Thao thức với những bản hơamon
16:15', 14/6/ 2004 (GMT+7)

Các huyện vùng cao của Bình Định như An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh đều có những nghệ nhân thuộc và biết hát hơamon (sử thi). Sưu tầm, bảo tồn kho tàng văn hóa dân gian này là việc làm cấp thiết. Tiếc thay, đến nay đây vẫn là công việc "đơn thương độc mã" của các nhà sưu tầm...

* Việc sưu tầm mới chỉ bắt đầu

Số bài hơamon ở Bình Định đã được sưu tầm, công bố

Nhà sưu tầm văn hóa dân gian Hà Giao cho biết: "Cách đây hơn một tháng, nghe nói ở Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh) có 2 người biết hát hơamon. Khi lên đến nơi tôi biết chắc có tới 6 người biết hát nhưng rồi mới gặp được 4 người, còn 2 người vẫn chưa gặp. Đợt này tôi sưu tầm được 7 bài. Trước đó, vào tháng 4, tôi lên Bok Tới (Hoài Ân), sưu tầm được 3 bài… Còn nhiều lắm. Tôi tính Bình Định có tới cả trăm bài hơamon như vậy. Chỉ mình bok Đoan ở Vĩnh Kim (Vĩnh Thạnh) thuộc tới 30 bài, tôi mới chỉ thuộc 4, 5 bài".

Vậy, nhưng đến nay việc sưu tầm, công bố hơamon ở Bình Định mới chỉ đi những bước đầu tiên. Ngoài tác giả Hà Giao với Truyện cổ Bahnar Kriêm, Dyông Wiwin, Chàng Dyông, Sử thi Bahnar Kriêm (2 tập), Sử thi Bahnar Konkđeh, Hơamon Bahnar Konkđeh mới đây còn có thêm nhà sưu tầm Yang Danh. Tính ra, các tác giả này mới sưu tầm được khoảng 20 bài hơamon.

Sự cách biệt về ngôn ngữ, sự khác biệt trong cách tư duy vẫn là trở ngại khó vượt qua nhất của các nhà sưu tầm khi tiếp cận với Hơamon. Hơn nữa, hơamon chính là một dạng thức văn hóa dân gian mà tính nguyên hợp của nó đòi hỏi người sưu tầm, biên dịch phải hiểu thấu đáo nhiều lĩnh vực. Khi mà kho hơamon vô giá của đồng bào đang ngày càng mất đi trong cuộc sống, công việc của những nhà sưu tầm như những người đi vỡ hoang. Những mảnh tư liệu, những bản hơamon được chắt lọc, lưu giữ. Rồi trên mảnh đất tư liệu ấy, sẽ có những người tiếp bước, ươm trồng và gặt hái nhiều thành tựu trong nghiên cứu văn hóa - văn học các dân tộc.

* Nhưng đã đối diện với thách thức

Hiện nay, tuổi của lớp người này đã cao, sức nhớ hạn chế. Chẳng hạn, theo ông Hà Giao, ở Vĩnh Thạnh, ngoài Bok Đoan và Bok Thân vốn rất thuộc hơamon, còn có Yă Xuân hát "bữa nào nghe cũng lạ tai"; rồi xã Canh Liên (Vân Canh) hầu như làng nào cũng có người biết hát hơamon; hay như Vĩnh An (Tây Sơn), An Toàn (An Lão) đều có người biết hát hơamon... nhưng những bài hát ấy chưa được tiến hành sưu tầm. Tuổi của những nghệ nhân này đều đã trên 60, nếu không nhanh chóng sưu tầm là một tổn thất lớn.

Bên cạnh đó, sức nuôi dưỡng nguồn sống của sử thi không chỉ phụ thuộc vào các nghệ nhân mà còn phụ thuộc vào môi trường diễn xướng sử thi. Cách đây chừng 4, 5 thập kỷ, những dịp diễn xướng sử thi trong cộng đồng còn khá thường xuyên. Nay thì những dịp như vậy đã ít hẳn, do vậy, nghệ nhân cũng ít có điều kiện kể lại những bản hơamon cho con cháu.

