Chấm dứt thời kỳ năn nỉ các "ông sao"
10:24', 26/7/ 2004 (GMT+7)

Căn bệnh tập trung trễ hẹn đã ngấm vào máu cầu thủ cứ như người ta sử dụng giờ dây thun khi đi ăn cưới. Có thể nhiều người sẽ thắc mắc vì sao mà lần tập trung này ông Tavares gắt gao quá. Ông nhíu mày khi đồng hồ điểm 19 giờ và "cương" thẳng thừng với từng cầu thủ trễ hẹn tập trung dù chỉ là muộn vài phút.

* Hồi ấy...

HLV Tavares sốt ruột xem đồng hồ khi các tuyển thủ đến tập trung trễ

Những năm 90, thời các HLV nội như Nguyễn Sĩ Hiển, Trần Bình Sự, Trần Duy Long, Lê Đình Chính nắm quân, người ta thường hay nghe các HLV này thở dài và ví von các cầu thủ là những "ông sao". Hồi ấy, việc các tuyển thủ tập trung đội tuyển trễ từ 2 ngày đến 1 tuần là chuyện nhỏ và cầu thủ thì luôn có 1.001 lý do. Giáo án huấn luyện của các thầy vì thế cũng thường xuyên trừ hao từ 5 đến 7 ngày để chờ gom quân cho đủ rồi mới vào chương trình huấn luyện chung.

Thế nên mới có cảnh lên đội tuyển ngày đầu để đá ma rồi ngày thứ hai chạy nhẹ, chờ sang ngày thứ 3 cố gom đủ đội hình cáp lại đá cho đỡ buồn chân… Cứ đà ấy non một tuần thì bắt đầu vào buổi tập chính thức mà các thầy thì cứ chờ cứ ngóng đợi các "ông sao" lên tuyển.

Thời ấy, lên đội tuyển muộn là chuyện thường ngày ở huyện và càng "sao" thì càng trễ với những lý do đâu đâu như chấn thương hay đau bao tử. Thậm chí là mẹ ốm hay giải quyết giấy tờ cho gia đình hoặc đi chụp hình làm thẻ ngành… Cái nếp ấy lâu ngày đã thành tật bởi chẳng ai dám đụng vào "sao" cả. HLV Trần Duy Long thời ấy từng ngán ngẩm than với chúng tôi: "Toàn các "ông sao" cả và nhiều ông quái lắm, biết không thể thay mình được hay có kỷ luật thì lấy người đâu mà đá, thế là cứ một mình một kiểu…".

Thực chất thì hồi ấy ông Long đã là một HLV nổi tiếng là nghiêm khắc, thế mà có lúc vẫn phải chịu trận theo cái kiểu "đi với ma mặc áo giấy" và có lúc phải áp dụng theo biện pháp mềm nắn rắn buông mà có lúc ông nói trại đi là lạt mềm cột chặt. Ông từng bắt bài Hồng Sơn vụ "bận việc gia đình" nhưng thực chất là đi làm show quảng cáo; từng bỏ nhỏ với Mạnh Cường câu: "Cháu là đội trưởng, lần sau đừng qua mặt các chú nhé!".

Từng hiểu rõ vụ "đau bao tử" của Huỳnh Đức để về đá cho tuyển TP.HCM làm VFF phải khốn đốn trong việc vận động đưa cầu thủ này trở lại trước SEA Games 18… Bây giờ nhắc lại ông vẫn chỉ buông ra một câu: "Cái thời buổi ấy nó như thế!".

Cái bệnh ấy nó lây lan sang đến cả thời kỳ thầy ngoại. Thời K.H Weigang, gần như lần tập trung nào ông cũng than phiền. Sang đến thời Colin Murphy rồi A.Riedl, mọi cái "vũ như cẩn". Nghiêm khắc như Dido mà cũng không trị hết bệnh và sang thời Calisto vẫn còn bị di căn…

* ... và bây giờ

Với cái mặt bằng cầu thủ như hiện nay, tư tưởng sao vẫn còn tồn tại. Tất nhiên là triều đại nào cũng có những "ông sao" nhưng vấn đề là cách trị sao và biện pháp để ép cả một tập thể vào một khuôn khổ kỷ luật với ý thức trách nhiệm cao.

