NSND Võ sĩ Thừa: Tôi đã dành rất nhiều tâm huyết để thể hiện hình tượng Quang Trung
16:45', 26/12/ 2003 (GMT+7)

  NSND Võ sĩ Thừa

Đề tài lịch sử về phong trào Tây Sơn và hình tượng người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ từ trước đến nay được các đơn vị nghệ thuật truyền thống trong tỉnh chú tâm khai thác, dàn dựng. Nhân dịp Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Nghệ thuật Dân tộc phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh tổ chức Hội thảo Văn học nghệ thuật dân tộc với đề tài Tây Sơn - Nguyễn Huệ, để giúp bạn đọc phần nào hiểu rõ hơn về việc xây dựng hình tượng Quang Trung trên sân khấu truyền thống, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn NSND Võ sĩ Thừa, người đã có 20 năm gắn bó với vai Quang Trung - Nguyễn Huệ.

* Ông đã có 20 năm gắn bó với vai Quang Trung - Nguyễn Huệ. Đây là một quãng thời gian không ngắn trong một đời nghệ thuật. Điều gì đã tạo nên sự gắn bó đặc biệt đến như vậy?

- Đúng là cuộc đời nghệ thuật của mình, tôi đã thử sức với nhiều vai diễn và cũng đã thể hiện thành công nhân vật đề tài lịch sử. Tuy nhiên, ấn tượng nhất với tôi vẫn là hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ. Còn nhớ, lần đầu tiên tôi đóng vai Nguyễn Huệ trong vở Tây Sơn đánh Nguyễn của tác giả Tống Phước Phổ, Đoàn Tuồng Liên khu V dàn dựng, và lần cuối cùng là vai Quang trung - Nguyễn Huệ trong vở Mặt trời đêm thế kỷ của tác giả Lê Duy Hạnh, do Nhà hát Tuồng Đào Tấn dàn dựng năm 1986. Như vậy là trong 20 năm, tôi đã có 6 lần đóng vai Quang Trung trong 6 vở tuồng khác nhau.

Có một sự gắn bó như vậy, trước hết, xuất phát từ lòng kính trọng, tôn vinh hoàng đế Quang Trung, không chỉ của riêng tôi mà của mỗi người dân Bình Định nói riêng, người Việt Nam nói chung. Được đóng vai Quang Trung, do vậy không chỉ là trách nhiệm mà trước hết là một vinh dự.

* Trong những vai diễn đó, ông ấn tượng nhất với vai Quang Trung trong vở diễn nào?

- Ấn tượng nhất với tôi vẫn là vai Quang Trung - Nguyễn Huệ trong vở Mặt trời đêm thế kỷ của tác giả Lê Duy Hạnh. Không phải vì đây là vở diễn được vinh dự biểu diễn phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, mà trước hết là tôi thấy tâm đắc với tư tưởng mà tác giả kịch bản muốn gửi gắm. Ngoài trách nhiệm của một diễn viên, trong vở này, tôi còn trực tiếp tham gia dàn dựng. Tôi còn nhớ, vở diễn biểu diễn trong ba tiếng đồng hồ, nhưng các vị đại biểu 7 lần vỗ tay khen ngợi.

* Là một diễn viên xuất sắc ở các vai kép võ trong các vở tuồng truyền thống, ông có nhiều thuận lợi khi đảm nhận vai Quang Trung?

- Vào vai Quang Trung, vừa hợp với năng khiếu bẩm sinh của tôi, lại gần với phong cách tuồng truyền thống. Đó là một thuận lợi, nhưng dẫu sao cũng chỉ là một thuận lợi bước đầu. Vấn đề là phải biết cách khai thác triệt để tinh hoa tuồng truyền thống, rút tỉa kinh nghiệm khi vào vai những nhân vật có phong độ uy nghi như Đổng Kim Lân, Đào Phi Phụng, Hoàng Phi Hổ, và cả những nhân vật lịch sử như Trần Bình Trọng, Lê Lợi… kết hợp với một quá trình nhận thức về Quang Trung, để xây dựng nên hình tượng Quang Trung.

* Vậy ông đã vận dụng thủ pháp nào để diễn thành công hình tượng Quang Trung?

- Để thể hiện thành công vai diễn này, tôi nghiên cứu kỹ về lịch sử phong trào Tây Sơn và tính cách Nguyễn Huệ trong những thời điểm khác nhau. Tôi đã khái quát tính cách anh hùng của Nguyễn Huệ qua các thuộc tính: sắc sảo, quyết đoán, nặng nghĩa vẹn tình, trọng người tài, thương tướng sĩ. Tất cả dồn lên cái uy nghi, chững chạc của một võ tướng, cái sâu sắc, biết nhìn xa trông rộng của một người làm chính trị, nhưng lại có sự gần gũi, ấm áp của một con người nhân hậu. Dĩ nhiên, với từng vở tuồng, ứng với từng thời điểm khác nhau của cuộc đời người anh hùng để có cách xử lý cho phù hợp nhưng sự khái quát như vậy sẽ là cơ sở cho một phong cách biểu diễn thống nhất.

Thủ pháp thì nhiều, nhưng khi vào vai Quang Trung, tôi luyện cho đôi mắt, vừa có cái dũng, cái uy nghi của một võ tướng; nhưng cũng lại rất tình. Phải chăng, nhờ vậy mà vai Quang Trung của tôi không sa vào cách diễn minh họa lịch sử.

* Xin cảm ơn ông!

LÊ VIẾT THỌ Thực hiện

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ban Liên lạc là tổ ấm của cựu tù chính trị   (22/12/2003)
Mục tiêu của bóng đá Bình Định là hội nhập với bóng đá khu vực  (25/12/2003)
Đổi thẻ đảng viên góp phần nâng cao chất lượng đảng viên  (16/12/2003)
Quy Nhơn sẽ có dịch vụ thể thao Bowling  (09/12/2003)
Sẽ thực hiện việc di dời các kho và cửa hàng xăng dầu đúng quy định  (08/12/2003)
Tìm nguồn vốn để cho vay bổ sung với các đối tượng đi xuất khẩu lao động   (01/12/2003)
Hệ thống đường truyền ADSL vẫn hoạt động bình thường   (30/11/2003)
NSND Đặng Hùng: "Tôi sẽ dồn hết tâm lực cho công việc đạo diễn Lễ hội"  (27/11/2003)
Lây nhiễm HIV/AIDS có xu hướng chuyển dịch đối tượng  (24/11/2003)
Nhà giáo Nguyễn Phúc: Thầy có nghiêm khắc, trò mới nên người  (20/11/2003)
Tích cực chặt tỉa cành hoa sữa  (19/11/2003)
Kinh phí để tu bổ, gia cố lại hệ thống đê sông, đê biển hiện rất thiếu thốn!  (17/11/2003)
Đoạn Quốc lộ 1 Diêu Trì – Phú Tài sẽ hoàn thành vào cuối năm 2003  (14/11/2003)
Vì sao một số mô hình chăn nuôi bò sữa ở tỉnh Bình Định thất bại ?  (13/11/2003)
Năm 2004 sẽ không còn trẻ em Bình Định lang thang kiếm sống tại các thành phố lớn   (11/11/2003)