Phong trào chăn nuôi bò sữa ở tỉnh Bình Định thời gian qua phát triển khá mạnh, nhiều mô hình chăn nuôi đã mang lại hiệu quả khá cao, tăng thu nhập đáng kể cho kinh tế hộ gia đình. Tuy nhiên bên cạnh nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả vẫn còn một số nơi chăn nuôi bò sữa vẫn chưa thành công. Chúng tôi đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc Sở NN và PTNT Bình Định về vấn đề này.
- Thưa ông, hiện nay vẫn còn không ít hộ chăn nuôi bò sữa chưa đạt hiệu quả, thậm chí bị thua lỗ, vậy đâu là nguyên nhân?
+ Nhìn chung trong thời gian qua phong trào chăn nuôi bò sữa ở tỉnh Bình Định có chiều hướng phát triển tốt, nhiều mô hình, hộ chăn nuôi đạt hiệu quả khá cao. Tuy nhiên, vẫn còn một số mô hình phát triển chưa được tốt là do một số nguyên nhân sau: Thứ nhất, người chăn nuôi bò sữa chưa nắm bắt kỹ thuật chăn nuôi một cách đầy đủ, các quy trình kỹ thuật chăm sóc từ các khâu như chọn con giống, thức ăn... chưa được tốt. Tất nhiên, trách nhiệm này ngành Nông nghiệp cũng có một phần vì chưa tập huấn kỹ cho nông dân. Vấn đề thứ hai dẫn đến chăn nuôi bò sữa thất bại là do khâu giải quyết thức ăn của các hộ chăn nuôi chưa tốt. Thức ăn cho bò sữa ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của bò, trong đó kể cả về thức thô và thức ăn tinh, người chăn nuôi cần phải nắm quy trình, khẩu phần thức ăn một cách khoa học. Vấn đề thứ ba là về kỹ thuật chăm sóc thú y, nhiều nơi vẫn chưa làm tốt nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển bò sữa.
- Nhiều hộ chăn nuôi bò sữa cho rằng lực lượng thú y của tỉnh chưa làm tốt việc chăm sóc thú y cho nên đã để xảy ra một vài sự cố đáng tiếc…
+ Vâng! Đúng là lực lượng cán bộ thú y ở Bình Định hiện nay về khả năng, trình độ kỹ thuật chăm sóc bò sữa, có mặt nào đó chưa nắm bắt đầy đủ. Tiến bộ KHKT trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa luôn luôn có kỹ thuật mới, trong khi đó anh em ở cơ sở vì điều kiện nắm bắt thông tin còn khó khăn nên đã để xảy ra một số sự cố đáng tiếc. Tuy nhiên, nói là lực lượng thú y chưa làm tốt trách nhiệm của mình cũng chưa đúng, vì thời gian qua họ đã có nhiều cố gắng trong việc giúp đỡ, hỗ trợ cho nông dân phát triển chăn nuôi bò sữa.
- Vừa qua ở Nhơn Khánh (An Nhơn) xảy ra vụ việc: một số con bò sữa đang có chửa nhưng cán bộ thú y của tỉnh phát hiện bị nhiễm bệnh và cho tiêm kháng sinh điều trị, dẫn đến kết quả một số con bị sẩy thai. Nông dân cho rằng trách nhiệm này là do cán bộ thú y. Ông có ý kiến thế nào về vấn đề này?
+ Trên phương diện quản lý thú y thì cán bộ thú y không có lỗi trong việc này, vì pháp lệnh về thú y đã quy định rất rõ ràng khi phát hiện bò nhiễm bệnh thì phải điều trị. Do vậy, đối với những con bò bị bệnh thì đòi hỏi phải sử dụng các giải pháp kỹ thuật để xử lý chứ không nên chủ quan cho rằng nó sẽ qua khỏi, như vậy sẽ dẫn đến những thiệt hại lớn hơn về sau này. Trong công tác khoa học và những quy định của nhà nước cũng không cho phép làm như vậy.
- Như vậy, "dồn" hết trách nhiệm cho lực lượng thú y là không đúng?
+ Vâng! Pháp lệnh thú y quy định rất rõ về việc nhập bò giống, con giống với các điều kiện rất nghiêm ngặt. Khi kiểm tra thấy có bệnh thì dứt khoát phải điều trị… Đối với bà con nông dân thì người ta cứ nghĩ đơn giản, không điều trị cũng không sao. Nhưng đối với người làm khoa học thì phải tìm cho ra nguyên nhân để có biện pháp điều trị. Chúng tôi lấy ví dụ như khi có một con bò bị chết, cán bộ thú y kiểm tra thấy không thể xẻ thịt được vì mắc bệnh nào đó nguy hiểm; còn đối với người nông dân, họ không hề biết, cứ mổ thịt ăn, sau này bị mắc bệnh thì họ mới biết mình đã ăn phải thịt bò bệnh. Cho nên tiêm thuốc thú y cho bò là vấn đề chuyên môn không có gì sai cả. Vấn đề là cán bộ thú y phải có trách nhiệm giải thích cặn kẽ cho nông dân hiểu.
- Hiện nay, một vài nơi có tình trạng một số con bò sữa bị vô sinh, có phải những con bò này chất lượng kém không?
+ Theo tôi, có nhiều nguyên nhân chứ chưa hẳn xác định là con bò đó kém chất lượng. Tuy nhiên, ở đây không loại trừ công tác chọn lọc giống chưa được tốt. Công tác chọn giống bò sữa là công tác hết sức quan trọng, nhưng có khi chúng ta chọn giống chỉ xác định được vóc dáng bên ngoài, tìm hiểu một số đặc điểm cơ bản chứ không thể biết hết được những bệnh lý tiềm ẩn bên trong. Do vậy, vẫn còn một xác suất hở cho việc chọn giống sữa hiện nay.
- Thời gian qua, việc chọn mua giống bò sữa ở tỉnh Bình Định đã thực hiện tốt chưa, thưa ông?
+ Thời gian qua ngành Nông nghiệp rất mong muốn làm sao giúp cho người nông dân mua giống bò sữa tốt để nuôi, nhưng thực tiễn đã nảy sinh nhiều cái chưa được như ý. Nguyên nhân một phần là do lực lượng cán bộ kỹ thuật của tỉnh hiện còn mỏng, chưa thể giúp hết được cho người dân. Bên cạnh đó, cũng có những hộ nông dân không nhờ cán bộ kỹ thuật giúp tự đi mua nên có người mua phải những con bò xấu, chất lượng kém.
- Đã có lần Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Bùi Bá Bổng phát biểu rằng, hướng phát triển chăn nuôi bò sữa bền vững là phát triển lai tạo giống bò sữa trên nền đàn bò lai địa phương. Ông có suy nghĩ gì về ý kiến này?
+ Chúng tôi rất đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Bùi Bá Bổng. Kinh nghiệm nhiều nơi phát triển chăn nuôi bò sữa bền vững là phải lai tạo con giống tại địa phương bằng cách nhập tinh của một số giống bò sữa Mỹ, Hà Lan, Úc… để phối với giống bò địa phương. Có như vậy thì con giống sinh sản ra mới tốt, phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại địa phương. Thời gian qua nhiều hộ đã chọn việc phát triển chăn nuôi bò sữa bằng cách lai tạo tại chỗ, đã mang lại những kết quả khả quan. Tuy nhiên do phong trào chăn nuôi bò sữa ở tỉnh Bình Định mới phát triển nên cũng phải nhập thêm bò để làm giống và thử nghiệm.
. NGUYỄN HÂN thực hiện |