Tối 25-7, ông Tavares kiên quyết trị cái bệnh ấy bằng một thái độ rất dứt khoát dù đó là cách mà những người tiền nhiệm ông đều nghĩ tới nhưng hoặc sợ mích lòng, hoặc bị sự can thiệp của Liên đoàn hay ban các đội tuyển và thế là lại nguội. Ông chưa có phương án hai nhưng chấp nhận đuổi những người vi phạm giờ giấc tập trung.

Khi đồng hồ điểm 19 giờ, ông Tavares điểm danh và đòi đuổi cả 6 cầu thủ trễ phép mà không chấp nhận bất kỳ một lý do nào. Danh sách vắng cũng toàn các sao cả. Từ cặp Quyến - Đức trên hàng tiền đạo mà ông rất cần cho đến đôi Minh Phương - Tài Em được xem là những lá phổi của đội tuyển, thế mà ông cũng dự định dùng biện pháp mạnh. Với sự thuyết phục của ban các đội tuyển, ông mới chịu từ bỏ ý định trên nhưng vẫn còn bực bội vì không chấp nhận được sự bê trễ đã thành nếp mà nhiều người đã mặc nhiên chấp nhận.

Với sự kiên quyết và chấp nhận mất lòng này, ông Tavares xem như đã công khai tuyên chiến với những "ông sao" muốn tỏ thái độ "sao" để đưa đội tuyển đi vào một quỹ đạo mới thực sự nghiêm túc và kỷ luật.

Có thể nói thái độ vừa qua của ông Tavares thật nóng và khá gắt gao khi ông tính làm mạnh và làm nặng bằng cách chuyển từ biện pháp chế tài, phạt tiền sang đuổi thẳng. Tuy nhiên, cũng cần ủng hộ cách làm này dù nó hơi nặng nề, bởi ngay từ buổi đầu nếu vẫn còn tư tưởng chơi và xem thường lệnh, xem thường tập thể thì khó có thể ép vào một chương trình tập luyện nghiêm túc với cường độ cao cho chính bản thân của từng cầu thủ.

Khi chúng tôi trao đổi vấn đề này với các cựu HLV đội tuyển Việt Nam thì tất cả đều có chung một nhận xét rằng đã chơi chuyên nghiệp thì cần phải sòng phẳng như thế. Dù mặt bằng các tuyển thủ đang cạn nhưng có thể nói rằng đã qua rồi cái thời năn nỉ và chịu đựng các "ông sao" với nỗi lo nơm nớp không có người để đá.

Cũng có thể xem cách làm của Tavares như một lời tuyên bố "Bây giờ hoặc không bao giờ". Là một người khai hoang bao giờ cũng khó, vì thế ông cần được ủng hộ từ nhiều phía hơn là những lời chê trách cứng quá! 

. Theo SGGP

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
11 VĐV Việt Nam dự Olympic Athens 2004  (25/07/2004)
Đội tuyển bóng đá VN: Vì sao thế hệ vàng "bốc hơi"?   (23/07/2004)
Ngày hội khỏe của giới viên chức   (23/07/2004)
Lễ ra mắt CLB bóng đá Hoa Lâm - Bình Định sẽ diễn ra hoành tráng  (22/07/2004)
Nhộn nhịp "Con đường Di sản miền Trung"  (22/07/2004)
Bước đột phá của xã hội hóa thể thao   (21/07/2004)
U 21 Bình Định phấn đấu nhì bảng  (21/07/2004)
Vì sao chúng ta cứ mãi là khán giả ở các vòng chung kết?   (20/07/2004)
Đôi bờ Hiền Lương   (20/07/2004)
Cú bứt phá ngoạn mục của bóng bàn Bình Định   (19/07/2004)
Khai quật khảo cổ khu vực Tử Cấm thành - thành Hoàng Đế   (19/07/2004)
Khai mạc Asian Cup 2004  (18/07/2004)
Một số gương mặt mới được gọi vào đội tuyển quốc gia   (16/07/2004)
Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam Mai Liêm Trực: Bộ máy liên đoàn chưa đủ năng lực   (15/07/2004)
Các cổ động viên Việt Nam chuẩn bị khai trương lá cờ lớn nhất Đông Nam Á  (14/07/2004)