Ðối thoại:
Bảo vệ môi trường và khai thác hợp lý nguồn nước

Ðể có thể khai thác lâu dài và phát huy giá trị của nguồn nước ngọt, các nhà chuyên môn đã đặt ra vấn đề quy hoạch khai thác hợp lý nguồn nước. Ông Nguyễn Thành Phương - Phó trưởng phòng Quản lý môi trường (Sở KHCN&MT Bình Ðịnh) đã nói về công tác bảo vệ môi trường, khai thác hợp lý nguồn nước.

PV: Thưa ông, vì sao phải đặt ra vấn đề quy hoạch khai thác hợp lý nguồn nước ?

Ông NGUYỄN THÀNH PHƯƠNG: Nước ngọt được xem là một nguồn tài nguyên quan trọng. Chủ trương quy hoạch và sử dụng nguồn nước một cách hợp lý để tránh cạn kiệt nguồn, ô nhiễm làm giảm chất lượng nguồn nước là rất cần thiết. Bình Ðịnh có nguồn nước ngọt dồi dào. Nguồn nước mặt do các con sông trải đều khắp tỉnh: sông Kôn dài 178km chảy qua các huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước; sông Lại Giang dài 120km chảy qua huyện Hoài Nhơn, sông La Tinh dài 50km chảy qua hai huyện Phù Cát, Phù Mỹ; sông Hà Thanh dài 48km chảy qua huyện Vân Canh, Tuy Phước. Trữ lượng nước ngọt được điều hòa nhờ các hồ chứa nước lớn như hồ Núi Một, Vĩnh Sơn, Thuận Ninh, Hội Sơn, Mỹ Bình và một số hồ nhỏ như: Diêm Tiêu, Thạch Khê, Tường Sơn, Long Mỹ... Các mạch nước ngầm của Bình Ðịnh có độ sâu trung bình từ 5 – 7m ở vùng đồng bằng, 10 - 12m ở vùng trung du miền núi, việc khai thác tương đối dễ dàng. Chất lượng nguồn nước khác nhau tùy từng vùng. Việc khai thác nguồn nước ngầm trên địa bàn chủ yếu phục vụ sinh hoạt, mấy năm gần đây ở một số địa phương trong tỉnh, nông dân bắt đầu khai thác để chống hạn... Phải đặt ra vấn đề bảo vệ nguồn nước và môi trường khu vực có nguồn nước vì ai cũng biết nước ngọt giữ vai trò quan trọng đối với đời sống, sản xuất, sinh họat của chúng ta và môi trường sống.

PV: Ở Bình Ðịnh nó đang được bảo vệ như thế nào ?

Ông NGUYỄN THÀNH PHƯƠNG: Không chỉ môi trường của nguồn nước bề mặt (sông suối, đầm hồ..) mà ngay cả nguồn nước ngầm cũng cần được bảo vệ chu đáo. Nhiều hoạt động, chính sách đã được xây dựng để bảo vệ nguồn nước và chất lượng nguồn nước. Ví dụ: Chúng ta đã quy hoạch những vùng rừng phòng hộ đầu nguồn để bảo vệ nguồn nước, chống xói lở, sa mạc hóa đất nông nghiệp. Ngay cả việc xây dựng các đập thủy lợi cũng được tính toán rất kỹ để tránh gây ra tác động xấu đến môi trường... Thời gian gần đây, vấn đề ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt từ các cơ sở sản xuất công nghiệp cũng được kiểm soát chặt chẽ hơn. Ðể tránh cạn kiệt vào mùa khô ở một số vùng, tăng cường sự ổn định của tầng nước ngầm, Bình Ðịnh đã xúc tiến kế hoạch xây dựng hồ chứa nước Ðịnh Bình tạo nguồn tưới ổn định ở phía nam tỉnh. Ngay cả việc khoan giếng khai thác nước ngầm cũng bắt đầu được quản lý chặt chẽ hơn.

Bá Phùng
(Thực hiện)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Một số định hướng cho công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay  (28/02/2003)
Vì sao Bình Định chưa có những thương hiệu mạnh?   (28/02/2003)