Đào tạo bóng đá trẻ ở Bình Định còn chưa hợp lý
15:9', 26/7/ 2004 (GMT+7)

Đội bóng đá Bình Định đã thi đấu khá thành công trong những năm gần đây. Đặc biệt là 2 lần lên ngôi vô địch ở Cúp quốc gia (2003 và 2004). Thế nhưng, đằng sau sự thành công ấy vẫn còn những nỗi lo. Bởi vì sự góp mặt của "nội lực" cho những thành công của môn bóng đá không nhiều, điều đó xuất phát từ việc đào tạo lực lượng cầu thủ trẻ để thay thế còn chưa hợp lý...

* Thực trạng của bóng đá trẻ

Thành công của đội BĐ hôm nay có rất ít dấu ấn "nội lực" (từ trái qua: Nirut, Thành Lợi, Pipat, Tấn Thật và Nguyễn Văn Tâm - những cầu thủ "ngoại binh" của BĐ)

Hiện nay, hệ thống đào tạo bóng đá trẻ của Bình Định gồm có các U 15, U18, U21, ngoài ra còn có lớp năng khiếu môn bóng đá thuộc Trường năng khiếu TDTT Bình Định. Nguồn VĐV để cung cấp cho các lớp này phần lớn được tuyển chọn từ các huyện trong tỉnh thông qua hệ thống "vệ tinh" ở cơ sở và hội đồng tuyển chọn của Sở TDTT. Hình thức tuyển chọn theo từng đợt, các "vệ tinh" (là những người làm công tác TDTT ở cơ sở) sẽ giới thiệu lên hội đồng tuyển chọn những VĐV mà họ thấy có tố chất tốt và cũng đã được huấn luyện sơ sơ về kỹ thuật cơ bản.

Sau khi hội đồng, thường là các HLV của Sở TDTT tuyển chọn, tổ chức thi sát hạch, những VĐV đạt yêu cầu sẽ đưa lên tuyến trên để đào tạo tiếp. Đây là một cố gắng đáng ghi nhận của Sở TDTT trong công tác tuyển chọn VĐV năng khiếu và thực tế đã có nhiều VĐV tốt được tuyển chọn thông qua hình thức này. Tuy nhiên, do nguồn VĐV phần lớn là từ các "vệ tinh" phát hiện và cung cấp nên chất lượng VĐV phụ thuộc rất nhiều vào "con mắt chuyên môn" của những người công tác ở các "vệ tinh" này.

Vấn đề thứ 2 mà việc tuyển chọn cầu thủ trẻ gặp khó khăn đó là kỹ thuật và thể hình. Với những VĐV có kỹ thuật tốt thì thường có thể hình không tốt và ngược lại, rất hiếm có những VĐV đảm bảo được 2 yêu cầu này.

Phần lớn các cầu thủ trẻ của chúng ta ở các đội U15, U18 và cả U21 hiện nay đều rất nhỏ con. Tại các giải đấu vừa qua, nhất là vòng loại giải bóng đá U18 vừa kết thúc cách đây không lâu các cầu thủ Bình Định đã lộ rõ hạn chế này. Cầu thủ của chúng ta có kỹ thuật khéo léo, các pha phối hợp khá bài bản nhưng trong các tình huống tranh chấp tay đôi với đối phương thì luôn bị thất bại.

Về thành tích bóng đá trẻ thì cho đến thời điểm này, Bình Định vẫn chưa đạt được một thành tích nào thực sự đáng kể. Có chăng chỉ là việc rút một ít cầu thủ tốt từ U này bổ sung cho U kia, ví dụ lấy U 15 bổ sung cho U18, lấy U18 bổ sung cho U21 và lấy U21 bổ sung cho đội tuyển, nhưng khả năng thành công của các cầu thủ được rút lên để bổ sung này không cao. Duy chỉ có trường hợp Ngọc Tuấn, được rút lên từ U21 bổ sung cho đội tuyển là thi đấu khá "tròn vai", số còn lại phần lớn ngồi trên ghế dự bị. Họ vẫn chưa đủ sức để thay thế các bậc đàn anh như: Minh Mính, Thanh Phương, Văn Hiển, Ngọc Bảo, Khoa Thanh... Vì sao Sở TDTT đã đầu tư khá nhiều vào bóng đá trẻ mà vẫn chưa "hái được quả ngọt"?

* Các cầu thủ trẻ được đào tạo như thế nào?

Nếu phải dùng đến một câu nói ngắn gọn để phản ánh việc đào tạo lực lượng cầu thủ trẻ Bình Định, chúng tôi sẽ nói: "Mạnh ai nấy dạy".

