Tavares với cuộc "cách mạng" lần thứ hai
15:41', 1/8/ 2004 (GMT+7)

Tuần qua, trên mặt báo có hai luồng ý kiến khác nhau quanh cách hành xử của huấn luyện trưởng đội tuyển quốc gia Tavares. Ý kiến thứ nhất cho rằng Tavares đã lạm quyền, qua mặt Ủy ban TDTT khi triệu tập các tuyển thủ Nguyễn Huy Hoàng và Bùi Quang Huy đến Nhổn và xem việc ông không tiếp tục triệu tập Vũ Duy Hoàng của Nam Định, sau khi cầu thủ này đã được Liên đoàn Bóng đá VN minh oan, là chuyện không chấp nhận được.

Tavares và các cầu thủ Việt Nam

Luồng ý kiến thứ hai cũng đồng ý với ý kiến thứ nhất về sự cứng rắn quá mức của Tavares về chuyện ông khăng khăng làm đúng luật và đúng quyền hạn đã được qui định của mình. Nhưng nếu ý kiến đầu đòi xem xét lại cách làm việc của "nhà độc tài" Tavares thì ý kiến sau lại cho rằng đó là cách làm thể hiện tính chuyên nghiệp, chỉ có tốt cho chuyên môn.

Thực ra nếu nói là "lạm quyền", là "qua mặt lãnh đạo Ủy ban TDTT" thì chính Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (LĐBĐVN) lẫn Trung tâm huấn luyện Nhổn cũng "lạm quyền" trong việc này khi đồng ý để các cầu thủ Nguyễn Huy Hoàng và Bùi Quang Huy "đột nhập bất hợp pháp" vào trại tập trung.

Rõ ràng nếu xét về trách nhiệm thì trách nhiệm của hai cơ quan to đùng này lớn hơn nhiều so với Tavares - vì ông chỉ làm mỗi một việc là... đưa ra ý kiến chứ đâu có quyền cho phép ai "xuất nhập" vào Nhổn.

Nhưng mà lãnh đạo LĐBĐVN nghe theo ý kiến của ông, ông Giám đốc Nhổn cũng nghe theo nốt. Và những việc làm bị cho là "qua mặt Ủy ban TDTT" đó, ông chủ tịch LĐBĐVN Mai Liêm Trực coi bộ chẳng thấy áy náy gì hết mà ông Bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban TDTT Nguyễn Danh Thái dường như cũng chẳng phàn nàn gì. Chứ ba cái tội hành xử "vô nguyên tắc", "qua mặt cấp trên" là những tội tày đình chứ đâu phải nhỏ. Vậy mà những người "qua mặt" và "bị qua mặt" đều im ru.

Điều đó cho thấy chuyện này có cái đúng của nó. Và có cái lý của Tavares. Nếu đừng khe khắt quá sẽ thấy nếu việc gì cũng chờ cấp trên phê duyệt rồi mới nhúc nhích thì biết bao giờ đội tuyển mới đủ người luyện tập, mà giáo trình huấn luyện thì đâu thể ngưng lại đợi chữ ký của Ủy ban TDTT rồi mới tiếp tục.

Chính Vũ Duy Hoàng là nạn nhân tiêu biểu của lề lối làm việc quan liêu này, và cái gương tày liếp còn nóng hôi hổi đó đã buộc Nguyễn Huy Hoàng lẫn Bùi Quang Huy quyết định bay ngay lên Nhổn sau khi được gọi mà không cần chờ đến lúc sờ được tờ giấy triệu tập chính thức của Ủy ban TDTT. Cái lối hành xử năng động, "nhanh nhẩu" đó gọi là "coi trọng công việc hơn giấy tờ" - lối làm việc mà nhiều quan chức ở Việt Nam chưa quen.

Thậm chí, từ việc này cũng nên xem xét và điều chỉnh lại nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan liên quan đến thể thao nước nhà. Người viết bài này vẫn cho rằng một cơ quan cấp bộ như Ủy ban TDTT chỉ nên tập trung vào việc định hướng chiến lược phát triển và hoạch định những bước đi căn bản cho nền thể thao quốc gia, hay chỉ để mắt đến những vấn đề tương đối lớn như chống gian lận tuổi trong các giải trẻ, hay "vi mô" hơn chút nữa là duyệt kế hoạch tập huấn trong và ngoài nước cho các đội tuyển.

Chứ còn những việc chi li như thay thế tuyển thủ này hay tuyển thủ khác thì nên giao cho các liên đoàn chuyên môn lo liệu và chịu trách nhiệm, như vậy mới gọi là "cải cách hành chính" đúng nghĩa, chứ một cơ quan cao chót vót trên mây mà cứ phải phê duyệt những chuyện tuốt luốt dưới mặt đất thì ôm đồm quá và khi vận hành chắc chắn sẽ kém linh hoạt, nếu không muốn nói là gây cản trở.

