Cách đây 4 năm, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cùng với cả nước, các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh đã đồng loạt phát động phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại". Kết quả sau 4 năm phát động, phong trào TDTT ở Bình Định đã có nhiều chuyển biến, thu hút đông đảo nhân dân trong tỉnh tham gia tập luyện.
|
Thể dục thể thao đang thu hút nhiều lứa tuổi tham gia |
Theo số liệu thống kê vào thời điểm cuối năm 2003, số người tập thể thao thường xuyên ở Bình Định chiếm tỷ lệ 17,3% số dân (cả nước: 15%) và số hộ gia đình tham gia tập luyện thể thao chiếm 14,3% số hộ (năm 1999 là 12,1%).
Để có được kết quả đó, từ ngày phát động, ngành TDTT đã xây dựng kế hoạch đưa phong trào TDTT về cơ sở, kế hoạch khôi phục những trò chơi dân gian, truyền thống của từng vùng, địa phương trong tỉnh; ngành đã ký kết liên tịch các hoạt động TDTT với các ngành, đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Liên đoàn lao động, Công an… nhờ đó, hàng năm đã tổ chức trên 20 hội thao truyền thống và giải thể thao, có hơn 700 cuộc thi đấu thể thao cơ sở và gần 100 giải thể thao cấp tỉnh. Nhìn chung, các hội thao, giải thể thao được tổ chức nhiều hơn, có quy mô và chất lượng hơn so với trước. Phong trào thể thao trong các LLVT nhân dân ngày càng phát triển mạnh. Tỷ lệ chiến sĩ trong LLVT đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể chất hàng năm 98-100%. Ngành TDTT liên kết với ngành Giáo dục - Đào tạo đẩy mạnh công tác giáo dục thể chất của học sinh trong các trường học, mở các lớp năng khiếu TDTT và duy trì tổ chức Hội khỏe Phù Đổng 2 năm/lần ở cấp huyện và cấp tỉnh. Tỷ lệ trường học đảm bảo giáo dục thể chất có nề nếp hàng năm trên 90% và hiện có 100% các trường học có hoạt động TDTT nội khóa.
Để đẩy mạnh phong trào rèn luyện thể thao từ cơ sở, Bình Định đã có chủ trương xây dựng các Nhà tập thể thao đa năng ở 11 huyện, thành phố. Vốn đầu tư của tỉnh cho mỗi nhà tập là 500 triệu đồng; đến nay đã có 4 nhà tập thể thao đa năng ở các huyện Vân Canh, Hoài Nhơn, Hoài Ân và Tuy Phước đã đưa vào sử dụng, thu hút đông đảo nhân dân đến tham gia tập luyện và thi đấu các môn bóng bàn, cầu lông, võ thuật. Chủ trương về thành lập các mô hình Câu lạc bộ TDTT ở các địa phương phát triển tương đối mạnh, hiện toàn tỉnh có 315 câu lạc bộ TDTT. Số cơ sở TDTT công lập, cơ sở TDTT công lập có thu lệ phí, cơ sở TDTT tư nhân (sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, phòng tập thể hình, tập võ, thể dục nhịp điệu…) liên tục tăng qua các năm. Năm 1999, toàn tỉnh có 997 cơ sở TDTT công lập, 14 cơ sở TDTT công lập có thu lệ phí, 592 cơ sở TDTT tư nhân, đến nay đã có 1.229 cơ sở TDTT công lập, 15 cơ sở TDTT công lập có thu lệ phí và 772 cơ sở TDTT tư nhân. Những con số này đã cho thấy những tiến bộ trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa TDTT ở Bình Định trong những năm qua.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cuộc vận động này còn bộc lộ nhiều mặt hạn chế cần phải khắc phục. Đó là: Phong trào TDTT quần chúng phát triển chưa có chiều sâu, chưa đều. Phong trào thể thao ở nông thôn, trong nông dân đã được khơi dậy nhưng còn thiếu vững chắc. Nhiều nơi phong trào còn mang tính tự phát, thiếu hướng dẫn cụ thể.
. Hồ Xuân Ánh |