Bài chòi là một trò chơi truyền thống rất quen thuộc và phổ biến trong những ngày đầu xuân ở các tỉnh miền Trung Trung bộ, từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định.
|
Một tiết mục bài chòi cổ do các nghệ sĩ nghiệp dư biểu diễn |
Người ta chọn khu đất cao ráo, mát mẻ và bằng phẳng, thường là sân đình, sân miếu để dựng hai dãy chòi lá đối diện nhau. Mỗi dãy có bốn chòi. Mái lợp lá, trụ cột bằng thân tre dài, vuông vức, mỗi cạnh chừng vài mét. Sạp lót ván hay lót khịa đan bằng cật tre già có trải chiếu, cách mặt đất chừng vài mét. Người chơi bài chòi thường kéo theo cả gia đình hay bạn bè cùng ngồi cho vui. Riêng một chòi ở giữa có vẻ cao ráo và bề thế gọi là chòi cái. Tất cả chín chòi liền nhau theo hình chữ U. Giữa hai dãy chòi là lối đi rộng khoảng năm sáu mét. Đối diện với chòi cái là nơi làm việc của ban trị sự, có kê bộ phản ngựa, trải chiếu hoa, trên để sổ sách, trà nước, khay đựng vật dụng mang đến thưởng cho những người trúng bài. Kế bên là ban nhạc giúp vui hoặc đánh nhịp cho chú hiệu khi hô bài. Ngoài ra còn có trống chầu, trống cơm và phèng la…
Người chơi bài chòi phải mua chòi. Có tất cả 9 chòi chia làm 9 phần tiền, nhưng khi phát thưởng chỉ phát có tám phần, còn một phần giữ lại để ban trị sự chi dụng gọi là "tiền xâu".
Bài chòi dùng bài tam cúc, có tất cả 30 cặp bài. Người ta dùng 9 chòi mỗi chòi có 3 lá (9x3=27), vậy có thể tùy nghi bớt ra 3 cặp. Tên bài có thể là tên gọi nửa Hán nửa Việt, như thuộc pho sách có: Nhất nọc, nhì nghèo, ba gà, tứ tượng, sáu tiền, bảy thưa, tám dây, cửu điền, năm dây; thuộc pho vạn có: Nhất trò, nhì bí, tam quăng, ngũ trợt, lục chạng, bảy dây, bát bồng, cửu chùa, tứ giống; thuộc pho văn có: Chín gối, nhì bánh, ba bụng, tứ cẳng, ngũ rún, sáu miệng, tám tiền, đổ ruột, bảy liều. Và còn ba tên nữa là: Thế tử, bạch huê và ông ầm. Mỗi quân bài được viết trên mỗi thẻ tre có bề rộng bằng hai ngón tay và bề dài chừng vài tấc. Bộ bài có 27 cặp, chia làm 2, một nửa số bài cho vào chiếc ống tre tra vào trụ gỗ chôn ở giữa sân khấu cao vừa tầm người, và một nửa thì đem chia đều cho 9 chòi, mỗi chòi 3 thẻ. Chú hiệu thường là một thanh niên có giọng tốt, nhanh nhẹn, biết hô các làn điệu dân ca như vè, hò, hát bội và có tài giễu cợt để giúp vui. Mỗi chòi có phát một chiếc mõ tre, riêng chòi cái thì phát chiếc trống cơm. Khi đã đủ người chơi, kèn trống bắt đầu nổi lên ầm ĩ. Chủ hiệu bưng khay đựng quân bài lần lượt đến từng chòi cho khách bốc đủ 3 thẻ. Xong, anh hô hiệu: "Hai bên chòi lẳng lặng mà nghe, róc rách ống tre, con gì lại ra…" rồi xướng lên một quân bài ngay, hoặc ca lên một bài có liên hệ rồi hô tên sau. Chẳng hạn chú rút thẻ bài "nhất trò", thì hô:
Đi đâu mang sách đi hoài
Cử nhân chẳng đậu tú tài cũng không
Bớ … bớ… Nhất trò!
Một khi có chòi nào trúng con bài "nhất trò" thì gõ lên 3 tiếng mõ cốc, cốc, cốc hay 3 tiếng trống cơm tum, tum, tum. Chú hiệu liền chạy đến trao cho chòi thẻ bài ấy. Đoạn chú hiệu đưa tay lắc lắc chiếc ống, rút thẻ bài rồi hô tiếp:
Vai mang túi bạc kè kè,
Nói quấy, nói quá người nghe rầm rầm
Bớ… bớ… Ông Ầm
Hoặc
Sông sâu anh bắc cầu khum
Em đi cho khéo kẻo ngã ùm xuống sông
Bớ… Ông Ầm
Chòi nào có con bài "Ông Ầm" thì gõ mõ, gõ trống để báo hiệu. Nhiều câu nghe phải tức cười, như:
Chồng nằm chính giữa
Hai vợ hai bên
Lấy chiếu đắp lên
Cũng là ba bụng
(Ba bụng)
Hay:
Tiếc công bỏ cú nuôi cu
Cu ăn cu lớn cu gù cu bay
Cu say mũ cả áo dài
Cu chê nhà dột phụ hoài duyên em!
(Chín cu)
Khi chòi nào trúng đủ 3 con bài trong thẻ là bài đã tới, chòi đó phải hồi trống hay hồi mõ. Chú hiệu chạy đi các chòi thu hồi thẻ bài, sau đó bưng đến chòi trúng thưởng chiếc khay đựng tiền và lá cờ đuôi nheo màu xanh xanh, đỏ đỏ. Để chơi ván khác, chú hiệu tiếp tục phát thẻ cho các chòi. Cứ thế mà cuộc chơi luôn luôn hào hứng, sôi nổi cho đến ván thứ chín mới mãn. Sau chín ván, chòi nào cắm nhiều lá cờ đuôi nheo trên nóc chòi thì chòi đó lấy làm hãnh diện lắm!
Chơi bài chòi là trò chơi tao giải trí tao nhã, vui vẻ và hào hứng trong ngày tết. Đó là những điểm vui xuân thu hút đủ mọi lớp tuổi. Từ lối chơi bài chòi trên đây, dần dà phát triển thành lối hô bài chòi hay hát bài chòi, một thể loại dân ca rất phổ biến ở miền Trung Trung bộ
. Theo Thế giới trong ta |