Đại Học Quy Nhơn sẽ ngày càng vươn lên xứng đáng với tầm vóc mới
10:59', 6/11/ 2003 (GMT+7)

Trường ĐHQN

Ngày 30-10-2003, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 221/2003/QĐ-TTg về việc đổi tên Trường ĐHSP Quy Nhơn thành Trường Đại học Quy Nhơn. Theo quyết định này, Trường Đại học Quy Nhơn là cơ sở đào tạo đại học, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, có nhiệm vụ: đào tạo giáo viên trình độ đại học và từng bước mở thêm các ngành nghề đào tạo phù hợp với khả năng của trường và nhu cầu nhân lực xã hội; nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Đêm 4-11, BÌNH ĐỊNH ĐIỆN TỬ đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Tín Kiệt, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Quy Nhơn, trước khi ông đi công tác Hà Nội, xung quanh sự kiện có ý nghĩa quan trọng này.

- Như vậy là sau bao nhiêu năm phấn đấu và chờ đợi, nay mong ước chuyển Trường ĐHSP Quy Nhơn thành Đại học Quy Nhơn (ĐHQN) đã trở thành hiện thực. Xin chúc mừng tin vui này của nhà trường. Theo ông, xuất phát từ tình hình thực tế nào để có sự chuyển đổi này?

+ Trước hết, có thể nói rằng đây là bước chuyển biến quan trọng trong lịch sử phát triển của nhà trường. Trường ĐHSPQN trước đây, kể từ khi thành lập, được Nhà nước giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên bậc PTTH cho các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Nhưng cũng từ đó đến nay, trước nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phong phú, đa dạng, thích ứng với sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, cũng như để giải quyết những đòi hỏi bức xúc về nhu cầu học vấn của con em các tỉnh trong khu vực, nhất là đối với những ngành nghề đặc thù, đòi hỏi các em phải đi khá xa mới có điều kiện học tập; mặt khác, cho tới thời điểm này, nhu cầu đào tạo giáo viên nhìn chung cũng đã đáp ứng được cơ bản, do vậy việc chuyển đổi mục đích đào tạo, loại hình đào tạo, các phương thức đào tạo của Trường ĐHSPQN đã trở nên hết sức cấp bách. Do đó, từ những năm trước đây, cán bộ, giảng viên, CNV nhà trường, dưới sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng đã từng bước vận động và chuyển mình để đáp ứng nhu cầu đào tạo đặt ra. Từ chỗ trường chỉ đào tạo một số ngành sư phạm, đến nay, trường đã đào tạo được trên 30 ngành thuộc các nhóm: sư phạm, khoa học xã hội-nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kinh tế và kỹ thuật công nghệ. Đây là một trong những điều kiện cần thiết để chuyển đổi Trường ĐHSPQN thành ĐHQN...

- Như vậy, có thể nói, để có được sự chuyển đổi quan trọng như hôm nay, nhà trường đã có một bước chuẩn bị khá kỹ...

+ Quả đúng như thế! Để trở thành ĐHQN theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là cả một thời gian dài phấn đấu của toàn trường. Trường đã hết sức cố gắng trong khâu xây dựng, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên, và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật để phục vụ cho công tác đào tạo, đồng thời cũng có nhiều cố gắng trong việc xây dựng chương trình giảng dạy, cải tiến chương trình và các quá trình đào tạo. Từ chỗ trước đây chúng tôi chỉ thực hiện đào tạo bằng phương thức liên kết với các trường trong cả nước đối với những ngành nghề mà bản thân Trường ĐHSP chưa tự lực đào tạo được, thì cho tới hiện nay, phần lớn các ngành này, nhà trường đã đảm nhận đào tạo một cách vững chắc và có chất lượng. Nếu như trước đây, khi mở ra các ngành đào tạo mới, đều phải phối hợp với các trường trong việc điều động giáo viên đến dạy, thì hiện nay phần lớn các bộ môn cơ bản, các bộ môn chuyên ngành, nhà trường đều đã có thể đảm nhận. Quá trình này diễn ra khá dài và chúng tôi chuẩn bị từng bước vững chắc, không vội vàng.

- Vậy, mô hình đào tạo của ĐHQN trong thời gian trước mắt sẽ như thế nào? Và để thực hiện được mô hình đó thì nhà trường cần giải quyết những vấn đề gì?

+ Trước mắt, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhà trường có 2 nhiệm vụ quan trọng. Thứ nhất là đào tạo giáo viên như trước đây. Bên cạnh đó, nhà trường còn có nhiệm vụ xây dựng và phát triển các ngành nghề đào tạo thích ứng với yêu cầu của kinh tế-xã hội của các tỉnh trong khu vực cũng như trong cả nước. Như đã nói, vế thứ 2 của nhiệm vụ này, nhà trường đã từng làm và sẽ tiếp tục làm. Cụ thể trong tương lai, chúng tôi sẽ xây dựng những ngành nghề đào tạo mới, những khoa mới trong nhà trường. Đơn cử như khoa Y, khoa Nông lâm, và một số các khoa đặc thù khác để tạo ra tính đa dạng, cũng như tạo ra khả năng cung ứng nguồn nhân lực một cách tốt nhất cho các lĩnh vực kinh tế-xã hội của địa phương.

