Ánh sáng từ 700 cổ vật Đông Sơn
16:39', 31/8/ 2004 (GMT+7)

Cuộc trưng bày "Văn hóa Đông Sơn - rực rỡ một nền văn minh Việt cổ" đã khai mạc sáng 25-8 tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và sẽ kéo dài đến hết tháng 11 năm nay. 700 cổ vật, phủ bên ngoài lớp patin mai mái xanh hơi ngả vàng của hợp kim đồng - chì, nằm im lìm trong ánh sáng tỏa rạng từ mặt trời trên trống đồng Đông Sơn.

* Rực rỡ một nền văn minh

Trống sông Đà, Đk 78cm, cao 61cm

Theo nhận định của các nhà khảo cổ học, Văn hóa Đông Sơn tồn tại vào khoảng 500 - 600 năm giữa thiên niên kỷ thứ I trước Công Nguyên đến thiên niên kỷ thứ II sau Công Nguyên. Đấy là giai đoạn hình thành nhà nước Văn Lang - Âu Lạc, cũng là giai đoạn đánh dấu một thời kỳ mà nghề luyện kim đạt đến một trình độ rất cao.

Hơn 700 hiện vật tiêu biểu với nhiều thứ lần đầu tiên công bố đã khắc họa một diện mạo, một cá tính riêng của Văn hóa Đông Sơn… Có thể khẳng định: đây là đợt triển lãm quy mô nhất từ trước tới nay về Văn hóa Đông Sơn, với số lượng cổ vật được mượn về từ ít nhất 8 tỉnh. Về mặt loại hình, cuộc trưng bày này đã bao quát hết các loại hình tiêu biểu của Văn hóa Đông Sơn. Qua những cổ vật này, người xem có thể hình dung được đời sống văn hóa của cư dân Đông Sơn thời cổ đại; trong đó có 3 trung tâm lớn: trung tâm sông Hồng, trung tâm sông Mã (Thanh Hóa), trung tâm sông Cả (Nghệ An)...

Loại hình sông Hồng (địa bàn chủ yếu ở vùng núi phía Bắc, trung du và đồng bằng Bắc Bộ) giới thiệu các bộ sưu tập vũ khí, lưỡi cày đồng trong trống Mả Tre, trống đồng, thạp Hợp Minh (lần đầu tiên trưng bày, niên đại 2.300-2.500 năm với trang trí tượng vịt rất hiếm thấy ở đồ đồng Đông Sơn sớm)... Điểm khác biệt với hai loại hình sông Mã và sông Cả thể hiện qua các bộ dao găm với chắn tay thẳng, rìu lưỡi gấp khúc hay rìu lưỡi xéo, gót vuông cùng hình trang trí (cảnh chó săn hươu, hình thuyền)... Một hiện vật đặc sắc khác của loại hình sông Hồng là mộ thuyền Châu Can (niên đại 2.300 năm, tìm thấy ở Hà Tây năm 1977). Mộ táng (quan tài hình thuyền hay thân cây khoét rỗng) là một trong những đặc trưng về loại hình táng thức của Văn hóa Đông Sơn, nhưng chỉ xuất hiện ở vùng đầm lầy phía Bắc. Chính nhờ vùi sâu dưới lòng đầm lầy nên mộ Châu Can cũng như các mộ thuyền khác hầu như giữ được nguyên vẹn xương cốt và quan tài. Theo một số nhà nghiên cứu, mộ thuyền có liên quan đến tập tục của cư dân vùng trũng. Rất có thể trong Văn hóa Đông Sơn, giao lưu bằng thuyền quan trọng hơn giao lưu bằng đường bộ, và nếu như con thuyền có chức năng chở linh hồn người chết thì phải chăng, quan tài cũng có chức năng tương tự? Bởi vậy, giá trị nghiên cứu của mộ thuyền là rất lớn. Điều đáng tiếc là sau khi khai quật, việc bảo quản mộ thuyền rất khó khăn về kinh phí, thời gian và phương tiện nên nhiều ngôi mộ dù đã xác định rõ vị trí nhưng giới khảo cổ vẫn đành phải nhờ lòng đất lưu giữ hộ.

