Điều lệ Đảng (2001) nêu nhiệm vụ của chi bộ Đảng là “giáo dục, quản lý, phân công công tác cho đảng viên…, kiểm tra, thi hành kỷ luật đảng viên”. Thực tế hoạt động của các tổ chức Đảng và các cơ quan Nhà nước cho thấy nhiệm vụ quản lý cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là trong cuộc sống đời thường tại nơi cư trú chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, đã xảy ra không ít trường hợp một số cán bộ, công chức bị dư luận nhân dân dị nghị, chê trách, thậm chí ta thán về những hành vi vi phạm đạo đức, lối sống, có dấu hiệu phạm pháp, nhưng tổ chức Đảng, cơ quan quản lý những người nói trên lại không hề hay biết, mãi đến khi họ bị các cơ quan bảo vệ pháp luật truy tố thì mới vỡ lẽ!
Nhằm giúp cán bộ, đảng viên, công chức giữ gìn, trau dồi, nâng cao phẩm chất, đạo đức, thiết nghĩ, đi đôi tăng cường công tác giáo dục, phải hết sức coi trọng các biện pháp thường xuyên kiểm tra, quản lý cán bộ, đảng viên, công chức trên cả ba mặt: thực thi nhiệm vụ tại công sở, cơ quan; cuộc sống đời thường tại nơi cư trú và các mối quan hệ giao du.
Quản lý cán bộ, đảng viên, công chức tại nơi làm việc nhằm giúp họ hoàn thành tốt chức trách được giao. Quản lý cán bộ, đảng viên, công chức trong cuộc sống đời thường tại nơi cư trú là thông qua việc nắm bắt dư luận nhân dân, phát hiện những dấu hiệu, những nghi vấn vi phạm đạo đức, lối sống, giúp họ tự giác sửa chữa, phòng tránh, đẩy lùi nguy cơ thoái hóa, biến chất. Ví như khi thấy cán bộ, đảng viên, công chức với đồng lương hạn hẹp hiện nay, nhưng lại có nhà cửa khang trang như biệt thự, thậm chí sở hữu nhiều nhà ở, mua sắm nhiều phương tiện sinh hoạt gia đình đắt tiền, có con cái đi du học nước ngoài bằng con đường tự túc… thì tổ chức Đảng, cơ quan trực tiếp quản lý người đó phải kịp thời có lời cảnh báo, có sự phân tích chân tình nhằm giúp họ phân rõ đúng sai để có biện pháp phòng tránh, không lún sâu vào con đường phạm pháp. Quan điểm cho rằng chỉ nghe dư luận, còn nghi vấn, chưa có đầy đủ chứng cứ rõ ràng, nói thẳng ngại mất lòng, sợ bị phản đối, không dám thực hiện phê bình, tự phê bình là thiếu tính chiến đấu.
Quản lý, kiểm tra cán bộ, đảng viên, công chức trong cuộc sống đời thường tại nơi cư trú thông qua sự giám sát của cán bộ, nhân dân sở tại là biện pháp có hiệu quả. Những năm qua, thực hiện chủ trương của Trung ương, các cấp, các ngành đã tổ chức cho đảng viên là cán bộ đương chức về tham gia sinh hoạt tại nơi cư trú. Có nhiều địa phương đã thực hiện tốt, nhưng cũng còn không ít địa phương thực hiện mang tính hình thức. Mỗi năm, đảng viên đương chức được họp một vài lần với chi ủy, có nơi chỉ với bí thư chi bộ khu phố, nghe thông báo đôi nét về tình hình địa phương; cuối năm, bí thư chi bộ có đôi điều nhận xét cho từng đảng viên rồi gửi văn bản về cấp ủy đang trực tiếp quản lý đảng viên đó. Khi hạ bút ghi nhận xét đảng viên về tham gia sinh hoạt tại nơi cư trú mà không lấy ý kiến đóng góp của tập thể, của cán bộ và nhân dân trong khu phố, là cách làm không bảo đảm tính khách quan. Còn đối với cán bộ, công chức chưa phải là đảng viên thì hầu như không về tham gia sinh hoạt tại nơi cư trú, họ tự do hoạt động ngoài tầm giám sát của cán bộ và nhân dân sở tại.
Trong quản lý cán bộ, đảng viên, công chức, việc tìm hiểu, xem xét các mối quan hệ giao du cũng cần được coi trọng đúng mức. Một cán bộ, công chức thường xuyên giao du chè chén, nhậu nhẹt với những phần tử bất hảo, những người nhân dân có nhiều dư luận không tốt, hay có quan hệ không rõ ràng với nhiều người nước ngoài là chuyện không bình thường. Tổ chức Đảng, cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ có dấu hiệu vi phạm tiêu cực cần kịp thời có lời cảnh báo, giúp họ phân rõ đúng sai để tìm cách sửa chữa, tránh những hậu quả khó lường.
Nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức đi đôi với tăng cường các biện pháp thường xuyên giám sát, quản lý, kiểm tra họ, kể cả trong cuộc sống đời thường tại nơi cư trú và trong các mối quan hệ giao du chẳng những nhằm giúp cán bộ, đảng viên, công chức hoàn thành tốt chức trách được giao, rèn luyện, nâng cao phẩm chất, đạo đức, lối sống cách mạng; phòng tránh thoái hóa, biến chất; phát huy vai trò cán bộ, đảng viên đi trước, làng nước theo sau, mà còn bảo đảm sự trong sạch, vững mạnh của tổ chức cơ sở Đảng.
. Hoài Nam |