Hiện tại bóng đá trẻ Bình Định được giao cho các HLV Nguyễn Văn Hùng (U15), Lê Thanh Huy (U18), Xuân Hoánh (U21). Hầu hết các HLV này đều xuất thân từ cầu thủ, thậm chí có người chỉ vừa "giải nghệ" vài năm như: Văn Hùng, Xuân Hoánh. Trong đó, có người đã đạt được bằng B, có người đạt được bằng A về công tác huấn luyện do AFC dạy. Tài năng của Văn Hùng, Xuân Hoánh khi còn là cầu thủ thì không ai có thể phủ nhận được, nhưng có điều đá bóng tốt chưa hẳn làm huấn luyện tốt.

Hiện tại chúng ta chưa có những chuyên viên về thể lực cũng như những người có đủ tầm để hoạch định ra một chiến lược nâng cao thể lực lâu dài cho các cầu thủ. Do đó, HLV phải kiêm thêm chức năng này. Đó là một vấn đề nan giải, HLV không thể áp dụng các bài tập thể lực mà mình đã trải qua, khi còn là cầu thủ, để buộc các em làm theo. Đặc biệt, Bình Định nói riêng và bóng đá cả nước nói chung, chưa có một hệ thống đào tạo bài bản, dài hơi cho bóng đá. Các em phải vừa hoàn thiện mình vừa phải tham gia thi đấu các giải được tổ chức thường xuyên. Thế nên mới có chuyện các cầu thủ nhỏ con, có kỹ thuật khá là được dùng ngay, trong khi đó, những em có thể hình tốt, kỹ thuật còn vụng về thì ít khi được trọng dụng.

Hẳn bạn đọc còn chưa quên chương trình "Vườn ươm bóng đá" được phát trên chương trình VTV3. Ở chương trình này chỉ thực hiện các bài tập để hoàn thiện kỹ thuật, từ đơn giản đến phức tạp, từ thấp đến cao theo từng độ tuổi. Ví dụ như: ở lứa tuổi U11 thì chủ yếu là làm quen với bóng, với sân cỏ. Lớn hơn một chút là các bài tâng bóng, cho bóng chạm các bộ phận của cơ thể, tập sút bóng... Lớn hơn một chút là các bài chuyền ngắn, bật tường, phối hợp... Đằng này ở Bình Định thì "nhồi luôn một cục". Sở dĩ phải làm như vậy là để có đội tuyển mà tham gia các giải đấu. Chứ nếu đào tạo mang tính bài bản, từng bước theo độ tuổi thì lấy ai đi đấu?

Một khó khăn khác là bóng đá Bình Định không có trưởng bộ môn vạch ra chiến lược phát triển lâu dài cũng như có một giáo án chung cho bộ môn bóng đá mà giao toàn bộ cho các HLV ở từng U. Rồi từ đó mạnh ai nấy huấn luyện. Chúng ta cứ tạm hình dung như thế này: Các VĐV như tờ giấy trắng, bị các "vệ tinh" vạch lên đó vài nét rồi "nộp" lên hội đồng tuyển chọn, sau khi tuyển được về, HLV U15 vẽ vài nét theo trường phái của mình rồi giao cho HLV U18, tại đây lại được vẽ thêm rồi chuyển lên tuyến trên. Cứ như thế mỗi HLV có một kiểu riêng mà không có định hướng chung, nên sản phẩm ra đời sẽ là một "bức tranh" không theo trường phái nào cả, khó sử dụng.

(còn tiếp)

. Công Tâm

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chấm dứt thời kỳ năn nỉ các "ông sao"   (26/07/2004)
11 VĐV Việt Nam dự Olympic Athens 2004  (25/07/2004)
Đội tuyển bóng đá VN: Vì sao thế hệ vàng "bốc hơi"?   (23/07/2004)
Ngày hội khỏe của giới viên chức   (23/07/2004)
Lễ ra mắt CLB bóng đá Hoa Lâm - Bình Định sẽ diễn ra hoành tráng  (22/07/2004)
Nhộn nhịp "Con đường Di sản miền Trung"  (22/07/2004)
Bước đột phá của xã hội hóa thể thao   (21/07/2004)
U 21 Bình Định phấn đấu nhì bảng  (21/07/2004)
Vì sao chúng ta cứ mãi là khán giả ở các vòng chung kết?   (20/07/2004)
Đôi bờ Hiền Lương   (20/07/2004)
Cú bứt phá ngoạn mục của bóng bàn Bình Định   (19/07/2004)
Khai quật khảo cổ khu vực Tử Cấm thành - thành Hoàng Đế   (19/07/2004)
Khai mạc Asian Cup 2004  (18/07/2004)
Một số gương mặt mới được gọi vào đội tuyển quốc gia   (16/07/2004)
Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam Mai Liêm Trực: Bộ máy liên đoàn chưa đủ năng lực   (15/07/2004)