Cửa Đông thành Bình Định sẽ xây dựng lại như thế nào?
13:56', 28/9/ 2004 (GMT+7)

Cửa Đông thành Bình Định (huyện An Nhơn) đã trở thành một phần ký ức tuổi thơ của không ít người dân An Nhơn. Nhắc đến cửa Đông cũng là nhắc đến một địa danh từng ghi dấu sự hình thành của Trường thơ Loạn và Nhóm thơ Bình Định. Dự án xây dựng cửa Đông thành Bình Định sẽ khởi công xây dựng trong thời gian tới.

Cửa Đông thành Bình Định trước đây

Theo dự án thì cửa Đông sẽ được xây dựng trên đường Lê Hồng Phong, thị trấn Bình Định (huyện An Nhơn), cách ngã tư Lê Hồng Phong- Mai Xuân Thưởng về phía Tây khoảng 100m. Đây là địa điểm gần nhất với vị trí cổng thành cũ và cũng là nơi bắt đầu vào trung tâm hành chính của huyện An Nhơn hiện nay.

Tổng mức đầu tư của dự án là 2,945 tỉ đồng. Theo thiết kế của Trung tâm Quy hoạch Xây dựng (Sở Xây dựng), một thiết kế được chọn trong số 7 thiết kế của 4 đơn vị gửi về, công trình sẽ có chiều cao 19,45m, ngang 32,5m, trong đó cửa dưới lòng cổng thành (đường Lê Hồng Phong chạy ngang qua) rộng 17,5m. Vòm cổng được ốp đá granite màu xám nhạt, trên có bảng đá granite đề chữ: Cửa Đông thành Bình Định. Ngoài nhiệm vụ của một cổng chào thị trấn (được khẳng định trong bản dự án đã được phê duyệt), không gian trống ở tầng 4 còn được tận dụng làm hội quán người cao tuổi, phần sân thượng dùng làm lầu vọng cảnh vừa là nơi vui chơi, vừa tạo không gian thư giãn, hoài niệm. Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành vào tháng 3-2005.

* Cửa Đông - cổng chào thị trấn?

KS Nguyễn Đức Điềm, Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng huyện An Nhơn, cho biết: "Chúng tôi đã bàn đi tính lại rất nhiều lần và quyết định không thể phục dựng cửa Đông như ảnh cũ còn lại. Trước đây, cửa Đông chỉ có chiều ngang 3m, cao 4,5m không phù hợp với trục đường giao thông hiện nay và không mang tính hiện đại nên sẽ làm phá vỡ không gian kiến trúc và sự phát triển đô thị An Nhơn trong tương lai".

Mô hình cửa Đông thành Bình Định sẽ được xây dựng

Tuy nhiên, thiết kế xây dựng lại cửa Đông như thế nào cũng cần được cân nhắc. Theo như bản vẽ mô hình thiết kế thì sau khi xây dựng, công trình này mang dáng dấp là một cổng chào như bất cứ cổng chào nào khác. Dùng hệ kết cấu bê tông cốt thép chịu lực, sàn bê tông cốt thép, tường bên ngoài và bên trong công trình xây gạch rỗng 6 lỗ dày 200mm, sơn nước bên ngoài, vật liệu nền, sàn bằng đá granite, gạch ceramic, gạch tàu... nên ấn tượng chung là công trình còn khá nặng nề. Chỉ riêng cột, khung kèo lầu vọng cảnh cũng được làm bằng bê tông cốt thép nhưng có sơn giả gỗ, phần mái được lợp bằng ngói lưu ly và những lam hoa bê tông tráng men màu trắng ở mặt trước là có dáng nét truyền thống. Đây là một công trình cao có khối tích lớn, do đó nếu xung quanh không được giải tỏa rộng sẽ không tạo được không gian và những góc nhìn đẹp cho công trình. Tuy nhiên do thiếu kinh phí nên trước mắt huyện chỉ đầu tư xây dựng công trình mà chưa thể tạo không gian xung quanh quảng trường. Chắc chắn mục tiêu tạo thẩm mỹ cho thị trấn Bình Định như trong dự án khó đạt được trọn vẹn.

* Nên lấy ý kiến nhân dân rộng rãi hơn

Từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 9, bảng vẽ mô hình theo thiết kế được chọn đã được công khai để lấy ý kiến nhân dân. Tuy nhiên, theo ông Điềm thì ngoài ý kiến đóng góp của các vị nguyên là lãnh đạo huyện, còn lại hầu như không người dân nào gửi góp ý. Phải chăng người dân thị trấn Bình Định không quan tâm đến công trình này? Có điều đáng nói là tấm bảng thiết kế dựng trước Trường Chính trị huyện chỉ to cỡ… cái mặt bàn vi tính, rất khó thu hút được sự chú ý của người dân; ấy là chưa kể còn việc thông báo như thế nào, hộp thư nhận góp ý được đặt ở đâu cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Cửa Đông thành Bình Định là một công trình mang nhiều ý nghĩa lịch sử, văn hóa. Công trình này sẽ được xây dựng lại như thế nào? Thiết kế ra sao?… Những vấn đề này không chỉ thu hút sự quan tâm của riêng người dân thị trấn Bình Định mà còn là của người Bình Định nói chung. Do vậy, thiết nghĩ việc trưng cầu ý kiến cần tiến hành rộng rãi hơn.

