Tuy không "sôi động" nhưng tình hình lây nhiễm HIV/AIDS ở Bình Định vẫn như mạch nước ngầm âm ỉ không bao giờ dứt và đang có nguy cơ chuyển dịch đối tượng. Để hiểu rõ hơn thực trạng đáng lo này, PV Báo Bình Định đã có cuộc trao đổi cùng bác sĩ Võ Khắc Thành, Chánh văn phòng Văn phòng thường trực AIDS tỉnh.
- Thưa bác sĩ, chúng tôi được biết gần đây có một số đối tượng ở tỉnh Bình Định bị nhiễm HIV khi bản thân họ không dính dáng gì đến ma túy, bác sĩ có thể nói cụ về những trường hợp này?
* Từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên vào tháng 9-1993 đến 30-10-2003, Bình Định đã phát hiện có 307 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có 164 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS và 144 đã tử vong.
* Trong 307 trường hợp này có: 134 nghiện chích ma túy, 18 mại dâm, 18 bệnh nhân lao, 23 tù nhân, 54 bệnh nhân nghi AIDS…; giới tính: 255 nam, 52 nữ; địa phương: 144 ở Quy Nhơn, 21 ở Hoài Nhơn, 19 ở An Nhơn, 17 ở Tuy Phước, 13 ở Phù Mỹ, 4 ở Phù Cát, 5 ở Tây Sơn, 3 ở Vân Canh, 15 ở Hoài Ân (địa bàn có trại giam), 1 ở Vĩnh Thạnh. |
+ Vâng, Bình Định là một tỉnh đồng bằng có đầy đủ các yếu tố nguy cơ làm lây lan HIV/AIDS; ở giai đoạn đầu số người nhiễm HIV/AIDS chủ yếu tập trung vào 2 đối tượng chính là nghiện chích ma túy và mãi dâm. Nhưng từ năm 2000 trở lại đây, tình hình lây nhiễm lại có xu hướng chuyển dịch sang các đối tượng nguy cơ thấp hơn và lan rộng ở một số khu dân cư. Cụ thể xu hướng nhiễm HIV bắt đầu chuyển sang đối tượng dân di trú. Ở tỉnh Bình Định hàng năm có một số lượng lao động nam khá lớn đi làm ăn xa, trong đó có lực lượng ngư dân đánh bắt xa bờ. Những ngư dân của tỉnh Bình Định đi khắp các vùng trong cả nước. Do làm ăn xa, thiếu sự quản lý của gia đình, họ thường tụ tập rượu chè rồi tìm đến gái mãi dâm, một phần trong số đó bị dính HIV/AIDS. Tính ra ở Bình Định đã có đến 7 trường hợp ngư dân đánh bắt xa bờ bị dính HIV/AIDS. Cả 7 người đều đã chết nhưng gánh nặng mà họ để lại thật đau lòng. Vợ con họ đang phải chịu đựng bệnh tật do người chồng truyền sang. Gần đây chúng tôi chứng kiến một trường hợp nhiễm HIV/AIDS rất vô duyên là nhiễm do tiêm chích không được vô trùng ở một cơ sở y tế tư nhân. Đối tượng là người có quê quán ở Bình Định nhưng làm ăn sinh sống ở tỉnh ngoài. Anh ta bị nhiễm HIV mà không hề biết đến khi xét nghiệm máu trước khi định cho máu một người thân tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định anh mới biết mình bị nhiễm HIV.
- Ngoài những đối tượng là người làm ăn xa, xu hướng các đối tượng mới nhiễm HIV trong thời gian gần đây có gì khác với đối tượng trước đây?
+ Một xu hướng khác là sự lây nhiễm càng ngày càng nhắm vào đối tượng trẻ tuổi. Trong số 307 trường hợp nhiễm HIV đã được phát hiện tính đến nay thì số từ 20-29 tuổi chiếm đến 30%, số từ 29-39 chiếm 35%. Hiện tại toàn tỉnh có khoảng 13 trường hợp trẻ em dưới 13 tuổi bị nhiễm HIV và đa số các em đều bị chết trước 5 tuổi; điều mà trước năm 1995 không có trường hợp nào.
- Theo chỉ tiêu của Trung ương về chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng thì mỗi địa phương phải phấn đấu ít ra là được 70% số bệnh nhân AIDS có tên tuổi địa chỉ rõ ràng, vấn đề này ở tỉnh Bình Định thực hiện đến đâu?
+ Đây quả là một chỉ tiêu rất khó thực hiện trong thực tế. Một mặt do những người bệnh khai không đúng tên tuổi, địa chỉ của mình nên nhiều đối tượng, địa phương tra sổ bộ không ra; mặt khác họ thường xuyên vắng mặt ở địa phương nên rất khó tiếp cận. Bên cạnh đó sự kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS giữa gia đình và cộng đồng cũng khiến cho việc quản lý, điều trị rất khó khăn.
- Trước thực trạng trên việc phòng chống HIV/AIDS ở tỉnh Bình Định trong thời gian tới sẽ như thế nào?
+ Phòng chống AIDS là một nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài do đó quan điểm xuyên suốt là phải lấy dự phòng làm chính và do đó công tác truyền thông giáo dục được đặt lên hàng đầu. Từ quan điểm này, nhiệm vụ phòng chống AIDS trong thời gian tới vẫn là tiếp tục thực hiện các mục tiêu: Hạn chế tốc độ lây truyền HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư; làm chậm tiến trình phát triển từ HIV thành AIDS; làm giảm tác hại của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế xã hội.
QUANG KHANH - Thực hiện |