Trùng tu tháp Chăm: Bài toán chưa lời giải
10:35', 30/6/ 2004 (GMT+7)

Với 14 trong số hơn 40 đền tháp Chăm, Bình Định sở hữu một di sản kiến trúc vô cùng độc đáo. Trong những năm qua, nhiều tháp Chăm ở Bình Định đã được trùng tu. Song chính qua việc trùng tu này, bộc lộ rất nhiều lúng túng...

* Trùng tu: nhiều lúng túng

Tháp Đôi sau khi được trùng tu

Trở ngại lớn nhất cho việc bảo tồn tháp Chăm ở miền Trung nói chung và Bình Định nói riêng vẫn là những bí ẩn chưa được giải mã trong công nghệ xây dựng, vật liệu và nguyên liệu liên kết các tháp Chăm. Vật liệu đặc biệt cấu thành nên những tháp Chăm đến nay vẫn khiến những nhà trùng tu cực kỳ lúng túng. Hàng chục giả thiết đã được đưa ra, nhiều giải pháp đã được bàn thảo, nhưng cuối cùng, các phương án vẫn sử dụng gạch giống gạch Chăm và liên kết bằng xi măng.

Năm 1987, phía Ba Lan trùng tu tháp bắc của cụm tháp Dương Long và đến năm 1990 thì hoàn thành. Khi trùng tu, chuyên gia Ba Lan đã đào sâu dưới móng tháp để xây các bức tường chênh nhau với tường cũ của tháp vài cm. Phương pháp này khá thuyết phục về mặt lý thuyết vì nó vừa giúp di tích lấy lại hình khối cơ bản, đồng thời dễ dàng phân biệt phần xây gia cố với nguyên gốc, để thế hệ sau có điều kiện tiếp tục công việc khi đã có đủ tư liệu chắc chắn hơn. Tuy nhiên, sự phân biệt cũ, mới lại tạo ra sự phản cảm và gây ra cảm giác "tân cổ giao duyên".

Sau đó, ngành văn hóa tiếp tục chống xuống cấp cho một số tháp còn lại ở Bình Định cũng với phương pháp này nhưng có phần cải tiến hơn. Năm 1991, tháp Đôi trở thành nơi để những người làm công việc trùng tu của Việt Nam thí điểm với vật liệu xi măng. Các nhà trùng tu mài lõm hai viên gạch, một loại gạch đặc biệt được một lò gạch ở Tây Sơn làm riêng dùng cho việc xây tháp, rồi cho xi măng vào giữa để gắn lại với nhau. Do vậy, khi đặt hai viên gạch chồng lên nhau, sẽ không phát hiện là có lớp vữa bên trong. Tuy nhiên, công đoạn này cũng chỉ làm ở bên ngoài, còn ở giữa bức tường (dày đến 2m), các thợ xây vẫn dùng xi măng để gắn hai viên gạch mà không mài lõm ở giữa. Tuy khả dĩ hơn về mặt hình thức nhưng phương pháp này cũng gây ra nhiều hiệu ứng. Tháp Đôi và tháp Bánh Ít dù mới trùng tu nhưng nhiều vị trí rêu phong đã bám xanh mờ, nhiều đường xỉ xi măng chảy dài trên thân tháp. Nguy hại nhất là khối bê tông dày tại các tháp theo sẽ gắn chết với tường vào lòng tháp, khiến sau này có muốn phục chế nguyên gốc cũng chịu. Nước bị ngấm vào tường từ trước, sẽ hạn chế sự bốc hơi do lớp bê tông khá dày, làm cho gạch tháp bị ẩm và mủn dần. Sự can thiệp bằng xi măng để xây tường khiến cho nước không thoát nhanh được, gây rong rêu trên thân tháp. Dưới chân tháp thì kiềng bằng bêtông, nước lại càng không thoát được. Một nguyên nhân khác là gạch Chăm truyền thống thì chỉ nặng 2kg, rất xốp, giúp cho việc thoát nước rất nhanh. Trong khi đó, gạch cùng kích cỡ mới sản xuất sau này để phục vụ việc trùng tu lại nặng đến gần 6kg, rồi lại "độn" thêm bằng xi măng bêtông cốt thép, nên nước thoát không được.

Việc xử lý móng ở các tháp cũng có phần bất cẩn. Chẳng hạn như ở tháp Đôi, thay vì đào chừng nửa mét là gặp móng, người ta đào sâu 1,6m như trong thiết kế, sau đó khoét sâu vào chân tháp để đổ một lớp bêtông vào, kiềng móng. Tháp Bánh Ít thì lại được khảo sát một cách vội vàng. Khi khảo sát, phần đế móng và chân kiềng của các tháp chưa tính toán đủ độ sâu cần thiết nên khi đào chân tháp lộ phần thân tháp dưới bề mặt đất.

