Nghị quyết Trung ương 5 - khóa IX chỉ rõ: xã, phường, thị trấn là cấp cơ sở có chức năng, nhiệm vụ tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, phát huy sức mạnh đoàn kết và quyền làm chủ của nhân dân, huy động mọi khả năng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, tổ chức cuộc sống của cộng đồng dân cư trên địa bàn. Thực tiễn tình hình cấp cơ sở nhiều năm qua cho thấy nơi nào cán bộ cơ sở sâu sát nhân dân, kịp thời nắm bắt và giải quyết những vấn đề nảy sinh tại cơ sở, không đùn đẩy trách nhiệm, không để tồn đọng lâu ngày những nỗi lo, những vướng mắc, những bức xúc của nhân dân, không để tích tụ những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân tạo nên những điểm nóng về chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội… thì nơi đó kinh tế - văn hóa - xã hội ngày càng phát triển, nhân dân an cư, lạc nghiệp, không xảy ra các trường hợp khiếu kiện nặng nề, vượt cấp. Nếu cán bộ cơ sở có phong cách làm việc như một công chức cũ “sớm vác ô đi, tối vác về” quan liêu, bàn giấy, xa dân thì mọi hoạt động của cấp cơ sở sẽ trì trệ, thậm chí tê liệt, làm mất lòng tin của nhân dân, gây lực cản không nhỏ đối với sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp trên.
Bệnh quan liêu, bàn giấy của cán bộ cơ sở biểu hiện trong việc: Thường xuyên ngồi tại bàn giấy của cơ quan, đọc các công văn, giấy tờ của cấp trên gửi xuống, không nghiên cứu, xem xét tình hình thực tiễn. Do đó nảy sinh tình trạng một số cán bộ cơ sở không có việc làm nên cùng nhau “ngồi chơi, xơi nước”. Ngồi tại bàn giấy, mời đương sự đến cơ quan để giải quyết công việc, kể cả những vụ tranh chấp về đất đai, nhà ở, những vụ đánh nhau, những mâu thuẫn gay gắt trong nội bộ nhân dân. Không đi sát thực tế để tìm hiểu bản chất vấn đề, nghe ngóng dư luận; giải quyết xong vụ việc không theo dõi, kiểm tra việc thực hiện. Cách làm việc tắc trách nói trên là nguyên nhân dẫn đến tình trạng một vụ việc đơn giản nhưng phải giải quyết đi, giải quyết lại nhiều lần, gây bất bình trong nhân dân. Làm việc sự vụ, gặp đâu hay đó, trên chỉ đâu đánh đó, hết rày còn mai, không giải quyết kịp thời những yêu cầu của nhân dân. Có dành thì giờ đi xuống bản, làng, xóm, ấp, khu phố, tổ dân phố, có đến các hộ gia đình, nhưng theo cách cưỡi ngựa xem hoa, không sâu sát tình hình, không thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, không nắm bắt, phát hiện những vấn đề nóng hổi nảy sinh từ cơ sở….
Cơ sở là cấp tác chiến hằng ngày, trực tiếp đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp, gay cấn nảy sinh trong đời sống của cộng đồng dân cư. Cán bộ cơ sở sinh sống cùng nhân dân, gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân trên địa bàn công tác, có việc gì cần đến sự giải quyết của chính quyền, trước tiên nhân dân đến gặp cán bộ cơ sở. Do đó cán bộ cơ sở phải thường xuyên sâu sát nhân dân, nhạy cảm với thực tiễn, kịp thời nắm bắt, phát hiện những vấn đề nảy sinh trong đời sống cơ sở, hoặc tự mình chủ động xử lý theo chức trách và thẩm quyền, hoặc đề xuất ý kiến để cấp trên giải quyết. Không thường xuyên gặp gỡ nhân dân, lắng nghe những ý kiến đóng góp, phê bình, kiến nghị, không thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân thì cán bộ cơ sở không thể nào phục vụ tốt nhân dân.
Nhằm đảm bảo đội ngũ cán bộ cơ sở hoạt động, chất lượng, hiệu quả, từng tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở phải xây dựng quy chế làm việc cụ thể, sát thực tiễn, định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cán bộ. Thực hiện chế độ mỗi cán bộ phải có chương trình, kế hoạch, lịch công tác hằng ngày, mỗi tuần, mỗi tháng; chế độ định kỳ kiểm điểm công tác, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng cán bộ cơ sở. Qua đó biểu dương, khen thưởng những cán bộ làm việc năng động, được nhân dân tin yêu; nhắc nhở, phê bình, xử lý kỷ luật những cán bộ làm việc thiếu trách nhiệm, bị nhân dân chê trách… Các địa phương cần lập kế hoạch, quy hoạch bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở theo hướng trẻ hóa, chuẩn hóa, tạo nguồn bổ sung cho cấp trên những cán bộ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn ở cơ sở. Mặt khác, Đảng và Nhà nước cần cải tiến chế độ đãi ngộ, chế độ tiền lương đối với cán bộ cơ sở ngày làm việc hai buổi như công chức Nhà nước. Như vậy cán bộ cơ sở mới an tâm công tác, tích cực học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất, năng lực, không còn tình trạng chân trong chân ngoài.
Nghị quyết Trung ương 5- khóa IX đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ cơ sở đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển đất nước. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở có phẩm chất, đạo đức và năng lực ngang tầm sự nghiệp đổi mới mang ý nghĩa như sự đầu tư cho hạ tầng cơ sở trong công tác cán bộ.
Hoài Nam |