Cha mẹ và việc hướng nghiệp cho con cái
17:32', 5/3/ 2003 (GMT+7)

Hiện nay, cả nước có khoảng 40 triệu người đang trong độ tuổi lao động, trong đó có gần 7,5% chưa có công ăn việc làm. Mỗi năm Nhà nước phải chi từ 1,8 – 2 ngàn tỉ cho người dân vay vốn để tự tạo công ăn việc làm. Riêng tỉnh Bình Định, hàng năm có khoảng 200 ngàn thanh niên đến tuổi lao động. Các trung tâm tư vấn việc làm mỗi năm cung ứng 6 – 7 ngàn lao động cho các khu công nghiệp trong tỉnh, đào tạo và đào tạo lại hàng ngàn lao động thuộc các ngành nghề. Tuy nhiên, số người thất nghiệp trong tỉnh vẫn còn khá cao. Hầu hết, họ là những người trẻ, học vấn thấp, không được đào tạo nghề, không có vốn...

Vì vậy, muốn hạn chế tình trạng thất nghiệp phải phổ cập kiến thức văn hóa, dạy nghề cho người lao động, đặc biệt là cho thanh niên. Việc hướng nghiệp cho lớp trẻ, giúp họ chọn được nghề nghiệp phù hợp với khả năng là hết sức quan trọng. Trong vấn đề này, vai trò của gia đình là cực kỳ quan trọng.

Lẽ thường, cha mẹ nào cũng muốn con chọn được nghề đỡ vất vả, có thu nhập cao. Tư tưởng đề cao bằng cấp thái quá khiến nhiều gia đình bán hết gia sản để đầu tư cho con học đại học, cao đẳng. Kết quả là số sinh viên ra trường mỗi năm một tăng, dẫn đến chỗ cung nhiều hơn cầu. Trong khi đó, các nhà máy, xí nghiệp, đơn vị sản xuất lại thiếu đội ngũ công nhân có tay nghề cao, hoặc cán bộ kỹ thuật có chuyên môn giỏi. Đây là hiện trạng đáng để các bậc phụ huynh suy nghĩ và điều chỉnh lại việc hướng nghiệp cho con em. Gần đây, xu hướng cho con học nghề đang được các gia đình quan tâm, đó là chuyển biến tốt.

Cha mẹ cần giúp con định hướng nghề nghiệp rõ ràng trước khi chọn lựa. Mọi người đều có đặc điểm riêng về sức khỏe, cá tính, điều kiện sống, sở trường, sở đoản... Vì vậy, tự hiểu mình cũng là điều kiện quan trọng giúp cho người ta tìm được việc làm thích hợp.

Thanh niên thường nhiều mơ ước nhưng đôi khi là mơ mộng viển vông, thiếu thực tế, mà quên mất đòi hỏi khắt khe của nghề nghiệp. Cha mẹ cần giúp con loại bỏ những mơ mộng viển vông, đồng thời uốn nắn quan điểm sai trong việc chọn nghề. Thực tế, không thể chọn những việc làm nhàn nhã, có lương cao, trong khi bản thân không chịu học hành, phấn đấu, không có khả năng... Bất kỳ nghề nghiệp nào cũng đòi hỏi phải có một số năng lực nào đó, chẳng hạn như sức khỏe, trình độ học vấn, năng khiếu, kỹ năng nghề nghiệp... Nếu chọn được nghề phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, thể lực, sở trường của mình thì dễ phát huy được khả năng. Ngược lại, nếu phải làm những việc “sở đoản” của mình thì hiệu quả không cao. Tất nhiên, khái niệm “phù hợp” với nghề chỉ có ý nghĩa tương đối. Bởi người ta có thể tạo ra sự phù hợp bằng cách say mê công việc, dồn hết tâm sức cho nó.

Một yếu tố không kém phần quan trọng là cha mẹ cần cập nhật thông tin về việc làm, nắm vững xu thế phát triển và nhu cầu lao động của xã hội. Chẳng hạn ở Bình Định những ngành như dệt may, chế biến nông sản xuất khẩu, trồng trọt, chăn nuôi... hiện thu hút nhiều lao động phổ thông và công nhân kỹ thuật.

Tóm lại, các bậc cha mẹ cần giúp con cái nghiên cứu, cân nhắc kỹ các yếu tố về bản thân và hoàn cảnh để quyết định chọn lấy một nghề phù hợp nhất cho mình.

Tú Ân

(Quy Nhơn)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nỗ lực bảo vệ các di tích đền tháp Champa   (04/03/2003)
Chủ động phòng cháy rừng trồng trong mùa khô  (03/03/2003)
Bảo vệ và phục hồi rừng ngập mặn  (22/02/2003)
Để thế giới tuổi thơ thêm sắc màu  (21/02/2003)
Bình Định- Hoàng Anh Gia Lai 1- 1: Pipat lập công   (21/02/2003)
Tư vấn: Một nhu cầu không thể thiếu của trẻ em  (21/02/2003)
Cách chữa cháy hiệu quả nhất là phòng cháy  (20/02/2003)
Lệnh trừng phạt Iraq xiết chặt hơn  (28/02/2003)
Đóng cửa quán “cơm tù” Ông Béo ở Đà Nẵng  (28/02/2003)
ĐƯỢC VÀ MẤT   (28/02/2003)
Các KCN ở Bình Định chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung  (28/02/2003)
“Nhiều sản phẩm đồ gỗ của ngành đã kết hợp hài hòa 2 yếu tố truyền thống và hiện đại”  (28/02/2003)
Khắc phục bệnh quan liêu, bàn giấy của cán bộ cơ sở  (28/02/2003)
Hai sự kiện mới trong làng báo Bình Định   (28/02/2003)
Bảo vệ môi trường và khai thác hợp lý nguồn nước  (28/02/2003)