Mới đây, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) đã có quyết định hạ mức vay tối đa đối với đối tượng chính sách đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) còn 10 triệu đồng thay vì 20 triệu đồng như trước đây. Phóng viên Báo Bình Định đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh về vấn đề này.
- Theo ông, mức cho vay giảm xuống còn một nửa như hiện nay của NHCSXH sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với nhu cầu XKLĐ của tỉnh Bình Định?
+ Trước hết phải nói rằng, đối tượng vay vốn chính sách đi XKLĐ ở tỉnh Bình Định đều là những người nghèo, lao động phổ thông ở nông thôn, tài chính hạn hẹp, khả năng thế chấp tài sản để vay nguồn vốn khác hầu như không có. Nếu người lao động làm việc tại Malaysia, chi phí thấp nhất so với đi các thị trường khác cũng gần 22 triệu đồng. Bởi vậy, việc giảm mức cho vay tối đa đối với đối tượng chính sách vay vốn đi XKLĐ xuống còn 10 triệu đồng/đối tượng sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến chỉ tiêu XKLĐ của tỉnh. Hiện nay, ước tính đối tượng diện chính sách chiếm 10% và đối tượng diện mở rộng của tỉnh (người dân tộc thiểu số, người được nuôi dưỡng tại các cơ sở tập trung, bản thân NLĐ có nhà ở, ruộng đất bị Nhà nước thu hồi, giải tỏa phục vụ cho các lợi ích kinh tế - xã hội…) chiếm khoảng 20% trong tổng số người đi XKLĐ. Theo kế hoạch, năm 2004, tỉnh Bình Định sẽ đưa 1.000 lao động đi XKLĐ, nhưng với sự thay đổi như hiện nay thì chỉ tiêu đó khó thực hiện được.
- Vậy chỗ khó này sẽ được gỡ như thế nào, thưa ông?
Ông Tạ Thanh Liêm, Giám đốc NHCSXH Bình Định:
Chương trình cho vay đi XKLĐ mới thực hiện từ tháng 8-2003 đến nay và Ngân hàng đã giải ngân cho 51 người vay với tổng số vốn là 877 triệu đồng. Trong số này có 33 người thuộc diện đối tượng chính sách theo quy định Nhà nước và 18 đối tượng thuộc diện mở rộng của tỉnh. Việc giảm mức vay xuống còn một nửa so với trước đây thì NLĐ khó mà đi XKLĐ.
Ông Đỗ Thành Sơn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh:
Hiện Trung tâm có khoảng 30 lao động diện chính sách chuẩn bị đi Malaysia. Nếu chỉ được vay 10 triệu đồng thì nhiều người trong số này có thể bị kẹt lại vì không lo đủ phí. Như vậy sẽ phá vỡ hợp đồng với bên tuyển dụng lẫn công ty nước bạn. Chúng tôi đã động viên mọi người cố chạy vạy mượn thêm người thân hoặc vay các ngân hàng khác. Tuy nhiên mức lãi suất ở các ngân hàng này cao hơn nhiều so với NHCSXH. |
+ Mới đây ngành LĐ-TB-XH đã đề xuất với UBND tỉnh về hướng giải quyết. Trước mắt, từ nay đến cuối năm 2003, sẽ lấy từ nguồn Quỹ giải quyết việc làm địa phương để cho vay bổ sung thêm 10 triệu đồng cho NLĐ đi XKLĐ thuộc diện chính sách theo quy định của Nhà nước. Riêng đối với các đối tượng mở rộng của tỉnh sẽ cho vay 20 triệu đồng, lãi suất cho vay vẫn là 0,5%/tháng. Sang năm 2004, chúng tôi đã đề xuất với UBND tỉnh giải quyết theo hai phương án. Một là, ngoài 10 triệu vay từ NHCSXH, tỉnh sẽ cho vay tiếp 5 triệu nữa đối với đối tượng chính sách và cho vay tối đa 15 triệu đối với đối tượng mở rộng của tỉnh. Hai là cho vay bổ sung tối đa 10 triệu đồng đối với NLĐ thuộc diện chính sách và cho vay tối đa 20 triệu đối với đối tượng diện mở rộng. Phương án hai tuy tích cực hơn nhưng sẽ tốn kém hơn. Nguồn cho vay bổ sung sẽ được lấy từ Quỹ giải quyết việc làm và Quỹ xóa đói giảm nghèo của địa phương.
THU HÀ - Thực hiện
|