Để đạt được mục tiêu từ 2003 đến 2005 đưa khoảng 3.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài
16:52', 19/3/ 2003 (GMT+7)
Xuất khẩu lao động là một hoạt động kinh tế - xã hội mang tính chiến lược lâu dài trong chương trình phát triển kinh tế xã hội tổng hợp của tỉnh, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo...
Xuất phát từ quan điểm đó, Bình Định đã có chính sách về học phí, hỗ trợ học bổng, trợ cấp ưu đãi, trợ cấp xã hội đối với học sinh học nghề nhằm tạo nguồn lao động có chất lượng cao và tạo nguồn cho xuất khẩu lao động, khuyến khích các trung tâm giới thiệu việc làm và các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động đưa lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài. Tuy vậy, kết quả đạt được ở lĩnh vực này những năm qua còn hết sức khiêm tốn. Mỗi năm Bình Định chỉ có khoảng 100 - 120 người đi lao động tại các thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông, Lào, Malaysia...
Thực trạng trên theo chúng tôi do các nguyên nhân chủ yếu như sau:
- Tỉnh vẫn chưa có một chính sách đồng bộ, đủ mạnh để hỗ trợ cho các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động tìm kiếm thị trường tiếp nhận lao động.
- Công tác chuẩn bị nguồn lao động xuất khẩu còn yếu, đặc biệt là công tác đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng nên khi có nhu cầu không tuyển được hoặc tuyển quá ít.
- Phần đông lao động của tỉnh sống ở nông thôn, mức thu nhập thấp nên không có khả năng tài chính để đóng các khoản chi phí ban đầu.
- Công tác tuyên truyền về chủ trương xuất khẩu lao động chưa được sâu rộng, người lao động chưa hiểu biết nhiều về quyền lợi và nghĩa vụ khi đi làm việc ở nước ngoài. Một số gia đình không yên tâm khi cho con em đi làm việc ở nước ngoài.
- Sự phối hợp giữa các ngành chức năng của tỉnh, các địa phương với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động chưa được chặt chẽ để chuẩn bị nguồn xuất khẩu lao động.
Để đạt mục tiêu từ năm 2003 đến năm 2005 đưa được 3.500 lao động của tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, mới đây tại hội nghị bàn về xuất khẩu lao động, một loạt các giải pháp đã được Bình Định triển khai như: công tác tạo nguồn, tuyển chọn lao động giới thiệu cho các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động; thực hiện tín chấp cho lao động thuộc đối tượng chính sách, lao động thuộc diện hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ chưa có việc làm... được vay vốn để đi xuất khẩu lao động; tiếp tục mở rộng chính sách hỗ trợ học nghề, hỗ trợ vốn cho tất cả những người muốn đi xuất khẩu lao động...
Tuy nhiên, theo chúng tôi nhận thấy 2 hạn chế cơ bản chưa được chú ý khắc phục. Đó là công tác tuyên truyền chủ trương chính sách về xuất khẩu lao động và sự phối hợp giữa các địa phương (đặc biệt là cấp phường, xã) với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động.
Vì vậy, cần phải có các giải pháp cụ thể hơn để sớm khắc phục 2 hạn chế này.