Như tin đã đưa, đêm 26-8, tại thị xã Hội An - Quảng Nam, đã khai mạc lễ kỷ niệm 5 năm Mỹ Sơn và Hội An được công nhận Di sản văn hóa (DSVH) thế giới, kèm theo đó là chương trình lễ hội "Con đường Di sản miền Trung", "Lễ hội văn hóa Việt-Nhật" kéo dài đến hết ngày 29-8.
|
Phố cổ Hội An |
Lễ hội lần này bao gồm nhiều hoạt động, từ hội thảo khoa học về bảo tồn, trùng tu di tích đến các hoạt động nghệ thuật, khen thưởng những tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có công lao đóng góp cho việc giữ gìn, phát triển các giá trị văn hóa của Mỹ Sơn và Hội An. Chương trình này khác với lễ hội "Quảng Nam-Hành trình di sản" hồi năm ngoái là ở chỗ có một cuộc tổng kết, đánh giá toàn diện những gì được và chưa được trong công tác quản lý, bảo vệ, phát huy những giá trị của 2 di sản, thông qua đó tôn vinh những giá trị của DSVH Mỹ Sơn và Hội An.
Lễ hội có nhiều cái mới. Ví dụ: Cũng múa Chăm, nhưng lâu nay ở Mỹ Sơn người ta tổ chức trình diễn múa dân gian, lần này biểu diễn múa cung đình. Trong đêm khai mạc, màn trình diễn rước tắm tượng Bà Thu Bồn từ dòng sông Thu Bồn đã được tái hiện. Đây là lễ hội đặc sắc của người dân vùng Thu Bồn - Mỹ Sơn (thuộc huyện Duy Xuyên) và của cả Quảng Nam. Lễ khai mạc cũng được tổ chức trên sông Hoài nhưng lần này nền của sân khấu không phải là những cánh buồm, biểu tượng của một cảng thị tấp nập, sầm uất, mở đầu cho hành trình đến DSVH thế giới của Hội An, mà là biểu tượng của 2 DSVH đã được thế giới công nhận là Chùa Cầu và tháp đền Mỹ Sơn, được kết bằng đèn lồng - sản phẩm đặc trưng của Hội An, do chính các nghệ nhân Hội An thực hiện.
|
Thánh địa Mỹ Sơn |
Chương trình khai mạc có chủ đề "5 năm Hội An-Mỹ Sơn" được sân khấu hóa qua 3 chương: "Những DSVH nổi bật", "5 năm bảo tồn và phát triển", "Di sản trong tim và trong tay chúng ta". Sự kết hợp, giao lưu nghệ thuật từ biển lên nguồn cũng đã được thực hiện. Một nét mới nữa là những du khách tham dự lễ được mời tham gia trực tiếp các hoạt động của lễ hội, tạo ra màn "quần chúng hóa" lễ hội, ai cũng có thể trở thành diễn viên.
Để có chương trình khai mạc hoành tráng và đầy ấn tượng, cả tháng nay hơn 300 diễn viên chuyên nghiệp và quần chúng đã khẩn trương tập luyện. Cả thị xã Hội An dốc hết sức lực cho mọi công tác chuẩn bị để tái hiện những giá trị của DSVH, những thành quả của công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH trong 5 năm qua, trong đó có vai trò rất lớn của các tầng lớp nhân dân.
Tỉnh Quảng Nam kỳ vọng gì ở lễ hội này? Ông Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc Sở VHTT Quảng Nam, Phó Ban tổ chức lễ hội, cho biết: "Chúng tôi không dám kỳ vọng nhiều, chỉ suy nghĩ rằng du khách, nhất là khách nước ngoài, đến với lễ hội Quảng Nam không phải để đi chơi đơn thuần mà để xem người xứ Quảng sinh hoạt, ứng xử văn hóa như thế nào? Với chương trình đã được chuẩn bị, lễ hội sẽ tạo cơ hội cho họ thành chủ thể, đồng chủ thể sinh hoạt văn hóa, đóng vai trò trình diễn, góp thêm nét đặc sắc của chương trình. Mục tiêu chính của lễ hội là muốn mọi người hiểu thêm Đất Quảng. Việc này sẽ góp phần định hướng cho việc hội nhập của tỉnh Quảng Nam, ít ra là về văn hóa."
. Thanh Tùng |