Rạng sáng 30-8, lễ bế mạc Olympic Athens 2004 đã diễn ra trọng thể tại sân vận động Olympic, khép lại 2 tuần tranh tài sôi nổi ở 28 môn thi. Không có VĐV nào của Việt Nam vượt qua được vòng đấu bán kết, cả ở bộ môn được đặt nhiều hy vọng là taekwondo thì Nguyễn Quốc Huân và Nguyễn Văn Hùng đều đã phải dừng lại trước ngưỡng này. Các VĐV Việt Nam không vượt nổi chính mình, thể thao Việt Nam lại phải nhìn lại cách đầu tư.
Thực tình mà nói, trong số 11 VĐV của Việt Nam tham dự 8 môn thi đấu ở Olympic Athens 2004 thì chỉ có 5 VĐV của 3 môn taekwondo, bóng bàn, rowing là đoạt vé chính thức và đường hoàng đi vào đấu trường Olympic. Các VĐV của các môn thi đấu còn lại đều đi bằng cửa đặc cách hay vé vớt. Do vậy mà ngay ở buổi xuất quân, đoàn Việt Nam cũng chỉ đặt mục tiêu khiêm tốn là tự vượt lên thành tích của chính mình và chỉ có 2 VĐV ở môn taekwondo là Nguyễn Quốc Huân và Nguyễn Văn Hùng được trao trọng trách săn huy chương bởi đây là môn thế mạnh của Việt Nam trong nhiều năm qua trên đấu trường quốc tế.
|
Quốc Huân (bên trái) trong trận thắng Seyfula Magomedov (Nga) |
Nhưng dù đã nỗ lực hết sức, các VĐV Việt Nam đã lần lượt rời đấu trường Olympic mà không để lại một dấu ấn thành tích đáng kể nào. Những Nguyễn Mạnh Tường (bắn súng), Bùi Thị Nhung (điền kinh) đã sớm rời đấu trường vì đã không vượt nổi thành tích của chính mình; đến lượt Lê Văn Dương (điền kinh), Đoàn Thị Cách (canoeing)... cũng phải ra về với nỗi thất vọng. Và những niềm hy vọng cuối cùng của Việt Nam là Nguyễn Quốc Huân và Nguyễn Văn Hùng cũng phải chia tay "cuộc chơi lớn" trong niềm tiếc nuối khi cả 2 đều đã bước vào cửa của vòng tứ kết.
Với Nguyễn Quốc Huân, anh vượt qua được đối thủ người Nga là Seyfula Magomedov trong một trận đấu đầy kịch tính và tiếp tục vượt qua ngưỡng tứ kết khi chiến thắng Paul Green (Anh) để vào đến bán kết nhưng rồi lại thúc thủ trước võ sĩ dày dạn kinh nghiệm Salzar Blanco (Mexico), đến trận đấu vớt để kiếm chiếc huy chương đồng Quốc Huân cũng lại thua trắng Ramos Juan (Tây Ban Nha). Đến lượt Nguyễn Văn Hùng, trận xuất quân anh đã chiến thắng Heino Teemu (Phần Lan) nhưng khi bước vào trận tứ kết gặp đối thủ là Kamal Ibrahim (Jordan) anh đã phải chịu thất bại với tỉ số điểm sít sao là 7-9.
Trắng tay ở đấu trường Olympic Athens là một nỗi buồn của đoàn thể thao Việt Nam song càng buồn hơn khi cùng khu vực, đoàn Thái Lan đoạt đến 8 huy chương (3 vàng, 1 bạc, 4 đồng) xếp thứ 25/202 quốc gia; trong đó có 1 HCĐ ở môn taekwondo (nữ, hạng cân: 49 kg) và đoàn Indonesia đoạt 4 huy chương (1 vàng, 1 bạc, 2 đồng) xếp thứ 48/202 quốc gia.
Cách đây 8 tháng, sau SEA Games 22, Việt Nam từng tự hào là quốc gia có nền thể thao số 1 Đông Nam Á, vậy mà giờ đây cả số lượng lẫn chất lượng VĐV tham dự Olympic Athens Việt Nam đều đứng sau các quốc gia này.
Có thể thấy rằng, thời gian qua thể thao Việt Nam đã đầu tư nhiều cho các môn ít thấy trong hệ thống thể thao châu Á và Olympic, và cái "số 1" mà chúng ta từng tự hào có sự góp mặt quá nhiều của những bộ môn "không giống ai" này; trong khi đó các môn cơ bản của Olympic như bơi lội, điền kinh, thể dục... sự đầu tư chưa được bao nhiêu và cũng chưa có một chiến lược hoạch định để vượt ra khỏi tầm châu lục. 4 năm nữa là Olympic Bắc Kinh, hy vọng Việt Nam không chỉ còn đặt mục tiêu là "tự vượt chính mình"!
. Quang Khanh |