Bình đồng Thế kỷ I đến III

Ở loại hình sông Cả (trung tâm Làng Vạc), các hiện vật (bộ sưu tập dao găm, vòng tay, khuyên tai bằng đá...) tương đương với Đông Sơn, có niên đại khoảng 2.500 năm và mang dấu ấn giao lưu với Văn hóa Sa Huỳnh. Khác với loại hình sông Hồng, bộ sưu tập hiện vật sông Cả hết sức chú trọng đến các khối tượng trang trí, nhất là trên cán dao găm. Ngoài những khối tượng hình người, loại hình sông Cả còn có những khối tượng lạ không tìm thấy ở sông Mã, sông Hồng như đôi hổ ngậm chân và ngậm vòi một con voi hay hai con rắn quấn nhau (cũng ngậm vòi, chân voi). Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nên nghiên cứu sâu hiện tượng này, vì có thể nó phản ánh một hệ thống thần thoại nào đấy của người Việt cổ. Một nét độc đáo khác là loại rìu lưỡi xéo có hình mặt trăng dài, rất giống với một địa điểm ở Indonesia, rất có thể đã từng có mối giao lưu của loại hình sông Cả với Indonesia.

Loại hình sông Mã (trung tâm Đông Sơn), bộ sưu tập hiện vật mang đặc trưng Văn hóa Đông Sơn điển hình với đồ dùng sinh hoạt, đồ trang sức, tượng nghệ thuật: thạp đồng, đèn, trâm cài đầu, vòng tay trang trí hình cá sấu, tượng người cõng nhau thổi kèn...

* Thành tựu 80 năm nghiên cứu

Người Pháp là những người tiến hành các cuộc khai quật đầu tiên một cách có ý thức các hiện vật Đông Sơn. Khái niệm Văn hóa Đông Sơn cũng được đưa ra bởi một nhà nghiên cứu ngoại quốc, TS R.Heine Gelden (Áo). Với giới khảo cổ học Việt Nam, thành tựu lớn nhất là đã chứng minh được tính bản địa của nền Văn hóa Đông Sơn với sự phát triển tuần tự từ Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun. Bởi vậy, nội hàm của khái niệm Văn hóa Đông Sơn ngày càng rõ ràng và mở rộng hơn: Văn hóa Đông Sơn đa dạng về loại hình với 3 trung tâm lớn là trung tâm sông Hồng, sông Cả và sông Mã. Các nhà khảo cổ học Việt Nam cũng đã chỉ ra sự ảnh hưởng qua lại giữa Đông Sơn với bên ngoài, đặc biệt là với Văn hóa Điền (Trung Quốc). Dễ dàng nhận thấy hơn là đóng góp của họ trong việc khai quật nhiều di chỉ Đông Sơn. Giới thiệu được sự phân bố rộng rãi nền văn hóa này cũng góp phần chứng minh cho tính bản địa và sự phát triển huy hoàng của nó. 

. Nguyên Hạo (tổng hợp)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Lễ hội VH-TT huyện An Lão lần thứ VI: Cơ hội lưu truyền văn hóa 3 dân tộc  (31/08/2004)
VCK giải bóng đá hạng Nhì toàn quốc năm 2004: Đồng Nai lên hạng trước một vòng đấu  (31/08/2004)
Thế vận hội Athens 2004: Nhiều kỷ lục lần đầu tiên được lập  (30/08/2004)
4 năm và những chuyển động tích cực   (30/08/2004)
Athens trở thành nơi tổ chức Thế vận hội tốt nhất trong lịch sử?  (29/08/2004)
Hội An - Mỹ Sơn những ngày di sản  (29/08/2004)
Thế vận hội Athens 2004: Quyền bình đẳng phụ nữ được đề cao  (27/08/2004)
Kết thúc giải bóng đá cụm 3 huyện miền núi năm 2004: Chất lượng năm nay có nhiều tiến bộ  (27/08/2004)
Lễ hội tôn vinh những giá trị văn hóa  (27/08/2004)
Cúp bóng đá Hoàng đế Quang Trung 2004 sẽ khởi tranh từ 21 đến 31-10  (26/08/2004)
Bình Định nhờ HLV Tavares tìm kiếm cầu thủ  (26/08/2004)
HLV Tavares: Bình Định là nơi có những thủ môn giỏi  (26/08/2004)
Lễ hội Văn hóa Việt-Nhật tại Hội An: Thắt chặt thêm vòng tay hữu nghị  (25/08/2004)
Đội tuyển Việt Nam sẽ vào đến trận chung kết   (25/08/2004)
Vòng chung kết giải bóng đá hạng Nhì năm 2004 tại Quy Nhơn   (25/08/2004)