Hai sự kiện mới trong làng báo Bình Định

Đầu năm 2003, trong đời sống báo chí tỉnh Bình Định có thêm 2 sự kiện mới: đó là sự ra đời của báo Bình Định điện tử và Trung tâm Truyền hình cáp Quy Nhơn. Báo Bình Định trở thành tờ báo địa phương thứ tư trong cả nước lên mạng Internet. Với truyền hình cáp tính tới thời điểm này Quy Nhơn là địa phương thứ 7 trong cả nước có truyền hình cáp. Thêm 2 sự kiện mới này, đời sống báo chí của Bình Định thêm phong phú và người dân có thêm sự lựa chọn thoải mái khi ngồi trước máy thu hình, trước máy vi tính để thu nhận tin tức và giải trí.

Báo điện tử được coi là cuộc cách mạng trong hệ thống báo chí. Ngoài ưu thế như phát thanh, truyền hình là nhanh nhạy và vượt không gian, báo điện tử đem đến cho độc giả một cách đọc báo hoàn toàn mới. Trước hết là khả năng tương tác giữa người đọc và tòa soạn báo, người đọc ngay lập tức có thể trao đổi, nêu ý kiến của mình với tòa soạn bằng phương thức thư điện tử (E-mail), khoảng cách giữa người làm báo và độc giả nhờ vậy được rút ngắn. Báo điện tử không chỉ là tờ báo của ngày hôm đó mà nó còn là một kho tư liệu vô cùng phong phú. Từ trang web của tờ báo độc giả có thể liên kết đến hàng nghìn trang web khác nhau để tìm hiểu một vấn đề mình quan tâm một cách sâu hơn, kỹ hơn, hoặc có thể trở lại tất cả các số báo xuất bản trước đó chỉ bằng một cái nhấp chuột. Bất kỳ một người nào trên thế giới có máy tính nối với đường dây điện thoại có thể lập tức đọc được báo Bình Định điện tử với những thông tin mới nhất của Bình Định, đồng thời giao tiếp với tòa soạn báo qua thư điện tử.

Việc Báo Bình Định lên mạng Internet đã tạo cơ hội cho những người quan tâm đến Bình Định trên khắp hành tinh có thể nhận được thông tin về Bình Định một cách nhanh chóng nhất. Đây cũng là xu hướng tất yếu của báo chí vì báo điện tử đang dần dần chiếm lĩnh ngôi vị đầu bảng trong hệ thống báo chí khi thế giới bước vào thế kỷ 21 với dự báo sẽ có một tỉ người nối mạng Internet vào năm 2005.

Cùng với báo Bình Định điện tử, Trung tâm Truyền hình cáp Quy Nhơn cũng bắt đầu hoạt động ngay từ đầu năm 2003. Truyền hình cáp ra đời vừa giải quyết vấn nạn “rải đinh” trên bầu trời làm xấu bộ mặt thành phố, vừa bảo đảm chất lượng hình ảnh ổn định, vừa đáp ứng nhu cầu mở rộng tầm nhìn của người xem với nhiều kênh truyền hình trong nước và thế giới.

Truyền hình cáp hữu tuyến hiện đang là xu thế phát triển mạnh trên toàn thế giới. Với cấu trúc hệ thống đơn giản, thiết bị không đắt tiền, không cần máy phát sóng, trụ ăng ten và có thể phát cùng lúc hàng trăm chương trình chất lượng cao, truyền hình cáp đang phát triển mạnh ở châu Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Thái Lan.

Trung tâm Truyền hình cáp Quy Nhơn với công suất 60.000 thuê bao có thể đáp ứng thỏa mãn nhu cầu nhân dân nội thành Quy Nhơn trong phạm vi bán kính 15km. Đặc biệt đối với những vùng lõm, sóng truyền hình yếu, thì từ nay sẽ yên tâm xem truyền hình chất lượng cao khi nối máy với truyền hình cáp. Trước mắt Truyền hình cáp Quy Nhơn sẽ phát 14 kênh, trong đó có nhiều kênh nước ngoài hấp dẫn như thể thao, ca nhạc, khoa học, thiếu nhi… được phát liên tục 24/24 giờ người xem sẽ được quyền chọn lựa một cách thoải mái các kênh truyền hình mình yêu thích.

Bước vào năm mới 2003, chúng ta vui mừng đón nhận hai sự kiện mới trong làng báo Bình Định.

Xuân Phụng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bảo vệ môi trường và khai thác hợp lý nguồn nước  (28/02/2003)
Một số định hướng cho công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay  (28/02/2003)
Vì sao Bình Định chưa có những thương hiệu mạnh?   (28/02/2003)