Đất nước ta có một dòng sông rất lạ mà nhà văn Nguyễn Tuân đã miêu tả: Sao lại không lạ được khi giữa hai bờ đó, đã bảy năm nay, không một tiếng gọi đò nào cất lên;. .. ở dọc sông lạ này, từ vị con người ven sông đã mất hẳn đi danh từ "đò ngang", động từ "sang ngang". Đó là sông Bến Hải, một thời gian dài dằng dặc chỉ có một bờ.
|
Các di tích vừa được tái hiện: Cầu Hiền Lương |
Chính vì vậy mà con sông này đã được cả thế giới biết đến. Con sông trở thành ranh giới tạm thời chia đất nước Việt Nam làm 2 miền từ tháng 7-1954, chờ ngày hiệp thương tổng tuyển cử vào tháng 7-1956 theo Hiệp định Giơnevơ. Dọc 2 bên sông Bến Hải hồi đó được thiết lập vùng phi quân sự, mỗi bên cách bờ sông 5 km, không được bố trí quân đội, chỉ có lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh. Nhưng sự thật không phải như thế bởi dã tâm xâm lược đất nước VN của đế quốc Mỹ. Từ giới tuyến quân sự tạm thời sông Bến Hải đã trở thành nỗi đau chia cắt của dân tộc VN, của nhân dân đôi bờ. Kẻ thù phá hoại hiệp thương tổng tuyển cử, quân và dân ta bước vào cuộc đấu tranh bền bỉ dưới nhiều hình thức với một ý chí sắt thép, kiên cường. Hệ thống di tích đôi bờ Hiền Lương trở thành một trong những di tích tiêu biểu trong lịch sử chiến đấu chống ngoại xâm. Thời gian, thiên tai, và đặc biệt là do sự hủy diệt của chiến tranh, các di tích ở 2 bên bờ Hiền Lương đã nhiều lần bị biến dạng, hoặc bị triệt tiêu.
Đôi bờ Hiền Lương là tên gọi của cụm di tích đã và đang từng bước được tái hiện. Cụm di tích bao gồm các hạng mục công trình sau đây:
Cầu Hiền Lương: Cầu dài 178m, rộng 4m, 7 nhịp, trụ bê tông cốt thép, dầm bằng thép, mặt cầu lát gỗ thông, lan can 2 bên cao 1,2m, do người Pháp xây năm 1952. Năm 1967, khi xã Trung Hải đã giải phóng, cầu bị máy bay Mỹ đánh sập. Năm 1972 công binh của ta bắc cầu phao, cách cầu cũ 20m về phía tây. Năm 1974, ta xây lại cầu bằng bê tông cốt thép, dài 186m, rộng 9m. Năm 1996 Bộ GTVT xây lại cầu dài 230m, rộng 11m, ở phía tây cầu cũ. Chiếc cầu tồn tại trong giai đoạn 1952-1967 vừa được phục chế.
|
đồn Công an |
Đồn công an giới tuyến: Theo Hiệp định Giơnevơ, dọc 2 bờ sông Bến Hải có 4 đồn cảnh sát: Hiền Lương, Cửa Tùng ở bờ bắc; Xuân Hòa, Cát Sơn ở bờ nam. Mỗi đồn biên chế không quá 20 cảnh sát, trang bị súng ngắn và tiểu liên. Đồn Hiền Lương ở phía đông QL 1, cạnh đầu cầu phía bắc. Đồn gồm 3 nhà tạo thành hình chữ V. Nhà A còn gọi là nhà liên hợp, xây dựng năm 1955, theo kiểu nhà sàn. Đây là trụ sở chỉ huy, nơi cảnh sát 2 bên giao ban, tiếp các đoàn khách, khiếu nại với tổ chức Quốc tế 76 (gồm đại diện các nước Ba Lan, Ấn Độ, Canada). Ở bờ nam, đồn Xuân Hòa tận dụng lại bốt cũ của quân đội Pháp; xây theo kiểu lô cốt phòng thủ: nhà ở giữa, lô cốt, tháp canh bao bọc xung quanh.
Cột cờ Hiền Lương: Việc dựng cờ và treo cờ Tổ quốc hàng ngày ở đồn Hiền Lương cũng là một cuộc đấu tranh gay go, một cuộc đọ sức quyết liệt giữa ta và địch. Ban đầu ta làm cột cờ bằng gỗ phi lao cao 12m. Bờ nam địch cắm cờ trên nóc lô cốt cao 15m. Các chiến sĩ của ta lên rừng tìm được cây gỗ 18m đưa về dựng cột cờ. Địch xây cột cờ bằng bê tông cốt thép cao 30m. Ta lại dựng cột cờ bằng thép ống cao 34,5m. Địch tôn cột cờ lên 35m. Ta xây cột cờ cao 38,6m, treo lá cờ 134m2. Nhân dân bờ nam, ở phía trong Dốc Miếu, Cồn Tiên vẫn thấy rõ lá cờ Tổ quốc ở bờ bắc tung bay, vẫy gọi. Ngày 2-8-1967 địch tập trung nhiều tốp máy bay bắn phá suốt ngày, cột cờ bị gãy. Trong đêm đó, có chiến sĩ đã dũng cảm mang bộc phá sang sông đánh sập cột cờ của địch, chấm dứt vĩnh viễn cờ ba que của ngụy quyền trên bờ nam sông Bến Hải. Bên ta tiếp tục thêm 11 lần dựng cờ bằng gỗ. Năm 1973 ta xây lại cột cờ ở bờ bắc cao 35m. Bờ nam Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN cũng cho dựng lên một cột cờ bằng thép ống.
Hệ thống loa phóng thanh: Hệ thống loa phóng thanh ở 2 bờ sông cũng chạy đua quyết liệt về kỹ thuật và về nội dung phát thanh. Nhờ vậy, hàng ngày nhân dân bờ nam vẫn nghe được các chương trình của Đài Truyền thanh Vĩnh Linh, các chương trình của đội phát thanh lưu động Vĩnh Linh, các chương trình văn nghệ do các đoàn văn công miền Bắc biểu diễn ở bờ bắc...
|
và Nhà liên hợp. | Bên cạnh đó, các bến đò bên sông cũng sẽ được tái hiện. Tháp canh của đồn cảnh sát ngụy cũng đã được trùng tu. Tại bờ nam sẽ có cụm tượng đài cao 21m, chiều cao tượng đài tượng trưng cho chiều dài 21 năm chia cắt. Tuy nhiên, do địa hình, địa vật đã có nhiều thay đổi, nhất là QL 1 mở rộng và nâng cao, kéo theo là chiếc cầu đồ sộ bắc qua sông, đã làm cho việc phục hồi các di tích đôi bờ gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp. Cụ thể là ở khu vực này tồn tại 2 chiếc cầu bắc qua sông Bến Hải; Đồn Công an Hiền Lương bị thấp hơn và nằm xa QL 1; Cầu Hiền Lương vừa phục hồi không đúng vị trí cũ... Rồi sẽ phát sinh thêm một số công trình mới như cụm tượng đài chẳng hạn.
Có lẽ vì thế mà phải dùng chữ tái hiện chứ không phải là chữ phục hồi. Dù sao thì đó cũng là việc làm có ý nghĩa. Cụm di tích này vừa tái hiện được lịch sử, vừa thể hiện được nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất non sông, Bắc - Nam sum họp một nhà.
. Thanh Tùng
|