Cũng có ý kiến có vẻ như chê cách huấn luyện của Tavares khi cho rằng những bài nhồi thể lực của ông và cộng sự Biro đã gây ra chấn thương hàng loạt cho các tuyển thủ. Thực ra chỉ có lão tướng Lê Huỳnh Đức là bị căng cơ, điều dễ hiểu khi anh là cầu thủ lớn tuổi nhất đội, hơn nữa trước đây anh từng bị rách cơ nên nảy sinh tâm lý e ngại. Chứ theo báo Tuổi Trẻ, ngay trung vệ Duy Quang, cũng ở độ tuổi Lê Huỳnh Đức lại nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng khác: "Giáo án của HLV Tavares và HLV Biro thật ra không đến độ nặng lắm nhưng do chúng tôi đang trong thời gian xả hơi sau giải nên có phần mệt nhọc".

Trần Minh Quang, cũng một cầu thủ tuổi băm thì cho rằng: "Thật ra cũng chẳng có gì ghê gớm lắm, nhưng nhiều người e dè vì vừa kết thúc mùa giải...". Còn Văn Quyến viêm họng hay Hải Nam... tiêu chảy chắc không phải vì do chạy nhiều. Cũng không phải vì thực hiện giáo án nặng mà Lê Anh Dũng và Nguyễn Trường Giang rối loạn nhịp tim mà qua những bài tập căng như thế này, những căn bệnh tiềm ẩn xưa nay mới có điều kiện để bộc lộ. Thực tế chứng minh là hầu hết các cầu thủ đều nuốt trọn giáo án huấn luyện mà xuất sắc nhất là "người ngoài hành tinh" Hùng Dũng và các cầu thủ trẻ Văn Thành, Công Vinh...

Nói đến đội tuyển Việt Nam là nói đến thể lực. Mà nói đến Tavares cũng là nói đến thể lực. Mười năm trước, chỉ cầm quân trong 45 ngày ông đã làm một cuộc cách mạng thể lực gây chấn động trong làng bóng Việt Nam. Nay, không chỉ mình ông mà còn có cả HLV thể lực Biro trợ sức, việc cải thiện khâu thể lực đội tuyển đương nhiên phải đặt lên hàng đầu.

Tất nhiên chúng ta nên hiểu "một tuần vắt sức" hiện nay chưa phải là tất cả, đó mới chỉ là một chuỗi những bài tập được đẩy đến độ thật căng để từng cầu thủ buộc phải phơi bày tất cả khả năng chịu đựng của mình. Qua đó, HLV Biro có cơ sở để kiểm tra kỹ lưỡng và đánh giá chính xác về nền thể lực của từng người. Dựa vào thực tế đó, ban huấn luyện mới có thể xây dựng giáo án tiếp theo.

Ban huấn luyện chỉ vừa làm việc những ngày đầu tiên, chúng ta không nên sốt ruột vội. Và có lẽ cũng chỉ đến khi Tiger Cup 2004 diễn ra và căn cứ vào kết quả đội tuyển thu hoạch được, chúng ta mới có thể kết luận chính xác về khả năng của "nhà độc tài" Tavares. Lúc đó chúng ta mới có cái để tin rằng thà ông "vượt nguyên tắc" trong việc triệu tập tuyển thủ để đem huy chương vàng Tiger Cup về còn hơn là "khúm núm bò theo sau con rùa hành chánh" một cách lễ phép để rồi chẳng làm được gì.

Tấm gương Calisto ở Tiger Cup 2002 vẫn còn nóng hổi: Chúng ta đã hùng hổ phê phán Calisto khi ông đưa những tên tuổi lạ hoắc như Tài Em, Trường Giang hay Xuân Thành vào tuyển để rồi khi thầy trò họ trở về với chiếc huy chương lủng lẳng trên cổ chúng ta lại lỏn lẻn khen ông có mắt tinh đời...

. Theo SGGP

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đào tạo bóng đá trẻ ở Bình Định còn chưa hợp lý  (30/07/2004)
Đào tạo bóng đá trẻ ở Bình Định còn chưa hợp lý   (30/07/2004)
Khi người lao động cất tiếng hát   (30/07/2004)
Khai mạc Lễ hội Văn hóa - Thể thao miền biển toàn tỉnh lần thứ VI   (29/07/2004)
Đội tuyển Việt Nam: Chỉ có 8 cầu thủ thể lực tốt  (28/07/2004)
Đội tuyển bóng đá Việt Nam: Xáo trộn lực lượng vì chấn thương   (27/07/2004)
Đào tạo bóng đá trẻ ở Bình Định còn chưa hợp lý  (26/07/2004)
Chấm dứt thời kỳ năn nỉ các "ông sao"   (26/07/2004)
11 VĐV Việt Nam dự Olympic Athens 2004  (25/07/2004)
Đội tuyển bóng đá VN: Vì sao thế hệ vàng "bốc hơi"?   (23/07/2004)
Ngày hội khỏe của giới viên chức   (23/07/2004)
Lễ ra mắt CLB bóng đá Hoa Lâm - Bình Định sẽ diễn ra hoành tráng  (22/07/2004)
Nhộn nhịp "Con đường Di sản miền Trung"  (22/07/2004)
Bước đột phá của xã hội hóa thể thao   (21/07/2004)
U 21 Bình Định phấn đấu nhì bảng  (21/07/2004)