Cách chữa cháy hiệu quả nhất là phòng cháy

Từ sau vụ cháy tòa nhà Trung tâm thương mại Quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh đến nay, theo thông tin trên các báo gần như tuần nào tại các thành phố lớn cũng xảy ra vài vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng về cả người lẫn tài sản. Tại TP Quy Nhơn và tỉnh Bình Định trong thời gian này chưa xảy ra vụ cháy lớn nào, nhưng có thể nói là công tác PCCC của chúng ta hiện nay còn lơ là, chưa được quan tâm đúng mức. Đây là điều rất đáng lo ngại.

Từ cái nhìn thực tế, chúng tôi nhận thấy hiện nay tại nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các cơ sở ngoài quốc doanh không thực hiện đúng quy định các quy tắc về an toàn phòng cháy chữa cháy. Nếu kiểm tra các điểm bán xăng dầu, các nhà máy xay xát, các cơ sở hàn tiện... sẽ thấy các dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại các cơ sở này rất sơ sài, cũ kỹ, thậm chí có đơn vị đặt các dụng cụ này vào một nơi rất kín đáo, rất khó lấy khi có sự cố. Theo quy định của cơ quan PCCC thì các phương tiện, dụng cụ để chữa cháy là: bình khí CO2 (còn gọi là bình chữa cháy), cát xây dựng, bao bố, hồ chứa nước... phải được bố trí ở nơi dễ thấy, dễ lấy, không bị các vật khác cản trở, che khuất. Trên thực tế, một số nơi có trang bị nhưng đã “đơn giản hóa” như có cát nhưng không có xẻng để xúc, có nơi xây hồ nhưng không có nước chứa, có bình chữa cháy nhưng ít người biết sử dụng... Một số cơ sở hàn tiện, dây điện tiếp nối một cách cẩu thả, được căng kéo vô trật tự. Tại các điểm bán xăng dầu, kho chứa ga người ta vẫn vô tư bật quẹt hút thuốc. Nhiều trụ sở cơ quan Nhà nước, các chợ, công tác phòng cháy cũng không thực sự được chú trọng, đề cao.

Chúng tôi nhận thấy là công tác phòng chống cháy nổ ở Bình Định chỉ được quan tâm chủ yếu ở TP Quy Nhơn và các thị trấn lớn như Bồng Sơn, Bình Định, còn ở nông thôn thì chưa được chú trọng. Trong khi đó hầu hết tại các trung tâm xã, nhà ở thường liền kề nhau, chung vách, do đó nếu có cháy nổ xảy ra sẽ ảnh hưởng đến nhà khác là hiển nhiên. Tất cả các nhà dân, ở thành thị lẫn nông thôn đều không có trang bị các phương tiện, dụng cụ chữa cháy. Việc phòng cháy còn xa lạ với người dân, ý thức chấp hành về an toàn PCCC của cán bộ, nhân viên, công chức nói chung còn thấp. Trong ý thức của đa số người dân, việc PCCC là việc của cơ quan chuyên môn.

Vì vậy, theo chúng tôi đã đến lúc cần phải tăng cường thật mạnh việc giáo dục, tuyên truyền để mỗi người dân nên ý thức về bảo đảm an toàn PCCC. Vì lợi ích chung, các cơ sở sản xuất kinh doanh cũng như tất cả chúng ta hãy quan tâm đến công tác phòng ngừa cháy nổ, bởi ngoài việc thiệt hại tài sản của mình còn gây thiệt hại đến tài sản và sinh mạng của người khác. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị Nhà nước cần đôn đốc nhắc nhở nhân viên thường xuyên kiểm tra các phương tiện, dụng cụ để chữa cháy, nếu có hư hỏng cần bổ sung ngay, nếu có điều kiện thì nên thành lập một bộ phận chuyên trách về công tác PCCC ngay tại đơn vị. Nhà nước nên đầu tư kinh phí theo một tỉ lệ thỏa đáng với đầu tư cho phát triển để mua sắm trang thiết bị phòng cháy chữa cháy cho cơ quan chuyên môn. Có như vậy chúng ta mới hạn chế được thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Cách chữa cháy hiệu quả nhất vẫn là phòng cháy.

Phạm Nguyễn

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Lệnh trừng phạt Iraq xiết chặt hơn  (28/02/2003)
Đóng cửa quán “cơm tù” Ông Béo ở Đà Nẵng  (28/02/2003)
ĐƯỢC VÀ MẤT   (28/02/2003)
Các KCN ở Bình Định chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung  (28/02/2003)
“Nhiều sản phẩm đồ gỗ của ngành đã kết hợp hài hòa 2 yếu tố truyền thống và hiện đại”  (28/02/2003)
Khắc phục bệnh quan liêu, bàn giấy của cán bộ cơ sở  (28/02/2003)
Hai sự kiện mới trong làng báo Bình Định   (28/02/2003)
Bảo vệ môi trường và khai thác hợp lý nguồn nước  (28/02/2003)
Một số định hướng cho công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay  (28/02/2003)
Vì sao Bình Định chưa có những thương hiệu mạnh?   (28/02/2003)