Vào thời điểm cuối tháng 12 và tháng 1, trong khi sân cỏ nhiều nơi trên thế giới khá yên lặng thì khu vực Đông Nam Á sôi động hơn nhờ Tiger Cup 2004.
|
Trận Việt Nam thắng Lào 3-0 tại Tiger Cup 2004 |
Cũng nhờ thành công ở giải này, thứ bậc của Singapore tăng cao nhất: 8 bậc (xếp hạng 104, 460 điểm). Tuy nhiên, Thái Lan vẫn dẫn đầu khu vực dù rớt 1 bậc (hạng 80, 525 điểm). Điều khá ngạc nhiên là Indonesia dù lọt vào trận chung kết Tiger Cup nhưng họ không tăng bậc nào (vẫn xếp hạng 91 với 505 điểm). Với 465 điểm, Việt Nam đã tăng 1 bậc (lên hạng 102).
Ngoài Singapore, Malaysia cũng tăng bậc đáng kể: 6 bậc (hạng 114, 432 điểm). Nhưng khó hiểu nhất có lẽ là trường hợp của Myanmar. Tuy chơi khá thành công ở Tiger Cup (vào bán kết) nhưng họ rớt 3 bậc (hạng 147).
Vị trí từ hạng 6 đến hạng 10 của Đông Nam Á là: Lào (hạng 162), Campuchia (hạng 184), Philippines (hạng 187), Brunei (hạng 199). Riêng trường hợp của Đông Timor, FIFA vẫn chưa xếp hạng dù họ đã thi đấu ở Tiger Cup 2004.
Ở châu Á, tuy tụt hai bậc (hạng 19) nhưng Nhật Bản tiếp tục dẫn đầu khu vực. Vị trí của Iran vẫn không đổi (hạng 20) trong khi Hàn Quốc tăng 1 bậc (hạng 21). Những quốc gia khác của châu Á xếp trong tốp 50 của bảng xếp hạng này là Saudi Arabia (hạng 30, tụt 2 bậc), Jordan (hạng 40), Iraq (hạng 44), Uzbekistan (hạng 47) và Bahrain (hạng 50).
Trong khi đó, 10 vị trí dẫn đầu của bảng xếp hạng FIFA không thay đổi với Brazil vẫn xếp số 1 (842 điểm), kế tiếp là Pháp (791 điểm), Argentina (785 điểm), CH Séc (777 điểm), Tây Ban Nha (764 điểm), Hà Lan (757 điểm), Mexico (753 điểm), Anh (751 điểm), Bồ Đào Nha (747 điểm) và Italia (738 điểm). Trong tốp 20 quốc gia dẫn đầu, Đức có thứ bậc tăng cao nhất: 3 bậc (hạng 16). Đó là nhờ chuyến du đấu châu Á khá thành công của họ trong giai đoạn nghỉ đông.
. Theo SGGP |