H'ri là một làn điệu dân ca Chăm mang màu sắc dân tộc sâu sắc. Người Chăm Vân Canh sử dụng lối hát này từ bao đời nay nhưng do quá trình giao lưu văn hóa giữa ba dân tộc, cho nên đến nay H'ri bị ảnh hưởng nhiều về lời hát của dân tộc Bana và Kinh.
|
Thiếu nữ các dân tộc: Chăm, Bana, H'rê tại Lễ hội miền núi Bình Định lần thứ 6 |
Đến nay lời cổ trong các bài H'ri chỉ có các cụ già từ 70 tuổi trở lên mới nhớ và hát đúng được, còn lớp thanh niên trẻ hầu như chỉ hát được lời mới theo tiếng Kinh. Người Chăm có những nhạc cụ dân tộc độc đáo để đệm hát H'ri như đàn ót (1 dây), đàn pờ ró (2 dây), đàn có bầu đàn bằng quả bầu khô và cần đàn (5 dây hoặc 12 dây). Cung đàn và nốt đều được tưởng tượng trên cần đàn. Độc đáo là đàn lo tinh (đàn môi) có một sợi dây kéo mà bầu đàn sử dụng là miệng con người. Bên cạnh nó còn có bộ cồng (5 cái), bộ chinh (5,7 hoặc 11 cái). Làn điệu H'ri được người Chăm sử dụng hát rộng rãi trong ngày hội làng, đám cưới, đám ma... Có hai điệu hát H'ri là hậy và ợi: tiết tấu, âm điệu mang tính trữ tình. Lúc hát thường được các loại đàn phụ họa. Âm nhạc không cố định mà phụ thuộc vào nội dung bài hát. Làn điệu H'ri được xuất phát từ trong lao động sản xuất và chiến đấu của người Chăm, thể hiện trong lời hát cổ ợi:
Ơi kăm sây tà mạ chà ngàn, ta đê chọ
hơ doa ta lanh a ha pàn ơi!! !
Tạm dịch:
Ơ! đôi ta đi núi đi rừng
thương yêu đoàn kết bên nhau ơi...
Trong sinh hoạt gia đình, H'ri cũng là lời ru của người mẹ, cần căn dặn con về cái điều hay, lẽ phải, sau này lớn lên làm người có ích cho xã hội:
Ví dụ bài "Pờ ta o na" (Dạy con):
Mẹ cha sẽ dạy con
làm sao cày sâu cuốc bẫm
làm rẫy được mì khoai
Thương anh em làng xóm
Đoàn kết, chung nhau sinh sống...
H'ri cũng là lời than thở, oán trách trời đất những năm mất mùa đói kém. Người con gái hát lên như sau:
...Ơi... trồng mì không lên
trồng bắp không lên
cả mọi người đều đói rét
đất đai khô cằn
trời không có mưa
làm quần áo rách rưới ơi...
Nhưng không phải vì thế mà bi quan chịu đói rét. Người Chăm Vân Canh đã biết sử dụng những ưu đãi của thiên nhiên kêu gọi đoàn kết chống thiên nhiên để giành lấy cuộc sống. Người con trai hát động viên lại người con gái:
...Ơi... đất ta có nhiều núi rừng
rừng có nhiều trái cây
sông có nhiều cá
kêu trời phù hộ
kêu bạn bè giúp đỡ
trồng nhiều mì, nhiều khoai
nhiều bắp, nhiều lúa ơi...
Về địa dư, người Chăm Vân Canh từ lâu đời đã sống theo triền núi thấp thuộc lưu vực sông Hà Thanh, nên âm điệu dân ca H'ri mang âm nét trữ tình. Tiết tấu âm nhạc êm dịu như làn điệu hò, ru con của người Kinh.
Một câu hát giao duyên tiêu biểu:
Tình này ơi... vào nhà chào em mặc áo trắng
lại tra khuy vàng ơi.
vào nhà chào em mặc áo vàng có hàng bồng trên núi
vào nhà chào em mặc áo cổ dài như trăng mới mọc...
