Nước thải từ các cơ sở tại các khu công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (KCN) không qua xử lý gây ô nhiễm môi trường đang là vấn đề được xã hội quan tâm. Ông Man Ngọc Lý – Giám đốc Sở KHCN- MT Bình Định đã trao đổi với phóng viên Báo Bình Định về vấn đề này .
- Không chỉ có các KCN ở Quy Nhơn mà ngay cả các KCN – TTCN ở các huyện cũng không có hệ thống xử lý nước thải cục bộ lẫn hệ thống xử lý nước thải tập trung, điều này đã gây ra tác động xấu về mặt môi trường, Sở KHCN – MT có ý kiến gì về vấn đề này ?
+ Ngoài KCN Phú Tài ra, tỉnh ta còn có một số khác như: KCN – TTCN Quang Trung (Quy Nhơn), KCN - TTCN Gò Đá Trắng, Nhơn Phong (An Nhơn), KCN – TTCN Phù Cát... đã xây dựng xong và bắt đầu đi vào hoạt động. Tất cả những KCN này đều chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung và một số hậu quả tiêu cực về mặt môi trường đã xảy ra. Chúng tôi đã báo cáo lên UBND tỉnh vấn đề này. Lấy ví dụ như KCN – TTCN Quang Trung, khi xây dựng dự án UBND thành phố Quy Nhơn không tính đến hạng mục đánh giá tác động môi trường để có cơ sở xây dựng dự án xử lý nước thải, hệ quả là cấp phê duyệt không bố trí kinh phí cho hạng mục công trình này. Các KCN còn lại cũng lâm vào tình trạng tương tự. Những hệ quả xấu về mặt môi trường do thiếu hệ thống xử lý nước thải thì ai cũng biết rất rõ rồi. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về mặt môi trường, chúng tôi đã có ý kiến hướng dẫn để các địa phương khắc phục phần thiếu sót. Sau đó, theo ủy quyền của cơ quan quản lý cấp trên, và trong thẩm quyền của mình, chúng tôi sẽ thẩm định các dự án đánh giá tác động môi trường...
- Mức độ ô nhiễm môi trường do nguồn nước thải ở tỉnh ta hiện nay đang ở mức độ nào, thưa ông ?
+ Ở Quy Nhơn mỗi ngày có khoảng 40.000m3 nước thải được xả thẳng vào môi trường tự nhiên. Trong số này có chừng 18.000m3 do cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ xả ra và chúng hầu như chưa được xử lý đúng với quy định. Đáng chú ý nhất là lượng nước thải do hoạt động sản xuất công nghiệp của những nhà máy chế biến thủy sản, sản xuất thực phẩm ở nội thành Quy Nhơn, các nhà máy xí nghiệp ở KCN Phú Tài. Lượng nước này tuy chưa lớn nhưng mức độ độc hại lại khá cao vì hầu hết các cơ sở này chưa lắp đặt hệ thống xử lý nước thải. Theo kết quả đo đạc phân tích sơ bộ một số điểm cho thấy mức độ ô nhiễm vi sinh ở các điểm nước mặt đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Khu vực ô nhiễm cao nhất là nước biển ven bờ, những nơi tiếp nhận nguồn nước thải công nghiệp và sinh hoạt : hồ Phú Hòa, hồ Bàu Sen, hồ Đống Đa… Nước ngầm ở khu vực các kho xăng dầu nằm trên địa bàn các phường Hải Cảng, Quang Trung đã có dấu hiệu ô nhiễm nhẹ. Nước ngầm bị ô nhiễm có nhiều nguyên nhân, nhưng đầu tiên phải kể đến là do nước thải sản xuất, đặc biệt là sản xuất công nghiệp.
Bá Phùng (Thực hiện) |