(tiếp theo và hết)
* Hệ quả của việc đào tạo chưa hợp lý
|
Khoa Thanh (áo đỏ) - cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo Bình Định |
Cứ nhìn vào CLB Sông Lam Nghệ An sẽ thấy rằng việc đào tạo bóng đá trẻ là cực kỳ quan trọng. Mỗi khi bước vào mùa giải mới, các đội bóng khác phải lo "sất bất sang bang" để tuyển chọn lực lượng bao gồm cả nội binh và ngoại binh thì Sông Lam Nghệ An vẫn ung dung. Họ chỉ việc cẩn thận chọn lựa những ngoại binh tốt, riêng lực lượng nội thì họ thậm chí còn cho các đội khác mượn hoặc chuyển nhượng.
Còn với Bình Định thì sao? Từ khi đội bóng tỉnh nhà thăng hạng và lên chơi ở đấu trường chuyên nghiệp, đằng sau sự thành công của đội bóng là dấu ấn các ngoại binh và những cầu thủ "đánh thuê". Ví như ở những mùa giải trước, thì thành công của Bình Định gắn liền với: Blessing, Golden, Nguyễn Văn Tâm, Trương Văn Tâm, Thành Lợi... Gần đây là: Issawa, Nirut, Phi Hùng, Tấn Thật, Duy Quang. Những cầu thủ của Bình Định như: Minh Quang, Minh Mính, Văn Hiển, Xuân Hùng, Khoa Thanh, Thanh Phương... chưa phải những nhân tố nòng cốt khả dĩ có thể chi phối trận đấu. Thế nhưng chính lực lượng này còn phải gánh các trọng trách của đội bóng đến vài mùa giải nữa mà vẫn chưa có người thay thế. Các cầu thủ được bổ sung lên từ đội U 21 chưa có đủ khả năng thay thế các bậc đàn anh. Mùa giải năm 2004, có đến gần 10 cầu thủ được rút lên từ đội U 21, tuy nhiên trong số này chỉ có mỗi Ngọc Tuấn được đưa ra sân được vài trận, số còn lại ngồi dự bị đến hết mùa.
Đội bóng Bình Định đang khủng hoảng lực lượng nội địa, đó là một thực tế không ai có thể phủ nhận. Với những cầu thủ nội địa mang đúng nhãn hiệu "made in Bình Định" lại càng khan hiếm. Thế mới có chuyện Bình Định luôn phải "mượn" lực lượng từ nơi khác về để gánh vác trọng trách cho đội bóng. Nhưng giải pháp "mượn"quân cũng chỉ là giải pháp tình thế, không mang tính lâu dài được.
Với bóng đá chuyên nghiệp và cầu thủ chuyên nghiệp thì vấn đề thu nhập và các chế độ đãi ngộ quyết định tất cả. Hôm nay họ có thể hết mình vì đội bóng này, nhưng mùa sau có đội trả lương cao hơn, chế độ đãi ngộ tốt hơn, buộc lòng họ phải nghĩ đến chuyện đi hay ở. Nhiều cầu thủ mượn về, dù có tư cách đạo đức không tốt, Bình Định cũng phải dùng vì "cái tài" của họ. Nhưng với những cầu thủ như vậy thì "cái tài" luôn kề với "cái tai". Một vài cầu thủ trong đội quân phố Núi của CLB Hoàng Anh Gia Lai đã cho thấy điều đó. Bầu Đức "mát tay" với họ, ưu đãi mọi nhẽ, ấy vậy nhưng vẫn có kẻ phản phúc, làm vấy bẩn thương hiệu tốn bao công của gây dựng nên.
Do đó, giải pháp tốt nhất vẫn là lực lượng do chính CLB gầy dựng lên. Trước hết, việc giáo dục tư cách đạo đức cho cầu thủ từ khi còn là các U nhỏ đi đôi với công tác huấn luyện chuyên môn sẽ tạo được một lứa cầu thủ có đạo đức và trung thành. Ngoài ra, xa hơn nữa có thể đó sẽ là nguồn thu cho đội bóng từ việc chuyển nhượng cầu thủ.
* Giải pháp nào để khắc phục?
Theo chúng tôi vấn đề cần, thậm chí rất cần là bóng đá Bình Định nên có một trưởng bộ môn. Người đảm nhiệm vai trò này cần phải có các yếu tố: Có trình độ chuyên môn về công tác đào tạo bóng đá, có tầm nhìn xa và định hướng đầu tư theo chiều sâu.
Chất lượng chuyên môn của VĐV phụ thuộc nhiều vào "con mắt chuyên môn" của những vệ tinh ở cơ sở. Do vai trò quan trọng như thế nên đội ngũ "vệ tinh" cho Sở TDTT cần được đào tạo chuyên sâu và nên có chế độ phụ cấp xứng đáng. Có thể khen thưởng những vệ tinh có công giới thiệu nhiều VĐV chất lượng hàng năm để nâng cao tinh thần trách nhiệm. Ngược lại những vệ tinh nào làm việc kém hiệu quả có thể cần xét xem tìm người mới để thay thế.
Riêng lực lượng HLV cần phải được đào tạo chính quy. Ngoài những "nét riêng" của từng HLV, cần phải tuân thủ những giáo án chung mang tính hệ thống và chiến lược cho bóng đá Bình Định. Ví dụ: HLV đội U 15 cần phải có những bài tập, giáo án mang tính chất "giao thoa" để U 18 kế thừa. Có lần trò chuyện với ông Đinh Khắc Diện, Phó giám đốc Sở TDTT Bình Định, về công tác đào tạo các U, ông Diện cho biết: "Không chỉ riêng ở Bình Định mà các tỉnh bạn cũng gặp không ít khó khăn trong công tác đào tạo bóng đá trẻ, nếu đào tạo mang tính bài bản thì việc tham gia các giải thi đấu hàng năm rất khó và ngược lại...".
Theo ý kiến của chúng tôi thì có thể đào tạo bóng đá trẻ theo mô hình 3 và 5. Trong đó, 3 là dung lượng để phục vụ thi đấu và 5 là dung lượng mang tính chiều sâu. Trong một buổi tập cho một đội hình U nên dành hơn một nửa thời gian để hoàn hiện các động tác kỹ thuật, số ít thời gian còn lại thực hiện các bài tập phục vụ cho thi đấu. Có thể khi làm điều đó, thành tích các U của chúng ta trên đấu trường sẽ trở về số 0, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ có những "mùa trái ngọt" cho tương lai.
Có lẽ đã đến lúc không thể "ăn xổi" được nữa. Cần có một "cái móng" thật vững, được xây dựng bằng những "vật liệu" mang nhãn hiệu Bình Định để cho "ngôi nhà" bóng đá Bình Định vững chãi hơn. Việc Công ty Hoa Lâm trở thành đơn vị tài trợ cho bóng đá Bình Định cũng có nghĩa là bóng đá Bình Định đang nắm bắt được cơ hội tốt để có thể phát triển, còn phát triển như thế nào, phát triển ra sao thì xin dành cho các nhà chuyên môn.
. Công Tâm |