* Quan điểm và vật liệu trùng tu: cần một sự định chuẩn

Đến thời điểm này, Bình Định lại chuẩn bị trùng tu tháp Dương Long và Cánh Tiên. Ngay từ khi lập dự án, việc sử dụng vật liệu gì để trùng tu tháp Dương Long lại được đặt lên bàn của các nhà khoa học. Phương án được lựa chọn của Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (Bộ Xây dựng) với việc trùng tu theo công nghệ truyền thống. Trong đó, chất kết dính dự kiến sử dụng lại là nhớt cây Ô dước hoặc cây Bời lời. Các tháp sẽ được xây thành hai phần: phần lõi và phần vỏ, có câu nối nhau. Phần lõi gạch được mài phẳng, có lớp vữa mỏng liên kết; phần vỏ tháp được mài phẳng và dùng phương pháp mài chập, có chất kết dính hữu cơ (nhớt cây Bời lời, Ô dước), trộn với keo nhôm và keo sắt.

Điều khiến nhiều người băn khoăn là liệu kỹ thuật khối xây mài chập và chất kết dính thực vật có phải là kỹ thuật sử dụng để xây tháp cổ của người Chăm hay không? Đến nay, vấn đề này vẫn chưa có ý kiến kết luận cuối cùng. Hơn nữa, với các cụm tháp khác nhau, có thể được sử dụng những vật liệu khác nhau. Vật liệu nhựa dầu rái nóng trộn với vôi sò, chứ không phải nhớt Ô dước trong xây dựng tháp Porome (Ninh Thuận) là một ví dụ. Hơn thế, chất kết dính Bời lời hiện vẫn chưa có tính pháp lý để sử dụng. Văn bản thẩm định dự án ngày 7-10-2003 của Bộ Văn hóa - Thông tin lưu ý: cần phân tích kỹ hơn nguyên nhân gây nứt tháp để xác định phương án kỹ thuật xử lý chính xác; việc dùng nhớt cây Bời lời làm chất kết dính và dùng keo đèn khò tác động vào mặt ngoài của tháp cần được khẳng định về mặt khoa học. Ông Văn Trọng Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh đã từng khẳng định: "Chỉ khi nào vật liệu này được công nhận về mặt khoa học, bằng văn bản của cơ quan thẩm quyền thì mới được sử dụng trong tu bổ di tích". Nghĩa là các tháp cổ vẫn chờ các cơ quan chức năng đưa ra lời giải cuối cùng cho vấn đề sử dụng vật liệu nào, trùng tu kiểu gì, trong khi mưa nắng đang không ngừng tấn công.

Một lý do khác khiến nhiều người băn khoăn là nguyên tắc trùng tu theo công nghệ truyền thống của Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng vốn đã áp dụng cho tháp Bình Thạnh (Tây Ninh). Tuy nhiên, tháp cổ này khi trùng tu xong lại có những yếu tố chẳng "truyền thống" chút nào. Tháp đã bị biến dạng hoàn toàn vì rất nhiều bộ phận của tháp được làm mới. Liệu tình trạng này có tái diễn với các tháp Chăm ở Bình Định?

Bài toán trùng tu xem chừng vẫn chưa có lời giải. Việc trùng tu tháp Chăm vẫn tiến hành một cách cảm tính, tùy thuộc vào quan điểm của từng cơ quan tiến hành trùng tu hơn là có một sự định chuẩn khoa học.

. Lê Viết Thọ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tháp Chăm Bình Định: Từ kiến trúc đến lịch sử  (30/06/2004)
Bán kết Euro 2004: CH Czech và Bồ Đào Nha sẽ chiến thắng  (29/06/2004)
Bồ Đào Nha trước cơ hội "ngàn năm có một"   (28/06/2004)
CH Czech vào bán kết  (28/06/2004)
Bình Định đăng cai tổ chức vòng loại giải bóng đá U.18 quốc gia, bảng C   (27/06/2004)
Cổ động viên Anh phản đối trọng tài Thụy Sĩ   (27/06/2004)
Hà Lan và Hy Lạp vào bán kết   (27/06/2004)
VCK Cúp Quốc gia 2004: Bình Định chắc suất vào bán kết   (25/06/2004)
Trận tứ kết Anh - Bồ Đào Nha: Nghẹt thở  (25/06/2004)
CH Czech và Hà Lan vào tứ kết   (24/06/2004)
"Mùa quả ngọt" của điền kinh Bình Định  (23/06/2004)
Bi kịch "màu thiên thanh"   (23/06/2004)
Một fan bóng đá người Anh bị giết tại Bồ Đào Nha  (22/06/2004)
Bảng B: Pháp, Anh lọt vào tứ kết   (22/06/2004)
Euro 2004: Pháp và Anh sẽ vào tứ kết   (21/06/2004)