Chủ nghĩa cơ hội và kẻ cơ hội
17:47', 17/3/ 2003 (GMT+7)

Chủ nghĩa cơ hội là chủ trương chính trị lìa bỏ con đường đấu tranh chân chính, tùy cơ thỏa hiệp với kẻ thù, không dám tiến hành đấu tranh cách mạng triệt để (thường chỉ khuynh hướng thỏa hiệp với giai cấp tư sản trong phong trào công nhân).

Những biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội từ cổ chí kim, thời nào cũng có, nhưng thường xuất hiện công khai và phát triển vào lúc cách mạng gặp khó khăn và khi các quan hệ xã hội có những biến đổi. Nhưng chủ nghĩa cơ hội ngày nay khác với chủ nghĩa cơ hội “cổ điển” ở chỗ nó khôn khéo hơn, ngụy trang kỹ lưỡng hơn, cho nên dễ lẫn lộn hơn. Tuy nhiên, chúng cũng có những đặc điểm giống nhau là, trong mọi hành vi và quan hệ đều xuất phát từ động cơ vụ lợi.

Về mặt chính trị, đó là sự dao động về mục tiêu lý tưởng và nguyên tắc xây dựng Đảng; tê liệt ý chí chiến đấu, thiếu bản lĩnh, không dám đấu tranh với các quan điểm và hành vi trái Cương lĩnh, Điều lệ Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Con người cơ hội là người không theo một đường lối nào rõ rệt, khi ngã theo phe này, khi ngã theo phe kia, cốt là có lợi cho mình.

Trong công việc, kẻ cơ hội thường đùn đẩy cho người khác những việc khó, những việc không “chấm mút” được gì, và chỉ nhận những việc nhẹ nhàng, dễ “kiếm chác”, nhưng lại có tên tuổi, nhiều người biết đến. Tệ hại hơn là, họ sẽ đổ lỗi cho người khác khi có sai lầm, khuyết điểm, nhưng khi có công lao, thành tích thì họ vơ tất cả vào mình.

Trong quan hệ xã hội, kẻ cơ hội thường hay “ba phải”, thấy đúng không dám công khai ủng hộ, bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, phê phán, sống theo kiểu xuê xoa “dĩ hòa vi quý”. Gặp ai, kẻ cơ hội cũng tươi cười chào hỏi, ra vẻ thân tình, cởi mở làm cho nhiều người tưởng lầm họ hiền lành, có quan hệ quần chúng tốt. Nguy hiểm hơn là, kẻ cơ hội tùy thời, gió chiều nào che chiều ấy, ai mạnh thì theo, ai thất thế thì hùa vào đả kích, dìm dập thậm tệ.

Kẻ cơ hội xu nịnh cấp trên hết mực và ngược lại đàn áp cấp dưới không thương tiếc. Cũng có trường hợp, kẻ cơ hội trước mặt thì nịnh cấp trên, nhưng lại nói xấu sau lưng cấp trên để đề cao mình với quần chúng.

Khi cấp trên sắp sửa về hưu, hoặc gần hết nhiệm kỳ, hoặc khi kẻ cơ hội tìm được chỗ dựa vững chắc hơn ở cấp trên của cấp trên, thì họ bắt đầu xa lánh dần, thậm chí còn “phản kích” cấp trên mà họ đã một thời hết lòng “phụng sự”. Và vô lương tâm hơn, khi họ “bắt mạch” biết cấp trên đang bất bình một người nào đó, họ lập tức tấn công hãm hại, lật đổ người đó để “lập công” với cấp trên của họ.

Kẻ cơ hội thường “làm thì láo, báo cáo thì hay”, thổi phồng thành tích của bản thân, đơn vị, lừa dối cấp trên, trong khi đó, tình hình kinh tế – xã hội của đơn vị thì bê bối, kém hiệu quả.

Về nguyên tắc, chế độ ta không có đất cho chủ nghĩa cơ hội phát sinh và phát triển. Song trong thực tế, những phần tử cơ hội đã và đang có mặt ở nơi này, nơi khác trong các ngành, các cấp, cơ quan và đoàn thể. Họ ẩn hay hiện tùy thuộc vào mức độ đấu tranh của đảng viên chân chính và quần chúng tích cực.

Đấu tranh vạch mặt để đi đến loại bỏ kẻ cơ hội là thực hiện một nội dung của Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII. Cần tạo ra được một dư luận xã hội lên án không cho chúng có đất để “ngóc đầu dậy”. Cần làm cho quần chúng thấy được những hiện tượng tiêu cực do bọn này gây nên đều hoàn toàn xa lạ với đường lối và lý tưởng của Đảng, hoàn toàn xa lạ với phẩm chất, đạo đức của người cộng sản. Và thật là duy tâm, nếu nghĩ rằng kẻ cơ hội sẽ dễ dàng tự nguyện từ bỏ bản chất sai trái tồi tệ của họ, không cần phải tiến hành một cuộc đấu tranh quyết liệt.

Nguyễn Xuyến

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tác hại của phim ảnh bạo lực, đồi trụy đối với đời sống tinh thần của trẻ em  (16/03/2003)
Kiểm dịch tôm giống nhằm hạn chế tình hình dịch bệnh ở tôm  (16/03/2003)
Tăng cường việc tuyên truyền pháp luật cho nông dân  (14/03/2003)
Cần xử lý nghiêm những vụ vi phạm pháp luật về đất đai  (09/03/2003)
Cha mẹ và việc hướng nghiệp cho con cái  (05/03/2003)
Nỗ lực bảo vệ các di tích đền tháp Champa   (04/03/2003)
Chủ động phòng cháy rừng trồng trong mùa khô  (03/03/2003)
Bảo vệ và phục hồi rừng ngập mặn  (22/02/2003)
Để thế giới tuổi thơ thêm sắc màu  (21/02/2003)
Bình Định- Hoàng Anh Gia Lai 1- 1: Pipat lập công   (21/02/2003)
Tư vấn: Một nhu cầu không thể thiếu của trẻ em  (21/02/2003)
Cách chữa cháy hiệu quả nhất là phòng cháy  (20/02/2003)
Lệnh trừng phạt Iraq xiết chặt hơn  (28/02/2003)
Đóng cửa quán “cơm tù” Ông Béo ở Đà Nẵng  (28/02/2003)
ĐƯỢC VÀ MẤT   (28/02/2003)