Trong những đêm trăng và đêm hội làng, tiếng cồng, chinh lan rộng khắp núi rừng, từng tốp nam nữ hát đối đáp nhau, trao nhau lời thề, lời nguyện ước. Trong những đêm hội làng này, H'ri được sử dụng nhiều nhất:
Lời người con trai:
Ơi nàng...cây mít ra ngoài,
Cây xoài ra trái,
Con gái của ai?. ..
Nếu người con gái hát đối:
... Cây mít ra ngoài
Cây xoài ra trái
Con gái của làng...
thì người con trai có thể tự do tìm hiểu, đặt vấn đề vì người con gái đó chưa có người yêu. Nếu như người con gái hát:
... Cây mít ra ngoài
Cây xoài ra trái
Con gái của riêng...
thì biết người con gái đó đã có người yêu.
Trong tình yêu đôi lứa, có rất nhiều câu hát H'ri trữ tình:
Tình em ơi... em có nhớ anh không?
có khi nào nhớ ai ơi hầy
em ơi có khi nào em nằm chiêm bao thấy anh?...
Hoặc:
Ơi hầy... em ơi tìm anh
nghe tiếng con chim bồ chao
banh lá cây dưới đất
em tưởng tiếng chân anh
đi đến thấy bồ chao bay
chửi cha con chim bồ chao...
H'ri cũng là tiếng trách móc, lên án những kẻ bạc tình, bạc nghĩa. Một bài hát phản ánh nỗi đau của người vợ khi người chồng phụ rẫy:
Hầy anh ơi bạc ơn, bỏ nghĩa đôi ta
anh ơi! Mẹ già cha yếu
Anh ơi! Con còn nhỏ
Mẹ già, cha yếu
ai chăm sóc sau lưng ơi...hầy.
Do sự giao lưu văn hóa giữa ba dân tộc Chăm, Bana, Kinh mà trong làn điệu H'ri sau này người Chăm đã sử dụng một số nội dung văn học dân gian của người Kinh như hò đối đáp, ca dao, câu đố... Người con gái đố:
Hầy... ơi em nghe anh học hành có tài
Đố anh đếm hết chồi tranh trên đồi
Người con trai đáp:
Hầy em ơi! em về đếm hết cá dưới sông
lên đây anh đếm hết chồi tranh trên đồi, ơi hầy...
Người Chăm còn sử dụng hai nhạc cụ độc đáo nữa là sáo Chơlẹ và trống kơ toang để đệm lúc hát H'ri. Sáo Chơlẹ ngắn, có hai lỗ bấm, thường dắt theo lúc đi rừng. Trống kơ toang mang âm sắc dân tộc Chăm riêng biệt, dùng lúc hát H'ri đối đáp. Với cây đàn Pơró thì đã có một truyền thống gắn liền với hát H'ri. Đó là bài hát "Con cọp và tiếng đàn". Bài hát kể lại chuyện con cọp rình người coi rẫy. Đêm đêm người coi rẫy đem đàn Pơró ra gảy. Tiếng đàn đã ru được cọp. Từ đó, đêm nào cọp cũng ra nghe đàn và hát H'ri, lúc đi đã không quên cõng theo một con thú nhỏ như heo hoặc mang để trả ơn người gảy đàn. Khi người coi rẫy chết thì con cọp cũng chết theo. Câu chuyện ấy chứng tỏ rằng - tiếng đàn pơró có sức truyền cảm lạ lùng nhờ thông qua làn điệu H'ri trữ tình.
Dân ca Chăm là một kho tàng phong phú. Phải có những công trình sưu tầm nghiên cứu quy mô mới nói hết được. Trên đây chỉ là mấy nét giới thiệu sơ khởi về làn điệu H'ri, đặc biệt là sự gắn liền giữa nó và âm nhạc được thể hiện qua cây đàn pơró.
. Theo Văn nghệ Bình Định |