Một số định hướng cho công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay

Theo số liệu thống kê của ngành Thanh tra, trong năm 2002 lãnh đạo và thanh tra các cấp, ngành đã tiếp nhận 3.395 vụ khiếu nại, tố cáo, giảm 936 vụ (21%) so với năm 2001, trong đó có 3.042 vụ khiếu kiện, giảm 847 vụ và có 353 vụ tố cáo, giảm 89 vụ; đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính Nhà nước chỉ có 2.226 vụ, chiếm 65,6% tổng số vụ việc.

Nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân bao gồm nhiều lĩnh vực, cụ thể:
- Về khiếu nại: Chủ yếu là khiếu nại về đất đai, chiếm tỉ lệ 33,1%, nổi cộm lên là khiếu nại về đất đai, chiếm tỉ lệ 31%, nổi llên là khiếu nại về giá đền bù đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi; giải tỏa khi quy hoạch đô thị; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A; các công trình phúc lợi công cộng... Khiếu nại về việc xin lại nhà ở thuộc diện cải tạo, nhà cho thuê, nhà vắng chủ có giảm và tập trung nhiều nhất ở thành phố Quy Nhơn. Các khiếu nại khác liên quan đến lĩnh vực kinh tế - tài chính - tín dụng, thực hiện chính sách xã hội, khiếu nại về tài sản và xử lý kỷ luật hành tuy chiếm tỉ lệ không lớn nhưng là nội dung khiếu nại phát sinh thường xuyên. Ngoài ra, khiếu nại liên quan đến hoạt động tư pháp và các nội dung khác có tính chất tranh chấp trong nội bộ nhân dân chiếm tỉ lệ khá lớn là 41,9%.

- Về tố cáo, tập trung vào việc phản ảnh cán bộ thiếu dân chủ đối với nhân dân, lợi dụng chức quyền, vi phạm pháp luật gắn liền với hành vi tham nhũng chủ yếu thông qua việc cấp đất, đấu thầu trong XDCB, đền bù giải tỏa, vi phạm pháp luật về quản lý kinh tế, sử dụng sai mục đích, lãng phí, tiêu cực trong sử dụng kinh phí các chương trình dự án; tố cáo hành vi bao che cho cấp dưới, tiêu cực trong hoạt động tư pháp. Qua xem xét cho thấy nội dung đơn tố cáo phản ảnh nhiều việc cụ thể, thông tin chính xác đã giúp các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, làm rõ và xử lý nhiều vụ việc, góp phần thiết thực bảo vệ lợi ích của Nhà nước và tập thể.
Ðiều đáng ghi nhận là từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 62/2002/NÐ-CP ngày 14-6-2002, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/1999/NÐ-CP, trong đó quy định không xem xét giải quyết những đơn tố cáo giấu tên, mạo tên, không ghi rõ địa chỉ thì loại đơn này giảm hẳn.

Qua giải quyết các khiếu nại, tố cáo cho thấy nội dung đơn khiếu nại đúng chiếm 56,5%; đơn khiếu nại sai chiếm 43,5%; tố cáo đúng chiếm 46%, tố cáo sai chiếm 54%. Thông qua việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đã góp phần tích cực vào việc ổn định tình hình kinh tế - xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Ðể giải quyết kịp thời, đúng luật định các khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân trong thời gian tới, theo chúng tôi cần thực hiện tốt một số định hướng sau:
Một là, tập trung phân loại, xử lý rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng tại các huyện, thành phố, sở, ngành để có biện pháp giải quyết dứt điểm, không để vụ việc dây dưa, kéo dài. Khi giải quyết các vụ việc phức tạp cần coi trọng việc đối thoại trực tiếp công khai dân chủ với công dân. Tăng cường công tác thanh tra việc thực hiện pháp luật khiếu nại, tố cáo và kiểm tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của thủ trưởng các cấp, các ngành để có biện pháp khắc phục những tồn tại trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Hai là, nâng cao vai trò tham mưu đề xuất của các cơ quan chức năng để đảm bảo giải quyết có hiệu quả các vụ việc khiếu nại, tố cáo. Ðề cao trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, các ngành giải quyết kịp thời, có chất lượng các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng để cán bộ và nhân dân hiểu và thực hiện.

Ba là, tăng cường hơn nữa công tác hòa giải các tranh chấp nhỏ trong nội bộ nhân dân, đồng thời thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở để hạn chế khiếu nại, tố cáo phát sinh ngay ở tại cơ sở, nhất là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền lợi của công dân. Thực hiện tốt chức năng giám sát việc thực hiện pháp luật khiếu nại, tố cáo của Mặt trận Tổ quốc các cấp, việc giám sát của Ban thanh tra nhân dân đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị. Việc phối hợp Mặt trận, đoàn thể chính trị xã hội với tổ chức Thanh tra nhân dân ở xã, phường và từng thôn, bản, khu vực, các tổ hòa giải tiến hành ngay từ khi mới phát sinh mâu thuẩn tranh chấp nhỏ trong nội bộ nhân dân là yếu tố quan trọng trong việc góp phần hạn chế gửi đơn khiếu kiện và khiếu nại vượt cấp.

PHAN TRUNG
(Thanh tra tỉnh B.Ð)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Vì sao Bình Định chưa có những thương hiệu mạnh?   (28/02/2003)