Nhộn nhịp "Con đường Di sản miền Trung"
11:3', 22/7/ 2004 (GMT+7)

Sau Festival Huế, Đà Nẵng chuẩn bị khai hội Liên hoan Văn hóa Du lịch - từ 23-7 đến 1-8. Cũng trong thời điểm này, từ 25 đến 28-7, tại Quảng Trị diễn ra Liên hoan Văn hóa Du lịch "Nhịp cầu xuyên Á".

Cửa Tùng - Quảng Trị

Tiếp đó, từ 30-7 đến hết tháng 8 Quảng Nam mở lễ hội lần thứ 2 nhân kỷ niệm 5 năm Hội An và Mỹ Sơn được công nhận Di sản văn hóa thế giới. Đây cũng là lần thứ 2 tại Hội An diễn ra giao lưu Văn hóa Việt - Nhật (lần đầu tiên tổ chức năm 2003). Các hoạt động lễ hội diễn ra trong tháng "Hội An - Cảm xúc mùa hè".

Lễ hội tại các địa phương này nằm trong chương trình du lịch quốc gia Con đường di sản miền Trung 2004 với hoạt động khởi đầu là lễ hội đón nhận danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới và tôn vinh thắng cảnh Phong Nha - Kẻ Bảng ở Quảng Bình hồi đầu tháng 4.

Đà Nẵng là một thành phố biển, được hình thành và phát triển từ một làng chài, cho đến nay, một bộ phận cư dân thành phố vẫn giữ được những phong tục, tập quán đặc trưng của vùng biển. Du lịch biển đang là một thế mạnh của Đà Nẵng với những bãi biển sạch và đẹp: Non Nước, Xuân Thiều, Mỹ Khê; có khu nghỉ mát ở bãi biển Bắc Mỹ An gắn với khách sạn 5 sao Furama, có nhiều khu du lịch sinh thái biển kỳ vỹ như Ngũ Hành Sơn, Tiên Sa, Bãi Bụt, Hải Vân... Trong thực tế, nội dung liên hoan và không gian hoạt động không chỉ giới hạn ở văn hóa biển mà có cả văn hóa núi. Chương trình Gặp gỡ Bà Nà ở độ cao 1.500m, mở đầu cho cuộc liên hoan trong thời gian 3 ngày, từ 23 đến 25-7. Đây là hoạt động định kỳ, tổ chức hàng năm vào tháng 7, với mục đích giao lưu giữa các doanh nghiệp du lịch đã liên kết, gắn bó với Đà Nẵng, hoặc đang nghiên cứu thị trường để quyết định đầu tư vào Đà Nẵng. Trong suốt thời gian liên hoan các DN du lịch sẽ tổ chức khai trương các tour, tuyến tham quan, các sản phẩm du lịch mới, chào bán các tour nội thị và các tour liên kết, mở rộng ra Huế, vào Quảng Nam...

Khu vực trung tâm, điểm nhấn của Liên hoan là sông Hàn và đôi bờ sông Hàn, đoạn từ Bảo tàng Chàm đến trụ sở UBND thành phố với chương trình khai mạc hoành tráng, được truyền hình trực tiếp trên VTV3 vào đêm 31-7. Tại đây sẽ diễn ra các chương trình nghệ thuật, ca múa nhạc, diễu hành nghệ thuật trên đường phố, triển lãm tranh, thư pháp, ảnh nghệ thuật, đá mỹ nghệ Non Nước, hội thảo đầu tư du lịch, hội chợ thương mại du lịch, liên hoan văn hóa ẩm thực, hội thi đèn lồng... Các hoạt động thể thao có đua ghe trên sông Hàn, bóng chuyền trên cát (giải toàn quốc)... Trong các ngày từ 26 đến 29-7 có nhiều hoạt động chào mừng liên hoan do thanh thiếu niên thành phố tổ chức thực hiện. Cuộc liên hoan này không chỉ giới thiệu tiềm năng du lịch Đà Nẵng mà còn nhằm giới thiệu tiềm năng kinh tế, xã hội, những thành tựu của TP Đà Nẵng trong những năm vừa qua đồng thời là bước khởi động cho Năm Du kịch Đà Nẵng 2005.

