Bước đầu khai quật Tử Cấm Thành của thành Hoàng Đế:
Tìm thấy kiến trúc văn hóa thời Tây Sơn
10:51', 14/9/ 2004 (GMT+7)

Từ ngày 2-9, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Tổng hợp Bình Định tiến hành khai quật khu vực Tử Cấm Thành của thành Hoàng Đế (huyện An Nhơn). Chỉ sau hơn một tuần khai quật, đã xuất lộ một phần nền cung điện của vương triều Thái Đức Nguyễn Nhạc...

     Toàn cảnh hố khai quật

Tử Cấm Thành của thành Hoàng Đế được xây dựng bằng đá ong, theo hướng bắc nam, chiều dài 172m, chiều ngang 126m, diện tích hơn 21.600m2. Bước đầu, hố khai quật chỉ có diện tích 144m2, so với toàn bộ diện tích Tử Cấm Thành là khá nhỏ bé. Tuy vậy, có mặt tại hố khai quật sau hơn một tuần khai quật, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước những gì đã xuất lộ.

Từ trong hố khai quật, xuất lộ dấu vết kiến trúc của cung điện. Chỉ cách lớp đất bề mặt vài phân là lớp móng bằng đá ong. Những khối đá ong to, xây thành hai hàng, có lẽ là móng của một bức tường. Lớp đá ong này lại nằm đè trên một lớp kiến trúc khác. Lớp kiến trúc này xây hình bán nguyệt, khuôn viên đầu nền uốn cong kiểu cánh cung. Mảng tường xây hồ bán nguyệt khá dày, từ 70-90 cm. Tường xây bằng vôi vữa, chia thành từng lớp khá rõ. Trên tường có gắn những khối san hô nhỏ, có lẽ là để làm non bộ. Phía trong hồ thu được khá nhiều hiện vật, gồm ngói ống, mảnh chén bát, gạch. Nhiều nhất trong số này vẫn là gạch. Hàng trăm viên gạch, gạch Chăm có, gạch thời Tây Sơn có, nhưng tiếc là không viên nào còn nguyên vẹn. Đặc biệt, trên nền kiến trúc phía trên hồ bán nguyệt còn để lại lớp gạch lát nền. Gạch làm theo kiểu Bát Tràng nhưng có kích thước lớn hơn, có lẽ được sản xuất ngay tại địa phương. Theo nhận định của TS Đinh Bá Hòa (Bảo tàng Tổng hợp Bình Định), bước đầu cho thấy đây có thể là một phần kiến trúc của cung điện vương triều Thái Đức Nguyễn Nhạc.

Lớp đá ong xây đè lên lớp kiến trúc thời Tây Sơn

Sách Đồ Bàn thành ký của Nguyễn Văn Hiển chép: "Đến đời Tây Sơn Nguyễn Nhạc năm thứ 4, bèn nhận nơi đó (thành Đồ Bàn) mà đóng đô… chính giữa dựng điện bát giác, phía sau là điện chánh tẩm (phòng ngủ của vua) trước mặt có lầu bát giác (nay là miếu Chiêu trung), hai bên dựng hai nhà thờ, bên tả thờ tổ tiên ông Nhạc, bên hữu thờ tổ tiên bà Nhạc, trước lầu có cung Quyển bồng, hai bên có dãy hành lang là nơi làm việc". Còn theo GS Phan Huy Lê trong Di tích thành Hoàng Đế (trong: Tìm về cội nguồn - tập 1), có thể dựa vào những kiến trúc còn lại thời Nguyễn để xác định vị trí một số kiến trúc thời Tây Sơn. Cụ thể: lăng Võ Tánh xây dựng trên một khu đất hình bát giác, là di tích nền điện bát giác, đền thờ Võ Tánh là di tích lầu bát giác thời Tây Sơn. Trước lầu bát giác về phía nam có một nền đất hình chữ nhật nhân dân gọi đấy là nền chính cung, xưa có điện chính tẩm. Đối chiếu với những nhận định này, có thể thấy, dấu vết kiến trúc vừa phát hiện có thể chính là nền một phần kiến trúc cung điện, là nơi vua ở, nghỉ. Việc phát hiện hai tầng văn hóa trong một hố khai quật cho thấy, khi nhà Nguyễn tiêu diệt nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn đã phá hủy lớp văn hóa thời Tây Sơn và xây dựng công trình kiến trúc thời Nguyễn nằm chồng lên trên.

Việc xuất lộ một phần nền cung điện tại khu vực Tử Cấm Thành là một phát hiện rất có giá trị. Theo TS Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ học), Trưởng nhóm khai quật, thì: "Lâu nay khi nói đến nhà Tây Sơn chúng ta mới bàn đến những đóng góp của nhà Tây Sơn về thống nhất lãnh thổ, bảo vệ độc lập dân tộc, nhưng công trình kiến trúc văn hóa thời Tây Sơn thì có lẽ đây là lần đầu chúng ta phát hiện thấy dấu tích để lại trong lòng đất. Hơn nữa, công trình kiến trúc này lại nằm ngay chính trong lòng Tử Cấm Thành. Điều thú vị là công trình có niên đại hơn 200 năm này dấu vết hãy còn khá nguyên vẹn, nên mang giá trị lịch sử chân thực".

Hiện nay, cuộc khai quật đang tiếp tục được tiến hành. Từ phát hiện bước đầu này gợi mở nhiều hy vọng cho những phát hiện tiếp theo. Đây sẽ cơ sở để lập dự án phục hồi khu di tích quan trọng này.

. Lê Viết Thọ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
18 VĐV Bình Định được phong cấp kiện tướng quốc gia  (13/09/2004)
Cầu thủ hạng hai được gọi vào đội tuyển: Kế sách hay thử việc?  (13/09/2004)
Hát H'ri của dân tộc Chăm  (12/09/2004)
Hội An: Các giá trị phố cổ được tôn vinh   (10/09/2004)
Kết thúc Giải vô địch cờ vua trẻ truyền thống Đông Nam Á 2004: Việt Nam đoạt 15 HCV   (10/09/2004)
Chúng ta thua vì mất tập trung và lỗi cá nhân   (09/09/2004)
Khai quật Cung điện của Vương triều Thái Đức Nguyễn Nhạc   (09/09/2004)
Tại giải cờ vua trẻ Đông Nam Á 2004: Hy vọng một thành tích cho các kỳ thủ Bình Định   (08/09/2004)
Giải bóng đá U.20 Đông Nam Á 2004: Thái Lan vô địch, Việt Nam hạng nhì  (07/09/2004)
Sân khấu truyền thống: Cần được "tiếp thị"   (07/09/2004)
HLV Dương Ngọc Hùng được gọi vào đội tuyển lão tướng Việt Nam  (06/09/2004)
Trước trận gặp Hàn Quốc: Tuyển Việt Nam sẽ chơi quyết tâm   (06/09/2004)
Qua giải Võ cổ truyền các CLB tỉnh Bình Định năm 2004: Được và chưa được   (06/09/2004)
Thế vận hội dành cho người khuyết tật   (05/09/2004)
Thú chơi bài chòi   (05/09/2004)