1. Một bận, báo chí rình rang về chuyện một đoàn nghệ thuật truyền thống của Bình Định đi biểu diễn ở nước ngoài khá thành công, thu hút hàng trăm khán giả mỗi đêm diễn. Tuy nhiên, ngoại trừ một số Việt kiều có sự hiểu biết ít nhiều về nghệ thuật truyền thống, còn lại khán giả, nhất là khán giả ở nước ngoài lần đầu tiếp cận với nghệ thuật truyền thống ta, gặp không ít bỡ ngỡ.
|
Em Nguyễn Thị Bích Hiền trong vai Nữ tướng Bùi Thị Xuân |
2. "Thì cũng chẳng có gì là lạ" - có người bảo thế, vì một điều đơn giản, ngay cả người trong nước đây còn chưa mấy hiểu và yêu sân khấu truyền thống của mình, nói chi đến người ngoại quốc xa xôi. Hãy thử hỏi những bạn trẻ hôm nay, mấy người còn hiểu và yêu nghệ thuật hát bội, cải lương hay ca kịch bài chòi?
Mà đúng vậy. Với các bạn học sinh, đầu tháng 9-2003, chúng ta đã triển khai dự án Sân khấu học đường. Tuy nhiên, với một dự án triển khai trong ba tháng và cũng chỉ tại ba trường trong cả tỉnh, nên mới chỉ đủ để khơi gợi trong các em chút niềm yêu thích với nghệ thuật truyền thống mà thôi. Dù trước khi triển khai dự án, những người thực hiện từng hy vọng, rằng dự án sẽ như một điểm khởi đầu, để rồi sau khi dự án kết thúc, hình thức tiếp thị sân khấu truyền thống này với thế hệ trẻ sẽ tiếp tục được duy trì và nhân rộng ra các trường khác. Và rồi, từ những hạt nhân ban đầu như vậy, sân khấu truyền thống sẽ tìm lại được người xem của mình…
Ước vọng là vậy, nhưng khép lại ba tháng đó, kết quả thu nhận được chỉ là một vài trích đoạn do chính các em học sinh biểu diễn. Tất nhiên, những trích đoạn đó phần nào đã tạo nên sự ngạc nhiên và thích thú trong người xem, nhưng mục tiêu quan trọng: hình thành một lớp khán giả trẻ cho sân khấu truyền thống xem chừng khó thực hiện nếu chỉ dừng lại ở đó. Niềm say mê sân khấu truyền thống trong một số không nhiều bạn học sinh, mới được nhen lên, cùng với thời gian của gần một năm nay đang dần nguội lạnh. Và mục tiêu "tiếp thị" sân khấu truyền thống với thế hệ trẻ vẫn chỉ là mục tiêu.
|
Em Đào Thị Lê Na (11 tuổi) trong vai Hồ Nguyệt Cô |
Còn chuyện tiếp thị sân khấu truyền thống với du khách gần xa vẫn còn nhiều cái yếu. Chẳng hạn một người nào đó khi đến Bình Định, tìm mua một đĩa CD hát bội truyền thống, bài chòi làm kỷ niệm dù có kiếm đỏ con mắt cũng không ra. Các điểm du lịch thì ngoài một vài tượng bán thân Quang Trung (mà cũng được đem từ tỉnh khác về bán), vài chiếc nón lá sơn phết thô sơ, chẳng có một đĩa CD, VCD nào về hát bội hay ca kịch bài chòi - những bộ môn nghệ thuật truyền thống vốn đậm chất Bình Định.
3. Rõ ràng, sự xa lạ của thế hệ trẻ hôm nay với nghệ thuật truyền thống dân tộc không thể được xóa bỏ bằng những hô hào chung chung, bằng những băn khoăn, lo lắng… mà sân khấu truyền thống cũng cần được "tiếp thị", hơn thế, phải bằng một chiến lược "tiếp thị" dài hơi, chuyên nghiệp.
. Khải Nhân |