Thánh địa Mỹ Sơn - Quảng Nam

"Nhịp cầu xuyên Á" là cuộc giao lưu văn hóa và hợp tác du lịch giữa 2 trục hành lang Đông-Tây và Bắc-Nam, nhằm giới thiệu với du khách các quốc gia dọc tuyến đường số 9 những sản phẩm du lịch đặc sắc của Con đường di sản miền Trung Việt Nam cũng như những tiềm năng du lịch của tỉnh Quảng Trị. Đó là các danh thắng: Cửa Tùng, Tổ đình Sắc Tứ, nhà thờ La Vang, khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông... 2 cuộc chiến tranh vệ quốc đã để lại trên mảnh đất Quảng Trị nhiều di tích lịch sử đặc biệt quan trọng:  Cầu Hiền Lương, Địa đạo Vĩnh Mốc, Hàng rào điện tử Mc Namara, Thành cổ Quảng Trị, đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Tổ chức liên hoan lần này Quảng Trị muốn khẳng định vị trí của mình: Là nhịp cầu nối VN với các nước bạn trên con đường xuyên Á; nhịp cầu nối Làng Sen, quê hương của danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh, Tiên Điền, quê hương thi hào dân tộc Nguyễn Du, di sản thiên nhiên Phong Nha-Kẻ Bàng với các Di sản văn hóa thế giới: Cố đô Huế, Thánh địa Mỹ Sơn và đô thị cổ Hội An. Đây cũng là một trong những hoạt động lễ hội kỷ niệm 50 năm ngày ký hiệp định Giơnevơ, 50 năm ngày thành lập Đặc khu Vĩnh Linh.

"Nhịp cầu xuyên Á" có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật các tỉnh trên tuyến Hành lang Đông-Tây, các nghệ nhân đến từ Huế, Quảng Bình, Hội An, Lào, Thái Lan và từ Vân Nam (Trung Quốc). Không gian lễ hội không chỉ tập trung ở thị xã Đông Hà với các chương trình nghệ thuật đêm khai mạc, Hội chợ quốc tế, Hội thảo "Hợp tác Du lịch trên đường xuyên Á", các giải thi đấu thể thao, các cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật "Quảng Trị với con đường di sản"... mà còn mở rộng lên rừng, xuống biển với các tour tham quan các di tích nhà tù Lao Bảo - căn cứ Tà Cơn -đường Hồ Chí Minh; Thành cổ Quảng Trị - chùa Sắc Tứ - nhà thờ La Vang; Hàng rào điện tử Mc Namara - đôi bờ Hiền Lương - Địa đạo Vĩnh Mốc... Đặc biệt, tuổi trẻ Quảng Trị có đoàn du khảo lên miền Tây thăm các di tích lịch sử cách mạng, chiến trường xưa. Một đoàn hành hương lên Nghĩa trang Trường Sơn tổ chức cắm trại, sinh hoạt tập thể với hình thức tái hiện cuộc sống Trường Sơn những năm tháng chiến tranh. Đêm 27-7, tại đây, lần đầu tiên tại một Nghĩa trang liệt sĩ diễn ra lễ hội "Huyền thoại cõi Trường Sơn". Sau lễ dâng hương tưởng niệm của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị một chương trình ca nhạc gồm những bài hát về quê mẹ và về Trường Sơn hào hùng sẽ ngân vang giữa không gian huyền thoại, hát cho anh linh các liệt sĩ cùng nghe. Lễ hội sẽ kết thúc tại bãi biển Cửa Tùng với một đêm "Thức với Biển Đông".

Lễ hội Văn hóa du lịch Đà Nẵng và Nhịp cầu xuyên Á cho thấy miền Trung không chỉ có 4 di sản thế giới là "hái ra tiền" mà ở tất cả các tỉnh, thành khác đều có tiềm năng đặc thù, có tác dụng liên kết, hỗ trợ, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch. Con đường Di sản miền Trung sẽ nhộn nhịp hơn nếu các lễ hội liên tỉnh được tổ chức thường xuyên hơn và đổi mới hơn về nội dung, phương pháp.

. Thanh Tùng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bước đột phá của xã hội hóa thể thao   (21/07/2004)
U 21 Bình Định phấn đấu nhì bảng  (21/07/2004)
Vì sao chúng ta cứ mãi là khán giả ở các vòng chung kết?   (20/07/2004)
Đôi bờ Hiền Lương   (20/07/2004)
Cú bứt phá ngoạn mục của bóng bàn Bình Định   (19/07/2004)
Khai quật khảo cổ khu vực Tử Cấm thành - thành Hoàng Đế   (19/07/2004)
Khai mạc Asian Cup 2004  (18/07/2004)
Một số gương mặt mới được gọi vào đội tuyển quốc gia   (16/07/2004)
Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam Mai Liêm Trực: Bộ máy liên đoàn chưa đủ năng lực   (15/07/2004)
Các cổ động viên Việt Nam chuẩn bị khai trương lá cờ lớn nhất Đông Nam Á  (14/07/2004)
Đội U18 Bình Định: "của để dành"  (14/07/2004)
Bình Định, TP Hồ Chí Minh vô địch đồng đội nam, nữ  (13/07/2004)
U18 Phú Yên lọt vào Vòng chung kết  (13/07/2004)
Phát hiện hai bộ sưu tập tiền cổ đồ sộ thời vua Quang Trung   (12/07/2004)
Bình Định đã thi đấu hết mình ở Cúp Quốc gia và sẽ không "buông" Champions' League châu Á   (12/07/2004)