Cách đây đúng một năm, nhân kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Nhật, du khách, và nhất là người dân Hội An, đã được chứng kiến nhiều màn trình diễn nghệ thuật của các nghệ sĩ, nghệ nhân Nhật Bản. Sự có mặt của con người, văn hóa - nghệ thuật Nhật Bản đã có thuở cực thịnh tại Hội An vào thế kỷ 16, mà biểu hiện sinh động còn đó, là niềm tự hào của Hội An: Chùa Cầu.
|
Phố cổ Hội An |
Trong lễ hội lần đó, người Hội An đã được chứng kiến những bàn tay điệu nghệ của các cô gái xứ sở Hoa Anh Đào trình diễn màn xếp giấy, quạt giấy, thả bóng trên nước. Trẻ em phố cổ mê tít, cứ bám lấy các cô. Đó là những sinh viên của trường đại học Nữ Chiêu Hòa - một địa chỉ văn hóa gắn bó mật thiết với Hội An trong việc giúp nguồn tài lực cho thị xã trong công cuộc trùng tu, tu bổ nhà cổ. Yếu tố "quần chúng hóa diễn viên" mỗi khi diễn ra lễ hội đã làm cho người dân phố cổ vào cuộc với các bạn Nhật Bản. Đêm trung thu Quý Mùi dư âm còn đó trên các đường phố với sặc sỡ lồng đèn, băng rôn. 45 nghệ nhân và tổ chức đã tham gia thi lồng đèn. 50 chiếc đoạt giải cao được đem treo tại khu vực sân khấu nổi trên sông Hoài.
Lễ hội có 22 nội dung hoạt động từ trưng bày triển lãm đến biểu diễn nghệ thuật, hội thảo, giới thiệu các làng nghề, ẩm thực truyền thống của Quảng Nam và Nhật Bản. Sôi động nhất là chương trình sân khấu hóa "Thế giới đến Hội An" (khai mạc) và "Hội An và thế giới" (bế mạc). Nội dung chủ đạo là những mảng hồi tưởng một thời vàng son của phố cổ tấp nập thương thuyền Âu Á, làm nên một cảng thị sầm uất nhất xứ Đàng Trong. Trong số những thương khách vượt trùng dương đến và gắn bó đời mình ở những con phố xinh đẹp này, có khá nhiều người đến từ xứ sở mặt trời. Chính sách mở cửa rộng rãi thời Shuinsen tích cực của Nhật Hoàng Toyotomy Hideyoshi và Mạc Phủ Tokugawa bắt nhịp với chính sách ngoại thương mở cửa của Nhà Nguyễn đã góp phần làm nên "Phố Nhật" ngay tại Hội An, mà hôm nay còn khá nhiều dấu ấn để lại về một thời giao hòa cực thịnh Việt-Nhật. Truyền thống hữu nghị đó hôm nay được các thế hệ người dân 2 nước tiếp tục vun đắp, thắt chặt vòng tay hữu nghị. Trong chương trình đêm khai mạc, có phần biểu diễn múa Bon của 50 nghệ sĩ Nhật Bản, diễn chung với 50 diễn viên Hội An. Động tác múa tuy nặng nề bởi tiết nhịp đơn giản cứ lặp lại nhưng lại mang nội dung chuyển tải thế giới tâm linh của người đã khuất, đậm màu Phật giáo của nghi lễ cầu nguyện nên nó không xa lạ với ta. Tất cả các chương được thực hiện trên nền dân vũ, dân ca, hát lý, hò vè miền biển của cư dân Việt, Chăm pa, Nhật Bản. Các hoạt động khác của phía Nhật có trưng bày làng và phố cổ, xếp giấy, làm quạt giấy, ẩm thực, trang phục truyền thống… Người Hội An còn có dịp chứng kiến nghệ thuật trà đạo của các nghệ nhân Nhật, nghe thuyết giảng về lẽ uyên nguyên của trà đạo...
|
Múa Bon trong đêm khai mạc Lễ hội văn hóa Việt - Nhật lần thứ nhất ở Hội An |
Các bạn Nhật đã cùng với người dân Hội An diễu hành trong "Đêm phố cổ". Phía Nhật Bản hoan nghênh và đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm của chủ nhà trong việc phối hợp tổ chức. Qua lễ hội này tình hữu nghị 2 nước thêm bền chặt. Các bạn sinh viên Nhật sang Việt Nam lần ấy với tinh thần tình nguyện, tự bỏ tiền túi ra đi, với mong muốn hiểu thêm Việt Nam, hòa mình trong không khí lễ hội tại phố cổ. Sự có mặt của các nghệ nhân, nghệ sĩ Nhật Bản tại lễ hội Quảng Nam đã góp phần mở rộng, nâng tầm ý nghĩa lễ hội, góp thêm sắc màu văn hóa xứ sở. Trình diễn văn hóa-nghệ thuật Nhật Bản tại Hội An đã giúp cho người dân hiểu thêm văn hóa truyền thống Nhật Bản. Điều này đã tác động đến tình cảm của người Hội An với người Nhật. Ngay cả người Nhật cũng vậy. Họ đến Hội An cùng sống, chơi, làm việc với người dân phố cổ. Sẽ không có mối liên kết nào dính chặt hơn khi "ta là mình, mình là ta". Anh em làm VHTT thì có dịp tiếp cận với văn hóa dân gian Nhật Bản, nâng cao trình độ biểu diễn nghệ thuật dân gian.
Năm nay, lễ hội văn hóa Việt-Nhật tái hiện ở Hội An nhân kỷ niệm 5 năm Hội An, Mỹ Sơn được công nhận là Di sản văn hóa thế giới (diễn ra từ 26 đến 29-8). Số lượng diễn viên và khách mời Nhật Bản khoảng 300 người. Cùng với các trò chơi dân gian, trình diễn nghệ thuật như năm ngoái, lần này phía Nhật bản sẽ trình diễn thêm: Diều nghệ thuật, nghệ thuật ẩm thực. Thêm một hoạt động nữa là giao hữu bóng đá thanh niên tình nguyện Việt Nam-Nhật Bản. Nhiều năm qua, sự có mặt của các bạn Nhật tại Hội An từ những du khách bình thường, tình nguyện viên, đến các chuyên gia văn hóa đã trở thành chuyện thường ngày ở phố cổ. Mối gắn kết giữa người dân phố cổ và những người Nhật yêu Hội An đã vượt qua những giao ước thông thường trong quan hệ quốc tế, như ngài Đại sứ Nhật Bản đã nói trong đêm lễ hội năm ngoái câu ngạn ngữ Việt Nam: "Mưa dầm, thấm lâu".
Năm ngoái, để hút khách du lịch, một chiến dịch quảng bá rầm rộ và chủ trương khuyến mãi đã được thực thi: Giảm 40% giá phòng khách sạn; tại các khách sạn có quà cho du khách. Đối tượng chính nhằm vào vẫn là khách Nhật. Năm nay, lượng du khách Nhật chắc chắn sẽ cao hơn nhiều bởi đường bay Đà Nẵng-Nhật Bản đang được xúc tiến, visa Nhật Bản vào Việt Nam đã được bỏ và cuối cùng là mối giao lưu văn hóa Việt-Nhật ngày một mở rộng.
. Thanh Tùng - Trung Việt |