Cứ hai năm một lần, các dân tộc thiểu số ở huyện Hoài Ân lại có dịp được gặp nhau trao đổi, học hỏi kinh nghiệm "cách sống hay, lối sống đẹp" thông qua Lễ hội văn hóa - thể thao (VH-TT) do huyện tổ chức. Năm nay, Lễ hội VH-TT huyện Hoài Ân lần thứ V diễn ra tại xã Đakmang.
|
Tiết mục hát chào mừng ngày hội của đơn vị xã Bok Tới tại Lễ hội VH-TT vùng cao huyện Hoài Ân lần V/2004 |
Qua lễ hội, các giá trị văn hóa truyền thống của từng dân tộc được khẳng định, và sẽ được trao truyền qua các thế hệ nhờ vào việc tham gia vào các hoạt động văn hóa văn nghệ và thể dục - thể thao tại lễ hội như thi làm mô hình nhà sàn, nhà Rông, thi đan đát, dệt thổ cẩm, thi ca hát, thi biểu diễn nhạc cụ, thi bắn nỏ, phóng lao… Đặc biệt, qua chương trình giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, đã làm cho các giá trị văn hóa được thăng hoa, từ việc giới thiệu một số lễ hội tiêu biểu ở từng làng, đến các món ăn đặc trưng của đồng bào miền núi, học tập cách chế biến các món ăn của đồng bào miền xuôi, và đặc biệt không thể bỏ qua giai điệu cồng chiêng rộn ràng của người Ba na, tiếng túc-chinh trữ tình của người Hơ rê.
Đến với Lễ hội VH-TT các xã vùng cao huyện Hoài Ân lần thứ V-2004, người xem hội không còn cảm giác đến với sự sắp đặt, gò bó mà thực sự luôn có cảm giác đến với đời sống thực giữa núi rừng. Đến với hội là đến với những chàng trai ngực trần vạm vỡ, giương ná, nâng lao thể hiện sự cường tráng qua các môn thể thao truyền thống; đến cùng vui với những cô gái Ba na, Hơ rê căng tròn vòm ngực, uyển chuyển trong vòng xoang cùng với nhịp cồng chiêng rộn ràng thôi thúc; đến với các Bok, các Bá, các Yá, các Mí trong nhịp túc-chinh, tiếng đàn Pơ lơn khơn, tiếng Pơ ren và các làn điệu dân ca, điệu Hơ lêu, Ca choi mượt mà, quyến rũ… Đến với hội là ta đến với đồng bào Ba na trong sự hứng khởi của một lễ ăn trâu cầu phúc, lễ mừng cốm lúa mới đầu mùa… Đến với đồng bào Hơ rê trong niềm vui của lễ cúng bến nước, lễ cưới… Để rồi sau đó là thấy sự nồng cay của men rượu cần, vị thơm của hạt cốm lúa mới giòn tan, của miếng cơm lam cháy xém trong ống nứa vàng ươm và miếng thịt trâu rán hồng trên ngọn lửa bập bùng trong đêm giã bạn đầy lưu luyến.
Như vậy, đến với Lễ hội VH-TT các dân tộc thiểu số là ta đến với những nét đặc trưng, đến với các cội nguồn văn hóa của từng dân tộc trong huyện. Nếu người Kinh có tiếng đàn bầu, câu hò, các làn điệu dân ca, cùng hình ảnh mái đình làng rêu phong gợi nhớ; người Hơ rê có câu hát Ca choi, làn điệu Hơ lêu và tiếng túc-chinh mang đậm chất trữ tình, thì người Ba na có giai điệu cồng chiêng rộn ràng, có điệu xoang uyển chuyển, có hương men rượu cần nồng say mời gọi, có mái nhà rông cong vút như hình lưỡi rìu cắm giữa trời xanh lồng lộng làm say lòng bao bạn khách làng gần làng xa về tham gia ngày hội.
Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc trưng độc đáo luôn được trao truyền qua nhiều thế hệ, trường tồn ngàn đời, nếu mỗi thế hệ biết tôn trọng gìn giữ, phát huy và biết khai thác tổ chức giao lưu học hỏi nâng cao để các giá trị văn hóa được thăng hoa. Lễ hội VH-TT các dân tộc vùng cao Hoài Ân là sân chơi bổ ích góp phần chấn hưng, bảo tồn vốn văn hóa của mỗi dân tộc, từ đó phát huy và xây dựng nền văn hóa nước nhà đậm đà bản sắc dân tộc.
. Võ Chí Hà |