Việt Nam là một trong 10 đội tuyển có mặt ở kỳ Asian Cup đầu tiên vào năm 1956. Và cũng trong năm này, Việt Nam (tuyển Sài Gòn đại diện) đã giành vé dự vòng chung kết chỉ qui tụ 4 đội bóng. 4 năm sau, Việt Nam tiếp tục giành quyền vào vòng chung kết và đây là thời điểm cuối cùng cho cuộc viễn chinh tham dự các vòng đấu đỉnh cao của bóng đá châu Á.
|
Pha tranh bóng trong một trận đấu giữa VN (áo đỏ) và Thái Lan |
Kể từ đó đến nay đã qua 44 năm, với 11 kỳ Asian Cup, bóng đá Việt Nam dường như trở thành người ngoài cuộc. Chiến tranh và những khó khăn của một đất nước đang trong giai đoạn xây dựng lại từ đống đổ nát của cuộc chiến, của nạn cấm vận về kinh tế đã ngăn trở thể thao Việt Nam vươn mình ra thế giới, trong đó có bóng đá.
Mãi đến năm 1996, Việt Nam mới quay trở lại đấu trường Asian Cup, nhưng lại bị loại từ vòng ngoài. 3 lần tham dự liên tiếp gần đây nhất, bóng đá Việt Nam đều dừng chân ở vòng loại, đều làm khán giả ở vòng chung kết, nhìn những người láng giềng Thái Lan, Indonesia thi thố tài năng với những Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Saudi Arabia. Mới hôm kia, Indonesia - đối thủ của chúng ta ở vòng loại Tiger Cup 2004 đã làm chấn động Asian Cup 2004 khi đánh bại Qatar 2-1 (dẫn trước 2-0), tạo bất ngờ đầu tiên của giải.
Trông người lại nghĩ đến ta. Tại sao Thái Lan, Indonesia cứ hết lần này đến lần khác đi dự vòng chung kết Asian Cup, còn mình cứ mãi làm khán giả? Đành rằng, làng bóng hai quốc gia này được đánh giá là mạnh nhất Đông Nam Á, nhưng Việt Nam cũng từng đứng ở vị trí thứ nhì ở nhiều giải đấu trong cùng khu vực, tối thiểu cũng hơn Indonesia một chút. Việc hai quốc gia này thường thắng ở các vòng đấu loại cũng có nguyên nhân khách quan, nhờ việc tham dự thường xuyên, thành tích tham dự một số giải trong quá khứ khá tốt, nên được xếp vào nhóm mạnh (sau nhóm hạt giống), tránh được nhiều đối thủ nặng ký.
Trong khi Việt Nam gián đoạn một thời gian dài không tham dự, bị xếp vào nhóm trung bình (trên nhóm yếu), nên luôn bị "đè" bởi hai đội bóng mạnh hơn hẳn. Đó cũng chỉ là một nguyên nhân. Xét về mặt chủ quan, cách làm việc hiện nay của những người làm công tác quản lý bóng đá từ cấp liên đoàn đến câu lạc bộ không có kế hoạch hành động đồng bộ, không có chiến lược phát triển nào khả thi, mà đều làm theo kiểu đối phó.
Ngay chính việc chọn ai làm HLV trưởng đội tuyển cũng một thời làm nổi đình nổi đám, sai sót lung tung, rồi chuyện chọn địa điểm tổ chức vòng loại Tiger Cup cũng nay thế này, mai thế khác… Liên đoàn Bóng đá Việt Nam hiện vẫn còn là một tổ chức yếu kém thì đội tuyển quốc gia làm sao mạnh để có thể đường hoàng cầm vé tham dự vòng chung kết Asian Cup trong tương lai?
. Theo SGGP
|