Hội An - Mỹ Sơn những ngày di sản
16:39', 29/8/ 2004 (GMT+7)

Tôi đã đến Hội An nhiều lần. Có khi di bằng xe thồ, có khi lang thang bằng bước chân mình trên những con phố nghiêng mình, tưởng chừng như có thể chạm được vào nhau. Nhưng tháng 8 năm nay, sự trở lại như một cuộc hẹn hò lại cho tôi một cảm giác khác. Một Hội An như đã lột di cái vỏ ngàn năm của mình sau 5 năm được thế giới biết đến. Ngày 28-8 Hội An và Mỹ Sơn kỷ niệm 5 năm được công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Đêm khai hội trên sông Hoài

Sự thay đổi đến độ diệu kỳ ở vùng đất mà dường như con người ít khi nào bộc lộ tình cảm của mình với người khác. Trên con phố, những gánh hàng của người phụ nữ Hội An luôn khoan thai bước, không vội vã. Ừ, mà có gì đâu vội vã cơ chứ? Bởi để những mái ngói rêu phong kia cựa mình cho hàng ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn đóa hoa dại trở mình trổ hoa.

Mọi người vẫn thường nói, cứ mỗi lần đến Hội An là mỗi lần trở về, đó còn là mỗi lần khám phá. Cuộn trôi trong những ngày cuối tháng 8 này, có cả ngàn du khách đang trở về, khám phá cùng Hội An trên các con đường vào khu phố cổ. Có lẽ chưa nơi nào ở trên đất nước ta lại có nhiều người nước ngoài tìm đến như thế. Rất nhiều người từ nhiều miền đất tìm đến đây, trong không khí 5 năm Hội An là di sản thế giới như để chiêm nghiệm cái hồn phố cổ.

Tôi nhập cùng bước chân của những du khách đến đường Trần Phú, rẽ vào đường Nguyễn Thái Học, nhón chân ra đường Bạch Đằng, dừng lại ở chùa Cầu. Tôi chen cùng cái trầm ngâm rất riêng của Hội An. Tại nhà số 9 đường Nguyễn Thái Học, nơi diễn ra những chương trình "Giao lưu văn hóa Nhật", lại còn là nơi sản xuất lồng đèn Hội An, nơi giới thiệu những sản phẩm mộc Kim Bồng lừng danh. Cô hướng dẫn viên du lịch tên Đông Yên (25 tuổi) người gốc Hội An đang chăm chút lợp vải cho lồng đèn, vui nói: "Em sinh ra và lớn lên ở Hội An nên em yêu Hội An lắm." Không những chỉ có người Hội An yêu khu phố cổ của mình, mà bất cứ ai tìm đến nơi này cũng mang trong lòng một nỗi nhớ thương. Hiện tại, Hội An đang mang trong lòng mình một sức sống đến lạ kỳ. Những căn nhà cổ đang được trùng tu, mỗi nhà đều có những chùm đèn lồng như đó là điều không thể thiếu ở nơi này. Phố đi bộ Bạch Đằng đã trở thành thường xuyên vào ngày thứ bảy - và dòng sông Hoài vẫn lặng lẽ trôi, tải nước Cửa Đại như điểm thêm cho Hội An một nét riêng. Con phố Nguyễn Thái Học đẹp trong cái đẹp cổ tích. Những quán cà phê nhỏ, mà mỗi quán là một nét chấm phá văn hóa: Hoài, Du Thuyền, Hội An… Ghé vào một nơi nào đó trên phố, âm vang bước chân mình trộn cùng tiếng cười khe khẽ của cô gái Hội An cũng là kỳ diệu.

Hội An có lẽ đẹp và rực rỡ nhất chính là vào những đêm rằm - những ngày đó đã trở thành ngày riêng: "Đêm phố cổ". Con đường nhỏ, rực rỡ những ánh đèn lồng soi mặt người. Những gánh hàng rong trên phố, tiếng người nói chuyện với nhau khe khẽ. Đến với đêm, và nhớ đêm Hội An suốt đời.

Còn Mỹ Sơn. Từ khi được phát hiện bởi một người Pháp tên M.C. Paris, Mỹ Sơn là điểm thu hút của cả thế giới. Thánh địa Mỹ Sơn nằm trong một thung lũng rộng lớn. 5 năm trước ngày được công nhận là di sản thế giới, con đường vào đến khu vực tháp còn gặp muôn vàn khó khăn. 5 năm sau, chiếc cầu chông chênh vượt qua thác vào khu vực tháp đã là chiếc cầu treo. Con đường đến tháp đã mở ra, hàng năm có cả 100.000 du khách tìm tới. Bằng cả lòng nhiệt tình và tình yêu Mỹ Sơn, người dân Duy Xuyên (Quảng Nam) cẩn trọng với 20 ngôi tháp còn lại trong 70 ngôi tháp đã được xây dựng. Trong Lễ hội 5 năm được công nhận là di sản thế giới, lễ hội rước nước, lễ hội Katê được phục hồi - tạo cho Mỹ Sơn cái hồn riêng. Theo ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, việc giữ gìn hai tài sản của tỉnh là Hội An và Mỹ Sơn được đưa lên hàng đầu. Trong 5 năm, cả 2000 hiện vật bị chìm lấp trong thung lũng đã được những nhà nghiên cứu tìm kiếm, đưa chúng trở lại vị trí của mình.

Tôi đến Mỹ Sơn khi con đường xinh đẹp đến tận khu tháp đã hoàn tất, nhưng tôi vẫn hình dung ra được rằng quá trình 5 năm tạo dựng, giữ gìn một di sản của cả thế giới là một công việc không đơn giản.

Đã đến là sẽ trở lại Hội An, và cả Mỹ Sơn nữa. Ở hai nơi đó, ngàn năm trộn với hôm nay. Ghé để biết rằng có những điều rất lạ mà ta sẽ không bao giờ gặp được dẫu ở nơi nào.

. Khuê Việt Trường

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thế vận hội Athens 2004: Quyền bình đẳng phụ nữ được đề cao  (27/08/2004)
Kết thúc giải bóng đá cụm 3 huyện miền núi năm 2004: Chất lượng năm nay có nhiều tiến bộ  (27/08/2004)
Lễ hội tôn vinh những giá trị văn hóa  (27/08/2004)
Cúp bóng đá Hoàng đế Quang Trung 2004 sẽ khởi tranh từ 21 đến 31-10  (26/08/2004)
Bình Định nhờ HLV Tavares tìm kiếm cầu thủ  (26/08/2004)
HLV Tavares: Bình Định là nơi có những thủ môn giỏi  (26/08/2004)
Lễ hội Văn hóa Việt-Nhật tại Hội An: Thắt chặt thêm vòng tay hữu nghị  (25/08/2004)
Đội tuyển Việt Nam sẽ vào đến trận chung kết   (25/08/2004)
Vòng chung kết giải bóng đá hạng Nhì năm 2004 tại Quy Nhơn   (25/08/2004)
Giải vô địch bóng ném trẻ toàn quốc 2004: Bình Định đoạt huy chương bạc   (24/08/2004)
Bình Định xếp hạng 3 giải Vô địch võ cổ truyền toàn quốc năm 2004   (24/08/2004)
Phòng chống HIV/AIDS tại Thế vận hội Athens   (23/08/2004)
Hoa Lâm - Bình Định vẫn án binh bất động   (23/08/2004)
Đường đến Athens của VĐV khuyết tật Tuyết Loan  (22/08/2004)
Lịch sử linh vật Thế vận hội  (20/08/2004)