Ngày 6-11-2003, UBND tỉnh Bình Định tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện chỉ thị số 57-CT/TW ngày 10/10/2000 của Bộ Chính trị "về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân" trên địa bàn tỉnh. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngoạn về hiệu quả hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) ở Bình Định.
- Thưa ông! Sau một thời gian chấn chỉnh, củng cố, có thể nói đến nay hệ thống QTDND ở Bình Định đã hình thành và từng bước đi vào hoạt động có hiệu quả. Vậy, đánh giá chung nhất về hiệu quả hoạt động của hệ thống QTDND ở Bình Định trong thời gian qua, theo ông, là như thế nào?
+ Trong 3 năm qua, tỉnh Bình Định đã xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai củng cố, chấn chỉnh hoạt động của các QTDND, xác định trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành chức năng trong công tác này, nhờ đó, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 27 QTDND cơ sở và hình thành QTDND Trung ương Chi nhánh tại Bình Định. Qua thực tế hoạt động của QTDND trên địa bàn tỉnh kể từ sau khi thực hiện Chỉ thị số 57 Bộ Chính trị, có 2 vấn đề lớn nổi lên: Thứ nhất là nhìn chung sự hoạt động của hệ thống QTDND ở Bình Định là sáng sủa, xu thế chung là phát triển bền vững và lành mạnh, thể hiện ở chỗ, qua 3 năm hình thành và hoạt động thì tổng số thành viên, vốn điều lệ, dư nợ đều tăng lên, và đặc biệt tình trạng nợ xấu là không đáng kể. Có những QTD trước đây tưởng rằng tan rã, nhưng đến nay cũng đã trở nên hoạt động tốt, chẳng hạn như QTDND Tây Vinh (Tây Sơn). Có thể nói, đây là một trong những kênh tín dụng quan trọng ở cơ sở, góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp, giải quyết lao động và tăng thu nhập cho nhân dân ở khu vực nông thôn. Mặc dù lãi suất vay của hệ thống QTD này cao hơn, nhưng nó gần gũi, thiết thực với nông dân, do đó được nông dân đồng tình, ủng hộ và cũng vì vậy, ngược lại, nó cũng giúp cho nông dân có vốn để phát triển sản xuất nông nghiệp. Tôi có thể nêu vài con số để minh chứng: Đến nay, 27 QTDND cơ sở tại Bình Định có hơn 41.800 thành viên tham gia, bình quân mỗi quỹ có 1.550 thành viên. Tổng nguồn vốn hoạt động hơn 147,5 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 22%/năm. Tính đến ngày 30-9-2003, tổng dư nợ của hệ thống QTDND toàn tỉnh hơn 128 tỷ đồng, tăng bình quân 23,8%/năm, tất cả các Quỹ đều hoạt động có lãi... Thứ 2 là hoạt động lành mạnh và có hiệu quả của hệ thống QTDND đã minh chứng cho kết quả việc thực hiện Nghị quyết 13 của BCHTƯ Đảng (khóa VIII) về việc củng cố và phát triển kinh tế hợp tác.
- Vậy, thưa ông, bên cạnh những thuận lợi trong chủ trương và các cơ chế chính sách đối với QTDND, hiện nay còn có những vướng mắc gì?
+ Đối với hoạt động của QTDND, chúng ta có một hệ thống chính sách khá đầy đủ và nhiều văn bản liên quan khác trong vấn đề triển khai thực hiện cụ thể. Đó là cơ sở để kinh tế hợp tác, đặc biệt là QTD, có điều kiện phát triển. Tuy nhiên, nằm trong tình hình chung của kinh tế hợp tác, thì hoạt động của QTDND cũng còn nhiều vướng mắc như các lĩnh vực kinh tế hợp tác khác thường mắc, trong đó vướng nhiều nhất là về thuế, và đặc biệt là trong các quan hệ tín dụng. Mặc dù vậy, tôi cho rằng, riêng lĩnh vực QTDND thì thuận lợi vẫn là cơ bản, còn vướng mắc thì không nhiều lắm, mà nếu có sự quyết tâm như trong thời gian qua, thì chúng ta có thể phát triển thêm đối với hệ thống QTDND, trên cơ sở đó sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn của nhân dân nói chung và đặc biệt là khu vực nông thôn nói riêng.
- Theo ông, có những định hướng, những giải pháp như thế nào để phát triển hệ thống QTDND ở Bình Định trong thời gian tới?
+ Có mấy việc cần quan tâm. Đối với các QTDND hiện có, cần duy trì và phát huy những mặt tích cực như lâu nay để phát triển thêm thành viên, huy động thêm vốn, mở rộng việc cho vay để có thêm nhiều nông dân được vay vốn. Đồng thời, bản thân các QTD này cần thấy được những nhược điểm của mình, nhất là về đội ngũ cán bộ. Cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện một cách bài bản, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ để có thể quản lý nguồn vốn lớn hơn.
Trước đây chúng ta còn ngần ngại trong việc mở rộng hệ thống QTD, nhưng theo tinh thần Chỉ thị số 57 của Bộ Chính trị và gần đây, theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã cho phép mở rộng việc thành lập các QTDND ở những nơi có điều kiện, có nhu cầu. Vì vậy, ở Bình Định, theo tôi, có 2 xu hướng: Một là đối với những nơi chưa có QTDND, nếu thực sự đủ điều kiện và có nhu cầu, thì chúng ta vẫn cho phép thành lập. Thứ hai, thực tế cho thấy rằng hoạt động của QTDND an toàn nhất là chỉ trên địa bàn một xã, một phường, trong khi hiện nay phần lớn các QTDND ở Bình Định đều hoạt động trên phạm vi nhiều xã. Vì vậy, đối với các QTD này, chúng ta có thể tách ra, thành lập thêm các QTDND khác để dần dần hình thành xu thế mỗi QTDND chỉ hoạt động trên địa bàn một xã, một phường mà thôi nhằm bảo đảm tính an toàn và hiệu quả trong hoạt động của quỹ.
- Xin cám ơn Phó Chủ tịch.
. KHÁNH HOÀNG (thực hiện) |