Trong hai ngày mùng 4 và mùng 5 Tết Giáp Thân (tức 25 và 26-1-2004), Lễ hội (LH) kỷ niệm 215 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2004) sẽ được tổ chức. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về quy mô LH này, cũng như các công tác chuẩn bị cho LH, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Văn Trọng Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, Trưởng ban Tổ chức LH.
- Ngoài việc ôn lại truyền thống quật khởi của phong trào nông dân Tây Sơn và tinh thần bách chiến, bách thắng của Quang Trung - Nguyễn Huệ, thông qua việc tổ chức LH này, chúng ta còn muốn giới thiệu Bảo tàng Quang Trung là một điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh và quốc gia. Để thực hiện mục tiêu này, việc tổ chức LH năm nay có gì khác so với các năm?
+ Theo chủ trương của tỉnh, LH lần này sẽ được tổ chức một cách quy mô, hoành tráng, trang trọng, đúng tầm vóc của phong trào nông dân Tây Sơn và người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ cũng như của triều đại Tây Sơn. Ngoài lễ dâng hương được tổ chức theo đúng nghi lễ truyền thống, ngay từ sáng mùng 4 tết, trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung diễn ra các cuộc thi văn hóa dân gian: đấu võ đài, thi trạng nguyên, giới thiệu sách viết về phong trào Tây Sơn, Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ và biểu diễn võ thuật truyền thống đặc sắc, tạo không khí sôi động cho LH. Tối mồng 4, tại cầu Kiên Mỹ đến trước sân Bảo tàng Quang Trung, sẽ có một chương trình văn nghệ với chủ đề "Mừng Đảng quang vinh - Mừng xuân thịnh vượng" và hát hò đối đáp trên sông. Đến 22giờ30, sẽ thả khoảng 2.000 đến 3.000 đèn hoa trên sông và bắn pháo hoa vào 23giờ. Ngày mồng 5 tết, tại Sân vận động Phú Phong, sẽ tổ chức lễ mit tinh và phần hội được sân khấu hóa, gồm 5 chương, tái hiện quá trình từ dựng cờ khởi nghĩa, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, hành binh thần tốc - đại phá quân Thanh, khải hoàn - đại thắng mùa xuân Kỷ Dậu, tiếp bước Quang Trung - Bình Định tiến vào công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Phần này sẽ huy động 1.800 diễn viên, học sinh và 4 con voi thật đến từ Daklak. Ngoài ra, trong khuôn khổ LH, còn có các hoạt động ẩm thực, biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật Đam San (Gia Lai) và Đoàn Nghệ thuật Truyền thống Huế.
- Đã có khá nhiều LH kỷ niệm được tổ chức rầm rộ gần đây tại các tỉnh, thành trong cả nước, tốn kém mà không hấp dẫn được bao nhiêu người xem, LH của chúng ta làm sao để tránh lối mòn và có sức hấp dẫn người xem, thưa ông ?
+ Đây là vấn đề chúng tôi rất quan tâm và nghiên cứu kỹ. Ngoài tính chất hoành tráng, LH lần này còn phải mang đậm chất văn hóa truyền thống Bình Định. Lồng vào trong các hoạt động của LH như đã được tôi nêu một cách vắn tắt như trên, chúng tôi còn có ý muốn "khoe" cái hay, cái đẹp của văn hóa truyền thống Bình Định. Chẳng hạn, hát hò đối đáp và thả đèn hoa trên sông, chính là cơ hội để giới thiệu những làn điệu dân ca Khu V, Bình Định và nét sinh hoạt văn hóa dân gian của người Bình Định. Phần này sẽ do Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định đảm trách. Hay như trong phần hội được sân khấu hóa, nhiều nét đặc sắc rất riêng của Bình Định sẽ được đưa vào. Nếu chương "Dựng cờ khởi nghĩa", ta "khoe" cái hay, cái độc đáo của võ Bình Định và tinh thần thượng võ của người Bình Định; rồi chương "Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế", bằng nghệ thuật tuồng, tái hiện lại quang cảnh lên ngôi của Quang Trung là cách để giới thiệu về nghệ thuật hát bội Bình Định; thì chương "Hành binh thần tốc" và "Khải hoàn" cũng sẽ đưa những vũ điệu đặc sắc của tuồng, của ca kịch bài chòi vào. Đậm chất Bình Định là vậy. Nhưng không chỉ có thế. Việc Bình Định mời Đoàn Nghệ thuật Đam San và Đoàn Nghệ thuật Truyền thống Huế tham gia vào phần hội, vừa nhấn mạnh được tầm vóc của phong trào Tây Sơn, vừa góp phần tạo thêm không khí cho LH và cũng rất có ý nghĩa vì hai đoàn nghệ thuật này ở hai vùng đất có nhiều gắn bó với sự nghiệp của Quang Trung. Bên cạnh phần hội như vậy, còn có thêm ngôi nhà sàn do tỉnh Gia Lai tặng; các đầu sách về phong trào Tây Sơn và Quang Trung - Nguyễn Huệ được tái bản trong dịp này; rồi hàng lưu niệm với những mẫu mã mới… Ngay cả một số hiện vật bên trong Bảo tàng Quang Trung cũng được nâng cấp. Các hoạt động như ẩm thực, trò chơi dân gian, cũng góp phần tạo không khí sôi động và sức hút cho LH lần này.
- Hiện nay, các công việc chuẩn bị cho LH đã tiến hành đến đâu, thưa ông?
+ Tất cả các công việc nói trên đang được tiến hành một cách khẩn trương. Các đầu sách đang chuẩn bị in, voi đã ký hợp đồng thuê ở Daklak trong tuần này, hai đoàn nghệ thuật ở hai tỉnh bạn đã đồng ý tham gia, đạo diễn NSND Đặng Hùng đã thống nhất về kịch bản và tháng 12 sẽ khởi tập chương trình, tỉnh cũng có văn bản đề nghị với Đài Truyền hình Việt Nam tường thuật trực tiếp LH… Chúng tôi sẽ huy động toàn lực của Sở Văn hóa - Thông tin và các đơn vị trực thuộc tham gia, các đơn vị chịu trách nhiệm cho những đầu việc cụ thể. Tinh thần chung là "thần tốc" và ngành văn hóa sẽ phải ăn tết muộn, mồng 8, mồng 9 mới ăn tết.
Tất nhiên, để LH được tổ chức thành công, chúng tôi rất mong nhận được sự phối hợp, hỗ trợ của các cấp, các ngành.
- Xin cảm ơn ông!
. KHẢI NHÂN (Thực hiện) |