu, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú – TPHCM).

* Đối với các CLB của những quốc gia mà bạn nêu, đa số họ chọn những cầu thủ đến từ các nước có đẳng cấp cao hơn như Brazil hay những nước ở châu Âu. Còn đối với tôi thì bóng đá ở Việt Nam phù hợp với mình hơn và dễ hòa nhập hơn. Việc tôi sang thi đấu tại Bình Định là do sự giới thiệu của Kiatisak.

- Anh thích cầu thủ nào nhất ở đội Bình Định? Động lực nào giúp anh sang thi đấu ở Việt Nam? Là cầu thủ trẻ đầy tài năng, anh có thỏa mãn với điều này không? (NGUYỄN QUỐC CƯỜNG, P.401 A2, ký túc xá Bách khoa, TPHCM).

* Bóng đá là 1 môn chơi tập thể và sự thành công của bất kỳ đội bóng nào không phụ thuộc vào một ngôi sao nào đó. Mỗi người khi ra sân đều được giao nhiệm vụ riêng và nếu cùng chung sức sẽ đạt được kết quả tốt. Ở đội Bình Định cũng vậy và tôi xin trả lời câu hỏi của bạn là tôi thích tất cả các thành viên ở đội bóng này bởi đây là 1 tập thể rất đáng yêu.

Bóng đá chuyên nghiệp là phải luôn luôn rèn luyện, phấn đấu chứ không lúc nào tự cho phép mình dừng lại cả. Thi đấu không đạt yêu cầu sẽ bị mất việc như chơi, vì vậy tôi luôn khắt khe với bản thân mình trong cả tập luyện lẫn thi đấu chứ không nghĩ đến chuyện tự mãn quá sớm.

· Anh đến với bóng đá trong hoàn cảnh nào? Anh nhận xét thế nào về đàn anh của mình là Kiatisak? Anh có dự tính gì sau khi nghỉ thi đấu chưa? (Một người hâm mộ đội Bình Định tại TPHCM).

* Tôi chơi bóng từ lúc còn đi học. Ở Thái Lan, bóng đá trong trường học được đầu tư và phát triển rất mạnh. Đối với tôi, Kiatisak như là một người anh cả bởi anh ấy là một mẫu cầu thủ rất hoàn thiện trong thi đấu cũng như trong sinh hoạt, là tấm gương để các cầu thủ trẻ như tôi noi theo.

Lúc này, tôi chưa nghĩ đến chuyện phải làm gì khi rời sân cỏ bởi mình còn trẻ và còn nhiều thời gian để cống hiến cho khán giả hâm mộ. Tôi chỉ chuyên tâm vào việc tập luyện và chơi bóng. Còn về tương lai ư? Nếu sau này không còn thi đấu nữa, tôi thích làm công việc văn phòng hơn là đi làm huấn luyện viên.

. Theo SGGP

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhà hát tuồng Đào Tấn: Tăng cường công tác nghiên cứu nghệ thuật  (20/05/2004)
Thua Seongnam 1-3: Một trận đấu hay và đẹp của đội Bình Định  (19/05/2004)
Môn thể thao "vua" trong lòng quần chúng   (19/05/2004)
Cúp C1 Châu Á: Khó có bất ngờ trong trận Bình Định - Seongnam  (18/05/2004)
Nhớ mãi lời Bác dạy  (18/05/2004)
Mối quan hệ giữa Đào Tấn và gia đình Bác   (17/05/2004)
Nam Phi đăng cai World Cup 2010  (16/05/2004)
Một trận thua đáng tiếc của Bình Định  (14/05/2004)
Dính án tù treo, Phi Hùng bị treo giò đến hết giải  (14/05/2004)
Trương Tam Phong - Võ Đang lão tổ  (14/05/2004)
Bình Định với mục tiêu đòi lại nợ cũ  (13/05/2004)
Hoài Ân: Phim về với buôn làng  (13/05/2004)
Bóng ném Bình Định trong cuộc thử thách mới   (12/05/2004)
Cơ hội cuối cùng cho danh thủ Maradona  (12/05/2004)
Khởi công dự án bảo tồn khu di tích Kim Liên  (11/05/2004)