Nhiệm vụ thứ 2 cũng là nhiệm vụ rất quan trọng, đó là công tác nghiên cứu khoa học, đem tiến bộ KHKT ứng dụng vào đời sống kinh tế xã hội của địa phương và của đất nước. Với tiềm năng và đội ngũ khoa học mà nhà trường hiện có (45 tiến sĩ, 150 thạc sĩ, và trong tương lai gần, số tiến sĩ có thể lên tới hàng trăm), chúng tôi hy vọng rằng với sự nỗ lực của toàn trường, cũng như sự cộng tác của các ngành, đặc biệt các cán bộ KHKT của các địa phương, ĐHQN sẽ có nhiều công trình khoa học ứng dụng vào thực tiễn, từng bước đưa khoa học công nghệ của khu vực ngày càng phát triển, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, cũng như giải quyết các vấn đề về kinh tế-xã hội đang đặt ra bức xúc hiện nay.

Để thực hiện tốt những nhiệm vụ này, trước mắt chúng tôi tập trung vào một số công việc chủ yếu như: Tiếp tục tăng cường việc xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, vì chúng tôi nhận thức rằng đội ngũ cán bộ, nhất là giảng viên là yếu tố quyết định cho chất lượng đào tạo. Phải từng bước xây dựng cơ sở vật chất ngày càng hiện đại, đáp ứng được nhu cầu mở rộng các ngành nghề đào tạo, các loại hình đào tạo. Có nghĩa là phải đầu tư một nguồn kinh phí khá lớn cho trang thiết bị, cho việc ăn ở, học tập của sinh viên, và điều kiện giảng dạy của giảng viên. Chúng tôi hy vọng rằng trong tương lai với sự động viên khích lệ của Đảng và Nhà nước bằng Quyết định đổi tên trường vừa qua, sự giúp đỡ của nhân dân trong khu vực, đặc biệt là sự quan tâm của tỉnh Bình Định, nơi nhà trường đứng chân, và với sự nỗ lực của toàn trường, ĐHQN sẽ vươn lên, đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực mà đất nước đòi hỏi trong sự nghiệp CNH-HĐH hiện nay.

- Xin cám ơn ông. Và chúc cho ĐHQN sẽ ngày càng vươn lên, xứng đáng với tầm vóc mới của mình.

. KHÁNH HOÀNG (thực hiện)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Liên hoan Du lịch Hà Nội 2003 là cơ hội để Vietravel quảng bá các tour du lịch lễ hội Tây Sơn  (03/11/2003)
"Lễ hội kỷ niệm 215 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa sẽ hoành tráng, đậm chất Bình Định"  (30/10/2003)
VCB-QN sẽ giúp khách hàng cùng ngân hàng tiếp tục phát triển trong quá trình hội nhập   (28/10/2003)
Chúng tôi sẽ cố gắng mở lại tuyến bay Quy Nhơn - Đà Nẵng trong thời gian sớm nhất   (28/10/2003)
Tăng cường cán bộ cấp tỉnh, huyện, thành phố xuống chỉ đạo phong trào cấp cơ sở  (19/10/2003)
Sức ép từ thi lấy giấy phép lái xe mô tô đã giảm   (08/10/2003)
Nghĩ về bảo tồn, chấn hưng và phát triển văn hóa dân gian ở Bình Định   (06/10/2003)
Đại hội lần này sẽ tìm ra những phương thức phù hợp để công tác đào tạo, bồi dưỡng có hiệu quả và chất lượng hơn...   (29/09/2003)
Triển khai dự án sân khấu học đường đang có nhiều thuận lợi  (26/09/2003)
Các phương án Tìm kiếm - Cứu nạn trên biển đang được tích cực triển khai   (25/09/2003)
Phường Quang Trung đã sẵn sàng đón tiếp bà con đến tái định cư   (24/09/2003)
Việc giữ xe tại nhà là một giải pháp mở, mang tính nhân văn   (16/09/2003)
Ở Bình Định đã ngày càng xuất hiện khá nhiều mô hình cho thu nhập trên 50 triệu đồng/ha/năm   (12/09/2003)
Tình trạng nghẽn mạch của mạng Vinaphone sẽ được khắc phục vào cuối tháng 9   (10/09/2003)
Trại viết Văn nghệ Dân gian Việt Nam lần thứ VII -2003 đã thành công ngoài dự kiến   (08/09/2003)