Bảo tồn sử thi của các dân tộc, mà ở đây là sử thi Bahnar, có ý nghĩa như một sự vớt vát nếu không sẽ là quá muộn. Bởi sử thi, không chỉ là văn học đơn thuần, sử thi còn là nguồn tư liệu quý để tái dựng và nghiên cứu cuộc sống vật chất và tinh thần của đồng bào. "Văn học dân gian Bahnar Kriêm không chỉ biểu hiện tính trữ tình và chất anh hùng ca, nó còn phản ánh đời sống tinh thần đa dạng, họ biết khóc, biết cười. Họ không chỉ biết cười vui về những thành quả lao động hay những chiến tích to lớn, họ còn biết cười hóm hỉnh trào lộng để tăng thêm sức sống" - tác giả Hà Giao đã từng viết vậy. Và như vậy, với mỗi sử thi được sưu tập, nhặt nhạnh, chính là một lần ta học được từ đây về cuộc đời; góp thêm một tư liệu quý để nghiên cứu đời sống vật chất và tinh thần các tộc người, qua đó một mảnh trong di sản văn hóa các dân tộc được lưu giữ.

* Nhà sưu tầm đang "đơn thương độc mã"

Tuy nhiên, công việc này hiện chủ yếu vẫn là việc làm "đơn thương độc mã" của các nhà sưu tầm. Bỏ tiền túi ra để đi sưu tầm, bỏ công sức biên dịch, tìm nguồn tài trợ để in tác phẩm, nhưng khi xét giải thưởng Xuân Diệu - Đào Tấn thì các tác phẩm này lại chỉ được xếp vào loại hình sưu tầm (60% giá trị so với giải thưởng dành cho thể loại sáng tác). Hơn nữa, với cách làm như hiện nay, bao giờ có thể khai thác hết những khối lượng sử thi đó? Trong khi, dự án Điều tra, sưu tầm, biên dịch, xuất bản và bảo quản kho tàng sử thi Tây Nguyên mà Nhà nước giao cho Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia (nay là Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn) thực hiện từ 2001 - 2005 mới chỉ tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên. Mong muốn hiện nay là các cơ quan chức năng để tâm và tổ chức nghiên cứu và sưu tầm một cách bài bản, khoa học di sản tinh thần quý báu này, trước khi chúng bị thời gian phủ mờ.

Bên cạnh việc sưu tầm, nghiên cứu, công bố dưới dạng văn bản các sử thi, trong tương lai cũng cần nghĩ đến việc bảo lưu dưới dạng băng hình, băng tiếng. Tuy nhiên, đây cũng mới là cách bảo tồn bảo tồn tĩnh. Điều quan trọng hơn là phải bảo tồn động, tức là bằng nhiều cách đưa sử thi trở lại với sinh hoạt cộng đồng để chính nhân dân, những người đã sáng tạo ra nó, nay tiếp tục lưu truyền và bảo tồn nó. Ở đây, điểm mấu chốt là làm sao phục hồi được các sinh hoạt hát kể sử thi từ các nghệ nhân già cho thế hệ trẻ, đánh thức được tâm thức lịch sử của thế hệ trẻ thông qua sinh hoạt hát kể sử thi.

Dòng chảy của thời gian mỗi ngày một gấp gáp hơn. Chúng ta hãy làm trước khi là quá muộn.

. Lê Viết Thọ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Euro 2004: 3 phút kinh hoàng của đội tuyển Anh   (14/06/2004)
Thua Hải Phòng 0-1, Bình Định cố thủ không thành  (13/06/2004)
Euro 2004 chính thức khai cuộc   (13/06/2004)
Đội bóng nào sẽ đoạt cúp vô địch EURO 2004?  (11/06/2004)
Bình Định sẽ thi đấu sòng phẳng trong trận gặp Hải Phòng?  (13/06/2004)
Cúp bóng đá châu Âu và những bộ tem bưu chính  (11/06/2004)
Forca - ca khúc có sức lan tỏa mãnh liệt  (10/06/2004)
Vòng loại World Cup 2006: Đội tuyển Việt Nam thua Hàn Quốc 0-2  (10/06/2004)
Trước thềm 2 giải thể thao quốc gia tổ chức tại Bình Định: Vinh dự và khó khăn   (09/06/2004)
Đội tuyển Việt Nam: Phấn khởi, sung mãn trước giờ ra trận  (08/06/2004)
Nhà thi đấu đa năng và những nhìn nhận bước đầu   (07/06/2004)
Khúc tráng ca Thiên Long Bát Bộ   (07/06/2004)
Quốc Vượng, Văn Thành bị loại khỏi đội tuyển Việt Nam  (06/06/2004)
Euro 2004 còn 8 ngày  (04/06/2004)
Về ba phác thảo tượng đài Nghĩa trang Liệt sĩ Quy Nhơn  (04/06/2004)