Lễ hội (LH) Văn hóa - Thể thao miền biển toàn tỉnh lần thứ VI diễn ra trong ba ngày từ 28 đến 30-7 tại trung tâm thành phố biển Quy Nhơn. Theo đánh giá của Ban Tổ chức, LH đã diễn ra sôi động, có sức thu hút nhưng vẫn chưa có những nét mới so với các LH trước đó.
* Sôi động
|
Hội thi người đẹp tại Lễ hội VHTT miền biển tỉnh Bình Định lần thứ VI năm 2004 (ảnh: Văn Lưu) |
LH lần này có số diễn viên và VĐV tham dự đông nhất trong các LH từ trước đến nay (gần 500). Theo đánh giá của Ban tổ chức, 6 đơn vị tham gia LH đã có sự chuẩn bị công phu. Không chỉ tham gia đầy đủ các nội dung, điều quan trọng hơn là các nội dung tham gia đã phản ánh đúng chủ đề xây dựng đời sống văn hóa miền biển đảo, bảo vệ môi trường sinh thái biển, gắn với những vấn đề thời sự trong phát triển kinh tế thủy sản. LH đã diễn ra sôi động và thu hút không ít người dân phố biển đến thưởng thức và cổ vũ nhiệt tình.
Nét nổi bật là các đơn vị tham gia đã chú ý khai thác các làn điệu dân ca, dân gian như bài chòi, hát đối đáp, hát tuồng… và khéo léo lồng ghép trong các chương trình văn nghệ như tự giới thiệu về mình (giải mã vùng), tiểu phẩm, ca múa nhạc. Nhiều tiết mục dân ca bài chòi rất xuất sắc, phần nào tạo được sự hấp dẫn, lôi cuốn. Có thể kể đến các tiết mục như Chúng tôi là người chiến sĩ biên phòng (Bộ đội Biên phòng); Chúc mừng ngày hội, Ra khơi (thành phố Quy Nhơn); Hoài Nhơn biển hát, Bình minh trên biển (Hoài Nhơn); Ra khơi, Biển của mọi nhà (Tuy Phước)… Không chỉ mang lại cảm xúc nghệ thuật, không khí hội hè, cái đáng quý nhất là các tiết mục này đã khơi gợi trong lòng người xem niềm tự hào về biển quê hương giàu đẹp.
Về thi trại đẹp, các đơn vị đã khai thác các hình thức văn nghệ dân gian vùng biển khi xây dựng mô hình từ cổng trại, nhà trại, nhà sinh hoạt, triển lãm các thành tựu kinh tế - văn hóa của địa phương. Trại nào cũng đẹp, cũng hoành tráng, thể hiện ở chỗ các trại đạt giải nhất, nhì, ba chênh lệch không xa về điểm. Các hoạt động văn hóa khác như thi người đẹp miền biển, các trò chơi dân gian… và các hoạt động thể thao đã mang lại không khí hào hứng cho ngày hội. Nếu các hoạt động văn hóa phản ánh được phần nào những nét văn hóa đặc trưng của người dân miền biển Bình Định thì 6 môn thể thao như kéo co, đua thuyền, lắc thúng, bóng chuyền trên cát… phản ánh vẻ đẹp khỏe khoắn, dẻo dai, bền bỉ của người dân miền biển - những yếu tố đã được tôi luyện từ trong công việc hàng ngày.
* Còn những khiếm khuyết
Điều đáng tiếc là vài đơn vị dù tiềm lực văn hóa, thể thao trước đây mạnh nhưng chưa có sự đầu tư chuẩn bị nên kết quả gặt hái được tại LH lần này không đúng với thực lực. Có những địa phương ở các huyện Tuy Phước, Phù Mỹ, Hoài Nhơn vốn giàu truyền thống dân ca, bài chòi, nhưng lại không vượt trội ở lĩnh vực này. Những nét văn hóa dân gian của địa phương, yếu tố chính yếu để tạo nên sức hút của một LH có tính dân gian, truyền thống lại chưa được chú trọng. Hệ quả là một số tiết mục dân ca, bài chòi chỉ một cây đàn nhị đệm, hoặc tệ hơn là dùng organ đệm… bài chòi. Về thể thao, có cảm giác là có đơn vị đưa VĐV đi chủ yếu là "ăn sẵn" mà chưa được đầu tư tập luyện đúng mức nên hiệu quả không cao.
Hoạt động thu hút được đông đảo người xem nhất có lẽ là hội thi người đẹp miền biển. Sau vòng 1, Ban Giám khảo đã chọn ra 11 thí sinh thi vòng chung kết vào tối 30-7. Phần vì trời lắc rắc mưa, phần vì chương trình đêm bế mạc khá dài, nên sau phần thi trang phục, các thí sinh đã được bỏ qua phần thi năng khiếu và bước thẳng vào phần thi ứng xử. Có lẽ phải gọi đây là phần trả lời ghi nhớ thì đúng hơn. Các đáp án đã được học thuộc lòng, nhưng dù là học thì cũng có người đẹp… quên, nên trả lời cứ ấp a ấp úng, câu nọ xọ câu kia khiến cho một hoạt động đáng lẽ hấp dẫn nhất thì lại trở nên… nhạt.
Phần trưng bày những thành tựu kinh tế - xã hội của địa phương thì chỉ là vài bức ảnh lấy sẵn, mà người ta có thể sử dụng cho bất cứ LH hay hoạt động nào, chưa thể hiện sắc thái riêng của LH. Trong khi đó, một triển lãm mà trọng tâm giới thiệu những hình ảnh làng nghề và đời sống của bà con vùng biển, đảo như trong kịch bản LH, nếu được thực hiện tốt thì sẽ có sức hấp dẫn riêng. Các hội thi dân gian hầu như có rất ít người dân đến xem và cổ vũ. Có lẽ, nhịp sống của một đô thị không phải là nơi thuận lợi cho việc tổ chức các trò chơi này vào ban ngày.
Đáng tiếc nhất là xem ra ngành Du lịch vẫn chưa quan tâm quảng bá về LH như một khả năng tạo thêm sức hút cho du lịch Bình Định. Ngành Du lịch lúc nào cũng than thở về việc thiếu điểm dừng chân, thiếu các hoạt động có sức thu hút với du khách nhưng khi có những LH đậm chất truyền thống, giàu yếu tố dân gian như thế này, thì lại không quan tâm quảng bá. Và có lẽ bởi chưa có sự nhập cuộc như vậy nên ý tưởng nhằm tổ chức thêm một hoạt động mới tạo cho LH này có nét khác biệt so với các LH trước đó như chương trình Giao lưu ấn tượng mùa hè ở Quy Nhơn (trong kịch bản ghi rõ là phối hợp với Sở Thương mại và Du lịch tổ chức) lại chưa được thực hiện.
Đạt được những mục đích - yêu cầu đề ra, tạo một cơ hội cho những ngư dân vùng biển đảo của tỉnh có dịp tìm hiểu, giao lưu… có thể khẳng định: LH đã thành công. Dẫu vậy, những khiếm khuyết cần được khắc phục để LH lần thứ VII (sẽ diễn ra tại huyện Hoài Nhơn vào năm 2006) sẽ có thêm những sự bứt phá mới.
. Viết Thọ |