Hội An là một đô thị cổ có một quá khứ nổi bật về sự giao lưu giữa nhiều nền văn hóa: Việt, Nhật, Hoa; một đô thị gắn liền với thương cảng quan trọng của khu vực Đông Nam Á trong suốt nhiều thế kỷ. Hội An phát triển rực rỡ vào thời các chúa Nguyễn trị vì xứ Đàng Trong. Cho đến nay kiến trúc Hội An vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn.
Sự giao thoa văn hóa đã làm nên một Hội An hấp dẫn, thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước. Năm 1999, cùng với Thánh địa Mỹ Sơn, Hội An được Unesco ghi tên vào danh mục di sản văn hóa (DSVH) thế giới, một cơ hội lớn để các giá trị của đô thị cổ được bảo tồn và phát huy hiệu quả mạnh mẽ. 5 năm qua, kể từ ngày được công nhận DSVH thế giới, Hội An đã có những thay đổi lớn trong việc quản lý, bảo vệ, giữ gìn và phát huy các giá trị di tích.
|
Một góc phố cổ |
Du lịch Hội An được hình thành từ văn hóa đặc thù của mình. Người ta đến Hội An, trước hết là đến với phố cổ rêu phong. Nhưng sản phẩm du lịch Hội An nếu chỉ có kiến trúc phố cổ sẽ không đủ sức hấp dẫn mời gọi du khách trở lại lần thứ hai. Bảo tồn và phát triển gắn bó như máu thịt của cơ thể. Chủ trương của chính quyền, được sự ủng hộ của các chuyên gia Unesco, phố cổ Hội An duy trì như thời điểm được công nhận DSVH thế giới. Thế nhưng mỗi lần trở lại Hội An người ta dễ phát hiện ra những nét mới trong lòng phố cổ bất biến. Đường phố sạch sẽ hơn, nhà cửa đẹp hơn, hàng hóa phong phú hơn, mẫu mã đẹp hơn mà chủ yếu vẫn là hàng lưu niệm, hàng hóa đặc thù của phố cổ, tình người thì vẫn ấm áp, thân mật và gần gũi. Đỉnh cao của sự phát triển là sinh hoạt "Đêm phố cổ", diễn ra vào đêm 14 âm lịch hàng tháng. Với đêm phố cổ, không chỉ có văn hóa vật thể mà văn hóa phi vật thể của Hội An cũng được tôn vinh với các hội hát bài chòi, hò khoan đối đáp, văn hóa ẩm thực, các câu lạc bộ thơ, nhạc truyền thống, múa lân, hoa đăng, trẻ em thì hát đồng dao bên Chùa Cầu...
Khi du lịch phát triển các loại hình dịch vụ trở nên đa dạng, sinh động và tăng trưởng nhanh. Người Hội An vốn trầm lặng trở nên năng động bởi tác động của thị trường du lịch. Đặc biệt các làng nghề truyền thống hồi sinh. Nghề may bỗng nhiên thịnh hành. Khách đến Hội An ngoài dạo phố cổ, tắm biển cửa Đại còn có thú vui là đi may quần áo và mua lồng đèn. Nghề làm lồng đèn từ chỗ thủ công, nhỏ lẻ, phục vụ tại chỗ vài năm trở lại đây đã trở thành hàng hóa, với quy mô sản xuất lớn theo dây chuyền công nghiệp, cung cấp cho trị trường cả nước và xuất khẩu. Khách may áo dài, kể cả may com-lê, lấy hàng ngay trong ngày thì chỉ có ở Hội An năng động của thời đổi mới, hội nhập. Có thể nói chính quyền thị xã Hội An đã quyết tâm biến mọi giá trị văn hóa Hội An thành sản phẩm du lịch.
Gánh nặng thường trực của Hội An là di tích bị xuống cấp nghiêm trọng và phố cổ quá tải. Để đáp ứng nhu cầu lưu trú ngày càng tăng, nhiều khách sạn, nhiều khu du lịch đã được xây dựng từ khu trung tâm hành chính thị xã kéo dài về phía bãi biển cửa Đại. Từ năm 1997 thị xã đã quy hoạch 51 ha, đầu tư cơ sở hạ tầng để giải quyết đất làm nhà ở cho gần 1.000 hộ là dân nghèo, đối tượng chính sách và dãn dân phố cổ. Đất ở của mỗi hộ gia đình được cấp từ 200 m2 trở lên nhưng diện tích xây dựng không được vượt quá 40%, phần còn lại để trồng cây, tạo thảm xanh.
Từ nhiều nguồn, đến nay tỉnh Quảng Nam đã đầu tư 16 tỉ đồng, cộng với 6 tỉ của thị xã Hội An để trùng tu, tu bổ di tích đang xuống cấp và xuống cấp nghiêm trọng tại phố cổ. Mọi ngôi nhà cổ trong phố cổ khi trùng tu, sửa chữa đều có sự giám sát của cơ quan chức năng. Hội An được đánh giá là đô thị được quản lý về xây dựng chặt chẽ nhất. Nguồn thu từ bán vé tham quan phố cổ mỗi năm được trích từ 20 - 80% cho việc sửa chữa, trùng tu các di tích, nhà cổ. Có những ngôi nhà cổ được hỗ trợ tới 300 triệu đồng. Người dân ở trong hẻm cũng có ý thức, trách nhiệm giữ gìn phố cổ như nhà ở mặt tiền. Khi có nhu cầu buôn bán họ được bố trí ở một số lề đường và không phải nộp thuế. Các hộ buôn bán những mặt hàng lưu niệm, lồng đèn, những mặt hàng nhằm tôn vinh phố cổ được chính quyền cho miễn thuế. Các mặt hàng không thích hợp với không gian phố cổ được chuyển sang khu vực khác. Chủ trương tạo điều kiện cho cư dân được hưởng lợi từ việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích phố cổ đã gắn kết người Hội An với DSVH.
Mà cũng chẳng có phương thức, cơ chế gì tích cực hơn. Khác với Cố đô Huế, Hạ Long, Mỹ Sơn, Phong Nha-Kẻ Bàng, ở Hội An hơn 90% di tích là của tư nhân, do người dân, do các tộc họ, bang hội quản lý, sử dụng. Đó là một việc làm phù hợp với nguyên lý: Bảo tồn để phát triển. Phố cổ chỉ có giá trị khi chúng ta biết phát huy tối đa vốn cổ với chiều dày văn hóa của nó.
. Thanh Tùng |