. Lê Viết Thọ

 

* Thành Bình Định

Năm Gia Long thứ 12 (1814), thành Bình Định được di dời vào phía nam, xây dựng tại hai làng Liêm Trực và An Ngãi (nay thuộc thị trấn Bình Định). Thành dựa lưng vào núi Mò O, xa xa là dãy núi Bà, có hòn Vọng Phu phía đông bắc, dãy Sơn Triều làm tiền án ở mặt nam; lại có hai nhánh sông Nam Phái (còn gọi là sông Tân An, sông Trường Thi) và Trung Phái (còn gọi sông Gò Chàm) của sông Kôn chảy hai bên làm thành thế Tứ thủy triều qui. Thành có diện tích gần 100ha, chu vi hơn 4km. Tường thành cao hơn 5m, dày 1m, chân tường dày 10m. Thành có 4 cửa mở theo 4 hướng: Đông, Tây, cửa Tiền và cửa Hậu, mỗi cửa có một vọng lầu gác. Cửa thành xây hình bán nguyệt, rộng 4m, cao 5m, mỗi cửa có hai cánh bằng gỗ tốt dày. Thành tồn tại 132 năm, suốt 13 đời vua Nguyễn. Năm 1946, do tiêu thổ kháng chiến, thành bị phá, nhưng trong ký ức mỗi người Bình Định, ai cũng nghĩ đó là một di tích lịch sử - văn hóa vì nó tốn bao công sức, cả máu và nước mắt người dân.

 

* Cửa Đông trong hồi ức

Những khi khách du quan đi ngang qua phạm vi thành Bình Định, nhìn thấy lầu cửa Đông cũ kỹ, không khỏi nhớ đến hai nhà thơ sanh trưởng ở Bình Định và đã dùng tòa lầu cửa Đông làm lầu thơ: Chế Lan Viên và Yến Lan. Chế Lan Viên với tập Điêu tàn làm lúc mới 17 tuổi (1937) và tập Vàng sao xuất bản năm 1942, đã làm cho làng văn thơ Việt Nam lưu tâm đến Bình Định. Và Yến Lan, một đợt sóng thứ hai làm vang dội tên Bình Định bằng bài thơ Bình Định. (Quách Tấn)

 

Sống giữa lòng Bình Định, những chiều hiu hiu nắng quái, tôi và Chế Lan Viên thường lên lầu cửa Đông mà hai đứa tôi gọi là lầu tư tưởng, phóng tầm mắt nhìn bao quát thị trấn, rồi vọng đến những chân trời xa tắp, lòng ngậm ngùi cho mảnh đất quê hương đã trải qua lắm cuộc đổi thay. (Yến Lan)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Sôi nổi bóng đá phong trào TP Quy Nhơn   (27/09/2004)
Vì đâu một "thủ môn quốc gia" trở thành thợ hớt tóc?   (27/09/2004)
Trận chung kết VN - Porto B lúc 19h50 ngày 26-9: Kỳ phùng địch thủ  (26/09/2004)
Trước lượt trận thứ 2 AGRIBANK Cup: Đội tuyển Việt Nam nhọc nhằn vượt dốc   (24/09/2004)
Agribank Cup 2004: Việt Nam thắng Thái Lan 2-1   (24/09/2004)
Hoa Lâm Bình Định với mục tiêu kéo khán giả đến sân   (22/09/2004)
Các dự án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Bình Định   (21/09/2004)
AGRIBANK Cup: Thêm một liều thuốc cho đội tuyển Việt Nam   (20/09/2004)
Hai gương mặt VĐV xuất sắc của võ đường Nguyễn Đức Thắng  (19/09/2004)
Hoa Lâm Bình Định thay "tướng"  (19/09/2004)
Văn hóa làng và làng văn hóa ở An Nhơn   (16/09/2004)
Ông Arjhan làm HLV trưởng đội Hoa Lâm Bình Định   (16/09/2004)
Phải xây dựng "nền móng" bóng đá vững chắc  (15/09/2004)
Kết thúc vòng loại Giải bóng đá U21 Báo Thanh Niên: U21 Bình Định sớm chia tay   (15/09/2004)
Tìm thấy kiến trúc văn hóa thời Tây Sơn  (14/09/2004)