Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Đặng Hùng đã được mời làm Tổng đạo diễn chương trình Lễ hội (LH)
|
NSND Đặng Hùng |
kỷ niệm 215 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2004). Ngay khi NSND Đặng Hùng vừa đặt chân đến Bình Định để chuẩn bị tổ chức tập luyện, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ngắn với ông về công tác đạo diễn chương trình LH lần này.
- Lý do nào để ông nhận lời làm tổng đạo diễn chương trình LH kỷ niệm 215 năm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, thưa ông?
+ Với tôi, về với Bình Định, trước hết là về với quê hương. Bản thân tôi vốn xa quê hương, nên không có điều kiện đóng góp nhiều cho quê hương, vì vậy, bất cứ khi nào quê hương cần, là tôi lại trở về. Trước LH này, tôi cũng đã làm đạo diễn LH kỷ niệm 396 năm phủ thành Quy Nhơn, rồi LH kỷ niệm 210 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa. Hơn cả nhiệt tình, làm cho quê hương, với tôi còn là tình cảm, trách nhiệm. Tôi vẫn tự nhận ra rằng, bản thân gia đình mình thì không có gene làm nghệ thuật, cũng không ai làm nghệ thuật cả. Vậy thì có lẽ chính quê hương đã khởi tạo cho sự gắn bó của tôi với nghệ thuật. Hiện tại, tôi đã bỏ qua hết mọi vướng bận, để có thể dồn hết tâm lực để làm tổng đạo diễn cho LH này.
- Ông nhận xét như thế nào về kịch bản LH lần này? Trong 5 chương của chương trình LH, ông tâm đắc nhất chương nào?
NSND Đặng Hùng
Sinh năm 1936 tại thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn
Tham gia hoạt động nghệ thuật từ năm 1954.
Từng công tác tại Đoàn Văn công Liên khu V, Đoàn Ca Múa miền Nam rồi tham gia xây dựng Đoàn Ca Múa Trung ương Lào. Sau năm 1975, công tác tại Đoàn Ca Múa Thuận Hải. Từ năm 1993 đến 1996, công tác tại Viện Văn hóa - Nghệ thuật (VHNT) Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh.
Được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1984, NSND năm 1989.
Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2000 với một chùm các tác phẩm múa.
Là một trong nhóm các tác giả được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 2001 với tác phẩm vũ kịch Lửa Nghệ Tĩnh.
Đã xuất bản: Bước đầu tìm hiểu múa cung đình Chăm; Phương pháp sáng tác múa; Vũ đạo tuồng thành phố Hồ Chí Minh.
Sẽ xuất bản: Vũ đạo tuồng Bình Định. |
+ Ngay khi nhận kịch bản, tôi đã rất phấn khởi. Bởi khác với kịch bản của những LH mà tôi có nhận làm đạo diễn gần đây như 350 năm Khánh Hòa, Festival du lịch Đồng bằng sông Cửu Long… LH lần này muốn tái hiện lại sự nghiệp của Quang Trung bằng con đường sân khấu hóa nên có sự kiện để biểu hiện, có đất để diễn. Đọc kịch bản, tôi chấp nhận ngay và chỉ góp ý sửa chữa một vài chi tiết nhỏ. Tất nhiên, khi ra dàn dựng, vẫn còn nhiều cái khó cần tính toán.
Theo tôi, chương Hành binh thần tốc – đại phá quân Thanh sẽ là chương cần được đầu tư nhiều. Tuy nhiên, chương đẹp lại chính là chương Khải hoàn – đại thắng mùa xuân Kỷ Dậu với cảnh một đoàn kỵ mã từ phía Bắc phóng nhanh mang những cành đào rực rỡ. Ngọc Hân đang đón chờ, nghe tiếng ngựa, chạy ngay ra đón. Sau đó, sắc mai vàng và sắc đào tươi sẽ hòa quyện trên sân khấu…
- Nhân nói về chuyện hành binh thần tốc của Quang Trung, nhiều người băn khoăn không hiểu ông sẽ thể hiện cảnh này như thế nào?
+ Tôi dự định sẽ có cảnh hành binh đường bộ, hai người khiêng một người, ba thanh tre làm võng, đội quân hậu cần 3 người đi sau gánh bánh tráng. Như vậy, mỗi võng cần 6 người. Sẽ có khoảng 100 võng như thế trong cảnh này. Còn để thể hiện cảnh hành binh bằng đường thủy, sẽ phải dùng tới 200 cánh buồm trên sân khấu.
- Trong chương trình LH lần này, sẽ phải huy động tới 1.800 diễn viên, học sinh. Với một số lượng người tham gia lớn như vậy, công việc sẽ phức tạp. Lo lắng nhất hiện nay của ông là gì?
+ Huy động tới 1.800 diễn viên, học sinh, kể ra thì cũng khá đông đảo. Tuy nhiên, tôi cũng không lo lắng lắm về điều này. Tất nhiên, tôi cũng xác định là phải chuẩn bị thật công phu và kỹ lưỡng. Về thời gian, cũng không đáng ngại. Với đội ngũ như hiện nay, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tôi tin là anh em sẽ đảm nhận tốt. Tuy nhiên, cái lo nhất của tôi lại là vấn đề thời tiết. Lỡ mưa một cái thì bao công lao chuẩn bị của anh em đổ xuống sông, xuống bể hết. Vậy thôi…
- Sẽ có hai đoàn nghệ thuật ngoại tỉnh là Đoàn Nghệ thuật Đam San và Đoàn nghệ thuật Truyền thống Huế tham gia LH. Làm thế nào để ráp nối phần biểu diễn hai đoàn này vào trong chương trình LH, thưa ông?
+ Điều này tôi cũng đang tính. Đoàn Nghệ thuật Đam San thì dễ vì chương Dựng cờ khởi nghĩa đã có cảnh người dân các dân tộc Bahnar, H’re, Êđê luyện quân, đánh cồng, đánh chiêng, múa khiêng, múa đao… phô diễn lực lượng. Còn Đoàn Nghệ thuật Truyền thống Huế thì tôi cũng đang hình dung để đưa vào cảnh nào cho thích hợp. Tuy nhiên, có lẽ cũng cần tính đến việc tổ chức đêm diễn giữa Nhà hát Tuồng Đào Tấn, Đoàn Nghệ thuật Đam San và Đoàn nghệ thuật Truyền thống Huế vào tối mồng 4 tết để tận dụng hết năng suất, và cũng là cách làm sống động thêm cho LH.
- Hiện nay, việc chuẩn bị đã tiến hành đến đâu, thưa ông?
+ Từ đầu tháng 12 năm nay, chúng tôi sẽ bắt đầu tổ chức tập. Các chương được rã ra, giao trách nhiệm cho từng biên đạo, sau đó sẽ ráp nối lại. Đến khoảng 25 tết, chúng tôi sẽ tạm nghỉ tập để sang mồng 2 tết, lại bắt đầu tập lại. Còn riêng về phần phục trang, đạo cụ hiện đã được chuẩn bị gần xong.
- Xin cảm ơn ông.
LÊ VIẾT THỌ - Thực hiện |